Phác đồ trị bệnh “trì trệ”

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh yêu cầu đồng thời chống 2 loại virus là virus Corona và “virus trì trệ”.

Chúng ta có thể hiểu được sự nóng ruột của Thủ tướng, vì tình hình đang rất nóng, không thể chấp nhận tình trạng có những cán bộ không dám tiến công, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động. 

Theo nhận định của Bộ KH-ĐT, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra tác động đến tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta, ảnh hưởng tới tâm lý người dân, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Trong khi đó, diễn biến thực tế cũng cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tâm lý người dân và không ít cán bộ. Giống như nhiều học trò đã có kỳ nghỉ đột xuất rất dài, ngán ngại khởi động lại việc học; trong đội ngũ cán bộ nơi này, nơi khác đã xuất hiện tâm lý khoanh tay chờ qua mùa dịch, bàn ra. Bệnh trì trệ gây ra nhiều hệ lụy và dễ lây lan, cần phải có phác đồ điều trị công hiệu.

Phác đồ điều trị mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là: “Tất cả cán bộ, công chức của các bộ ngành, địa phương không được vô cảm trước tình hình đầy khó khăn. Cần bình tĩnh nhưng quyết tâm cao; có biện pháp mạnh, chủ trương cụ thể, vào cuộc đồng bộ. Chúng ta không chỉ quản trị tốt, mà cần có những nhà quản trị đầy cảm xúc, tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng đã xác định trách nhiệm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, vì dân và doanh nghiệp. Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội phải đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, đây chính là lúc “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nên không thể chấp nhận có cán bộ nào vô cảm, trì trệ. Thay vào đó, đất nước và nhân dân cũng đang cần đội ngũ cán bộ, nhất là những nhà quản trị quả cảm, đầy nhiệt huyết và thiện tâm như rất nhiều bác sĩ và nhân viên y tế vẫn đang ngày đêm ở tuyến đầu phòng chống Covid-19, cứu người bệnh và dập dịch.

Để tăng sức đề kháng với “virus trì trệ”, mỗi cá nhân cần xác định quyết tâm, tạo động lực, đề ra cách làm, có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, mạnh dạn xông vào những việc khó khăn. Nhận rõ còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức, biến động khó lường do dịch bệnh đang tác động xấu đến nền kinh tế thế giới, chúng ta càng phải năng động hơn, quyết tâm hơn, tăng tốc hơn để thực hiện những việc rất cần làm lúc này là kiểm soát, ngăn chặn những khó khăn, hiểm họa; khắc phục những hạn chế, yếu kém; giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng và cấp thiết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp; tạo nguồn lực tái cơ cấu kinh tế sâu rộng, tạo động lực mới cho phát triển.

Mới đây, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. Hai hiệp định này sẽ giúp EU và Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển; giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, là cú hích lớn cho xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đồng thời góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số. Hai hiệp định là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam ngay giữa mùa dịch. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra cơ hội và thách thức to lớn, đòi hỏi cả guồng máy phải tập trung vận hành thật mạnh mẽ và hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng. Không có chỗ cho những cán bộ và nhà quản lý vô cảm, trì trệ.

Tin cùng chuyên mục