PGS-TS Trần Hữu Tá: Người thầy dành cả cuộc đời cho giáo dục

Ai cũng biết đời người hữu hạn, nhưng nếu có người ra đi thì chỉ có những người tại thế buồn thương. PGS-TS Trần Hữu Tá đã thật sự chia tay mọi người, bình thản về cõi vĩnh hằng và để lại trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò sự buồn thương, tưởng tiếc.
PGS-TS Trần Hữu Tá
PGS-TS Trần Hữu Tá

Tình nghĩa thầy trò

Tôi thân quen với thầy gần 40 năm bằng duyên chữ nghĩa, rồi làm học trò thầy ở chương trình đào tạo sau đại học. Thầy là người hướng dẫn luận văn cao học của tôi, đặt viên gạch đầu tiên cho tôi bước lên con đường nghiên cứu văn học. Lúc nào thầy cũng xem tôi như đứa em nhỏ dại trong nhà. Tính tôi nói năng bạt mạng nhưng vẫn được thầy yêu quý, vì thầy cho tôi thật lòng, không đãi bôi. Với thầy, “chân tiểu nhân” đáng quý, đáng trọng hơn “ngụy quân tử”, và nếu ai cũng là “thánh” cả thì làm gì có được buồn vui ở cõi đời.

Từ đó, mỗi tháng có đôi ba lần thầy trò cùng ăn sáng, uống cà phê nói chuyện trên trời dưới đất. Hồi mới quen, thầy có hút thuốc, từng bước chuyển sang hút thuốc nhẹ hơn rồi bỏ hẳn. Mỗi ngày, thầy dành vài giờ đi bộ và tập Dịch cân kinh. Sau khi tôi vượt qua cơn bạo bệnh (1995), gặp nhau ở nhà GS Hoàng Như Mai, thầy khuyên tôi nên tập luyện như thầy. Tôi nói học theo thầy Hoàng Như Mai, nghĩa là chẳng kiêng cữ thứ gì, thuốc lá nào cũng hút được, sống thuận theo tự nhiên của Lão - Trang, ép mình chi cho khổ. GS Hoàng Như Mai cười thích thú!

Nhắc tới chuyện này, là vì trước khi thầy nằm một chỗ sống đời thực vật, thầy ăn khỏe hơn tôi, làm việc cần mẫn, ngoài việc giảng dạy, thầy còn làm công tác quản lý khoa, viết nghiên cứu, làm từ điển, viết báo, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh… Việc nào cũng hoàn thành tốt. Thế nhưng, mỗi tuần vào sáng thứ sáu, thầy phải vào Bệnh viện Nguyễn Trãi chuyền một chai đạm vì cơ thể không hấp thu được dưỡng chất, rồi từng bước đến mỗi tuần phải chuyền 2 chai, rồi run tay run chân, rồi nằm một chỗ, thức ăn phải bơm vào cái nút bên hông, thở phải dùng ống dẫn khí. Dẫu thế, đầu óc thầy rất tỉnh táo.

Nén tâm nhang tiễn thầy

Thân quen với thầy mấy chục năm qua, tôi chưa nghe ai than phiền về nhân cách của thầy. Lúc nào thầy cũng nhẹ nhàng; trong việc nói năng, cư xử không bao giờ to tiếng và nặng lời với bất kỳ ai. Trong các bài viết của thầy cũng thế, nhưng không phải viết cho có, viết vuốt đuôi cho được lòng nhau. Ngày còn làm báo, nhiều lần tôi đặt bài viết gấp gãy, đáp ứng yêu cầu tòa soạn và thầy đều nhận lời, vài tiếng sau là có. Những bài viết nhanh, viết gấp như thế của thầy không bài nào thuộc dạng “yếu còn hơn thiếu”, đều được ban biên tập cũng như bạn đọc phản ánh là những bài có chất lượng.

Một số bài viết của tôi cũng được thầy góp ý cần phải rào đón như thế nào để không tạo sơ hở cho người khác hiểu lầm, nhưng vẫn nhất quán với những gì mình muốn nói với bạn đọc. Bạn đọc tinh lắm, không lo bạn đọc không hiểu mình. Với thầy, quan trọng ở một bài viết là sức nặng phía sau chữ nghĩa, chứ không chỉ chữ nghĩa lộ trên mặt giấy. Ý của thầy đã giúp tôi trưởng thành trên bước đường cầm bút.

Trong tác phẩm Từ bục giảng đến văn đàn (NXB Trẻ, 2016), thầy có viết: “Đúng là tất cả đã qua hoặc sẽ qua. Nhiều thứ sẽ qua nhanh, nhưng còn tình yêu, tấm lòng tri kỷ tri âm dành cho nhau, cũng như những đóng góp xuất sắc của người cầm bút cho nền văn học dân tộc thì chắc sẽ còn đọng lại, bền lâu với thời gian”, cứ như vận vào cuộc đời của thầy.

Cả đời thầy gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Nhìn lại những gì thầy để lại cho đời, tôi xin mượn câu đối viếng Tú Xương để nói về sự nghiệp của thầy, xem như nén tâm nhang tiễn thầy: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn”.

Tin cùng chuyên mục