“Ông Thoàn bỏng” trả ơn đời

Tìm về xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, vào một ngày áp Tết Tân Sửu 2021, tôi thực sự xúc động trước hình ảnh người thương binh già ân cần chăm sóc từng vết thương cho người già, trẻ em bị bỏng. Đã gần tết, trời rét căm căm, nhưng trong cơ sở điều trị bỏng tại nhà vị lương y này, vẫn có hàng chục nạn nhân ở khắp mọi miền đất nước đang điều trị. Ông là lương y, thương binh 1/4, Anh hùng Lao động Đào Viết Thoàn.

“Thần dược”

Tháng 12-2020, tôi gặp ông ở Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội. Hình ảnh người lính già ngực đầy huân huy chương, bước chân tập tễnh, một bên mắt đã hỏng trong chiến tranh… ngay lập tức gây ấn tượng với tôi.

Tìm về nhà ông không hề dễ. Nhiều cây số đường đất mấp mô, nhưng hỏi nhà ông Thoàn “bỏng” thì từ cháu học sinh lớp 3 đến cụ già trên đường đều ngay lập tức chỉ vanh vách. Ngôi nhà của ông nằm giữa cánh đồng ở thôn Đồng Ấu, xã An Quý chẳng khác một bệnh viện bỏng thu nhỏ, không lúc nào vắng người.

Tầm trưa, nhưng nhà ông vẫn có hàng chục nạn nhân đến khám. Nhiều người đang nằm điều trị trong mấy căn phòng sạch sẽ phía sau. Đang mải câu chuyện với người đang điều trị, ông Thoàn gọi với vào “chú ra trạm xá xã đây, ra đó gặp sau”, rồi ông xách cái túi đựng đầy bông gạc, thuốc mỡ, ngồi lên xe máy phóng đi mất. Tôi ngẩn người, không kịp cả uống chén nước ông rót mời khi nãy, hỏi nhanh đường ra trạm xá xã.

Ở trạm y tế xã, có hơn 10 người bỏng nặng đang nằm điều trị. Bùi Thị Nhài, 31 tuổi, diễn viên Nhà hát Chèo Thái Bình, không may bị bỏng nước sôi. Cả cánh tay và chân bị lột hết da. “Bị cái là em đến An Quý tìm bác Thoàn ngay, vì diễn viên mà để lại sẹo bỏng thì tội lắm. Em nghe tên bác Thoàn từ lâu rồi, ai cũng khen thuốc bỏng của bác như “thần dược”, sẽ không có sẹo”, Nhài nói. Vết thương nhẹ của Nhài đến ngày thứ 2 - 3 đã lên da non; còn vết thương nặng thì dù thay băng, đắp thuốc nạn nhân đều không thấy đau…

“Ông Thoàn bỏng” trả ơn đời ảnh 1 Lương y Đào Viết Thoàn chữa bỏng cho bệnh nhi

Càng gần tết, số nạn nhân càng đông. Ông bảo, có lẽ tết nhất ai cũng bận rộn, vội vàng, nên dễ bất cẩn, khiến nhiều ca bị bỏng nước sôi. Năm nào cũng vậy, tầm 27 - 28 tháng Chạp là ông động viên mọi người đang điều trị về nhà. Ông chuẩn bị sẵn thuốc và hướng dẫn họ tự điều trị, sau tết quay lại. Nhưng năm nào cũng như năm nào, 28 - 29 tháng Chạp, nạn nhân bỏng lại ào ào đến. Rốt cuộc là tết nào nhà ông cũng có người ăn tết cùng. 

Không chỉ ông mệt mà các nhân viên của Trạm Y tế xã An Quý cũng vất vả, vì những nạn nhân nặng cần kết hợp điều trị tây y thường nằm ở trạm y tế, nên ông ngày 2 lần đến khám và điều trị. Tính ra, mỗi năm có hơn 1.200 nạn nhân cả nước về An Quý nằm điều trị bỏng. Tính cả số đến khám và lấy thuốc về tự bôi, mỗi ngày bình quân có trên 50 người. Đây là khác biệt ở Trạm Y tế xã An Quý so với các trạm y tế xã khác trên cả nước. 

Ông Đặng Ngọc Huy, Trưởng Trạm Y tế xã An Quý, cho biết, bài thuốc và cách chữa bỏng của ông Thoàn đến nay không ai nghi ngờ. Đại học Y Hà Nội cũng cử người về tận đây tìm hiểu, vì lẽ đó mà nạn nhân tìm về ngày càng đông. Trạm chỉ có 3 người, anh em phải chia nhau phục vụ bà con. Nhiều nạn nhân điều trị bỏng ở tuyến trên rồi lại quay lại để chữa và phục hồi. “Chúng tôi xác định khắc phục khó khăn để phục vụ nhân dân, vì bà con có tin mới tìm về nơi xa xôi này”, ông Đặng Ngọc Huy chia sẻ.

Theo lời Bác “thầy thuốc như mẹ hiền”

Năm 1979, chiến sĩ xe tăng Đào Viết Thoàn, thuộc Lữ đoàn 408, đặc khu Quảng Ninh, Quân khu 3 đang chiến đấu ở biên giới, bị trúng đạn pháo, được chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi Bệnh viện Quân y 103 điều trị. Những vết thương khủng khiếp tưởng chừng không qua khỏi: chấn thương sọ não, vỡ mỏ xương thái dương bên phải, cắt bỏ 1/2 tai phải, khoét bỏ mắt trái, mất khớp gối chân phải và toàn bộ 2 cơ dép, 2 cơ mông, gãy 2 dẻ xương sườn bên phải, xẹp đốt xương sống D11, D12...

