“Paris của Địa Trung Hải” kêu cứu

Thủ đô Beirut của Lebanon vốn được ví như “Paris của Địa Trung Hải”. Thế nhưng vụ nổ 2.750 tấn amoni nitrat xảy ra tại cảng Beirut ngày 4-8 đã làm khoảng 8.000 công trình kiến trúc lung lay, bao gồm có 640 tòa nhà di sản lịch sử, trong đó có khoảng 60 tòa nhà di sản lịch sử có nguy cơ sụp đổ.
Một nhà thờ cổ ở Beirut bị hư hại sau vụ nổ
Một nhà thờ cổ ở Beirut bị hư hại sau vụ nổ

Trước khi vụ nổ xảy ra, từ nhiều năm nay, người ta đã lo ngại về việc các tòa nhà có ý nghĩa lịch sử với sự phát triển của Lebanon nói riêng và nhân loại nói chung sẽ bị bán đi, sau đó bị phá bỏ để thay thế bằng các tòa nhà cao tầng. Có một vài ngôi nhà cổ được liệt kê vào danh sách thành phố, nhưng giờ chúng đã biến mất trước khi vụ nổ xảy ra.

Sau vụ nổ, Bộ trưởng Tài chính Lebanon, ông Ghazi Wazni, đã ban hành một sắc lệnh ngăn chặn việc mua bán bất kỳ tòa nhà lịch sử nào khi không được Bộ Văn hóa cho phép. Để bảo vệ những gì còn sót lại của thành phố, nhiều kiến trúc sư đã kêu gọi mọi người chung tay cứu lấy những ngôi nhà cổ vốn là di sản kiến trúc lâu đời của Lebanon. Khi có thời gian rảnh, họ lại đi tìm kiếm những mảnh vỡ mang đậm nét kiến trúc cổ còn sót lại tại những ngôi nhà đổ nát. Như kiến trúc sư Henry Loussian tranh thủ ngày ngày nhặt nhạnh từ những mảnh tường hoa văn cổ, cho đến chùm đèn cũ …

Đứng trước sự mất mát và tình thế cấp bách này, Tổng Giám đốc Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) Audrey Azoulay vừa đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế gây quỹ để hỗ trợ việc khôi phục các trường học, tòa nhà di sản lịch sử, bảo tàng và nền kinh tế, vốn bị tàn phá nặng nề trong vụ nổ. Hội nghị của các nhà tài trợ cho Beirut sẽ được UNESCO tổ chức trong tháng 9 tới.

Tin cùng chuyên mục