Gần 2 năm ròng rã, ông phải trải qua gần chục ca mổ, bải hoải với những cơn đau, cận kề cái chết. May mắn, ông được cứu sống. Nhưng vết thương ở bàn chân phải của ông đã được ghép da nhiều lần mà không liền, vẫn bị hoại tử và lộ xương. Đau đớn vô cùng. Được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 và một số người mách bảo, ông đã vào Chùa Trắng (thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) xin sư cụ Thích Đàm Lương đắp thuốc cứu chữa.

Ông nhớ lại: “Sư cụ đắp thuốc cho tôi, cảm giác rất mát, không xót và khi thay băng thì băng không hề dính vào vết thương. Điều đó khác hẳn với những lần thay băng ở bệnh viện. Khi ở viện, được xử lý vết thương, tôi đau đến mức đờ đẫn. Sao con người lại phải chịu những nỗi đau ghê gớm này? Có cách nào để đỡ đau? Được sư cụ đắp thuốc, chỉ sau vài ngày, vết thương đã dịu đi. Tôi bị hấp dẫn bởi sự nhiệm màu của bài thuốc đó...”. 

Suốt 6 năm ở chùa, ông đã đọc và tham khảo rất nhiều tài liệu y học, dược học, bài thuốc cổ truyền của dân tộc. Năm 1987, sư cụ Thích Đàm Lương viên tịch, ông ở lại chùa chịu tang 6 tháng rồi trở về quê hương, đoàn tụ gia đình. 

Kế thừa bài thuốc mà sư cụ truyền dạy, ông ngày đêm nghiên cứu, bào chế bài thuốc “mỡ sinh cơ”, gần như là một “thần dược” trong điều trị vết thương, đặc trị vết bỏng. Hầu hết các vị của phương thuốc này đều dễ tìm trong dân gian, như: mật ong, củ nghệ, lạc tiên, đu đủ, cối xay, chìa vôi... Thuốc rất dễ dùng, phù hợp mọi lứa tuổi. Không chỉ thế, ông còn cải tiến phương pháp đắp thuốc bằng cách tẩm nước muối sinh lý vào gạc, sau đó vắt khô rồi mới bôi thuốc vào, vừa tiết kiệm được thuốc, lại khiến cho gạc không bị dính vào vết thương, giúp nạn nhân không đau, vết bỏng nhanh liền. Những bài thuốc, cách chữa của ông đều được trao bằng khen sáng tạo.

Trong hơn 30 năm qua, lương y, thương binh Đào Viết Thoàn đã chữa khỏi cho gần 30.000 nạn nhân bỏng, trong đó có hơn 11.000 cháu nhỏ. Đặc biệt hơn, ông miễn toàn bộ giường nằm, điện nước cho gần 20.000 nạn nhân nằm điều trị nội trú tại gia đình. Hàng ngàn nạn nhân là người có công, nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, trẻ em mồ côi, con em đồng đội được ông miễn tiền thuốc, tiền công, ước tính hàng tỷ đồng. 

Trong ngôi nhà của ông, tôi không đếm hết được các loại huân chương, huy chương, bằng khen. Một ngày mới của ông bắt đầu từ 5 giờ, với việc chuẩn bị thuốc, băng gạc. Đêm duyệt hồ sơ bệnh án, phải sau 0 giờ mới xong việc. Nhiều hôm chưa kịp ăn sáng, nạn nhân đã tới, nên chuyện ông nhịn đói khám và điều trị, ăn trưa lúc 14 giờ diễn ra thường xuyên. Năm nay đã 63 tuổi, những vết thương cũ cứ trở trời là nhức nhối.

Bao năm qua, những lần ông rời An Quý chỉ là để đi dự các cuộc tuyên dương, khen thưởng, giao lưu nhân vật điển hình trong các phong trào thi đua, sau đó là vội vã trở về vì bà con, nạn nhân đang đợi. Ông thậm chí còn không có khoảng thời gian nào riêng tư cho mình. “Nói về kinh tế, nếu tôi thu đủ tiền chữa thì bà con “không chịu nổi”, tôi chủ yếu đóng góp cho xã hội”, ông chia sẻ. 

Ông tâm niệm, khi chiến đấu bị thương, đất nước còn nghèo khổ nhưng ông đã được Đảng quan tâm, nhân dân đùm bọc. “Sống được đã là quý rồi, lại còn được học nghề thuốc và trưởng thành cho đến hôm nay, đó là phúc lớn của gia đình. Tôi ơn Đảng, ơn nhân dân, cho nên còn khỏe ngày nào thì tôi còn phục vụ nhân dân ngày đó. Đó là trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ”, ông nói.  

Với ông, được làm việc cứu người là đúng như Bác Hồ đã dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền” và cũng đúng như tư tưởng Phật giáo “cứu một người phúc đẳng hà sa” mà năm xưa ông học được khi nương nhờ sư thầy để vừa chữa bệnh, vừa học nghề thuốc. Người dân yêu mến gọi ông là “vua chữa bỏng” của đất Thái Bình, hay gần gũi hơn, người ta gọi là “ông Thoàn bỏng”. Những gì mà người lương y ấy đã trải qua là một câu chuyện gây xúc động mạnh về tài năng, nghị lực phi thường, về tấm lòng yêu thương con người. Để rồi đến nay, người lính già nhìn lại những gì đã qua, đã làm, thấy “hình như mình cũng đã trả ơn cho đời được chút gì đó như hằng mong muốn”.

Tin cùng chuyên mục