“Ông hoàng trinh thám” nước Pháp giao lưu với bạn đọc TPHCM

Sau Hà Nội, Đà Nẵng và Huế, nhà văn Michel Bussi, người được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” của nước Pháp đã có buổi giao lưu với bạn đọc tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM).

Hội trường D của Trường ĐH KHXH & NV kín người từ trước khi diễn ra chương trình giao lưu với nhà văn Michel Bussi nhân dịp tiểu thuyết Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? của ông vừa được ra mắt tại Việt Nam.

Trong nền văn học Pháp đương đại, Michel Bussi được mệnh danh là “ông hoàng trinh thám” với phong cách viết biến hóa tài tình, bất ngờ đến ngạt thở. Theo tờ Le Figaro, ông là một trong năm nhà văn Pháp có sách bán chạy nhất năm 2021 tại nước này. Các tiểu thuyết của ông đã được dịch và xuất bản tại hơn 35 quốc gia, trong đó một số đã được chuyển thể thành phim.

“Ông hoàng trinh thám” nước Pháp giao lưu với bạn đọc TPHCM ảnh 1 Một số tác phẩm của nhà văn Michel Bussi được xuất bản tại Việt Nam 
Tại Việt Nam, nhiều tác phẩm của Bussi đã được Nhã Nam xuất bản, bao gồm: Xin đừng buông tay, Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi, Vết khắc hằn trên cát, Kho báu bị nguyền rủa; mới đây là tiểu thuyết Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé?. Đặc biệt, hai tác phẩm Mẹ đã sai rồi Xin đừng buông tay hiện đã “cháy hàng”, được rao bán trong các hội nhóm với giá cao hơn giá bìa.

Lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển, tiểu thuyết Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé? là cuốn sách hấp dẫn của Michel Bussi khi đặt ra những tương đồng trong cái chết của Hoàng tử bé và vụ mất tích bí ẩn của cha đẻ cậu - nhà văn Saint-Exupéry. Ai đã giết Hoàng tử bé? là câu hỏi mà độc giả trên toàn cầu đặt ra khi khép lại tác phẩm cùng tên của nhà văn Saint-Exupéry. Thông qua tác phẩm của mình, Michel Bussi tìm cách giải mã sự mất tích bí ẩn của Saint-Exupéry thông qua một “cuộc điều tra hư cấu”, dựa trên những sự việc có thật (các trích dẫn từ bản thảo gốc của Hoàng tử bé, những lưỡng lự, lựa chọn, gạch bỏ của tác giả, sự khác biệt giữa bản viết tay và bản được phát hành, những nhân chứng là người thân của Saint-Ex…)... tất thảy khiến cuộc điều tra trở nên vô cùng nan giải.

“Ông hoàng trinh thám” nước Pháp giao lưu với bạn đọc TPHCM ảnh 2 Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng của dòng văn học trinh thám, Michel Bussi từng là giảng viên Địa lý của Trường Đại học Rouen (Pháp) 
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Michel Bussi từng là giảng viên Địa lý tại Đại học Rouen (Pháp). Tại chương trình, nhà văn Michel Bussi cho biết, từ nhỏ, ông đã ham thích đọc sách, nhất là những tác phẩm viết về những chuyến đi. Ông mong muốn sẽ viết tiếp những cuốn sách được đọc từ hồi bé, qua đó cũng giúp bạn đọc có thể được chu du theo những tác phẩm của mình. Ước mơ đó luôn thường trực trong ông, cho đến khi trở thành giảng viên của Trường Đại học Rouen, ông quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Bên cạnh công việc ở trường, tranh thủ những lúc rảnh rỗi hay những kỳ nghỉ, ông dành thời gian cho việc sáng tác. Tác phẩm đầu tiên của ông là Vết hằn trên cát.

Khi bắt tay vào viết tiểu thuyết mới dựa trên một tác phẩm đã nổi tiếng, nhà văn Michel Bussi cho biết, ông gặp một thuận lợi lớn đó là tình yêu của ông dành cho tác phẩm Hoàng tử bé. “Tôi đã rất xúc động, rất yêu quý tác phẩm này từ lúc còn bé. Tôi cũng đã có một bộ sưu tập những phiên bản của Hoàng tử bé. Tôi đã quan tâm đến tác phẩm này từ rất lâu, những lúc có thể tôi đều tìm kiếm những tư liệu về Hoàng tử bé cũng như về nhà văn Saint-Exupéry”, Michel Bussi chia sẻ mối duyên của ông với tác phẩm Hoàng tử bé.

“Ông hoàng trinh thám” nước Pháp giao lưu với bạn đọc TPHCM ảnh 3 Nhà văn Michel Bussi và TS Trần Lê Bảo Trân (bìa phải) tại chương trình 
Tuy vậy, ông cũng gặp phải những khó khăn không nhỏ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tạo ra một nhân vật gần giống nhất với những nhân vật có trong tác phẩm Hoàng tử bé. Chẳng hạn trong Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé? có nhân vật phi công, chuyến bay đi từ hòn đảo này qua hòn đảo khác - giống như Hoàng tử bé di chuyển từ hành tinh này qua hành tinh khác. Mỗi hòn đảo trong tác phẩm của Michel Bussi có sự tương đồng với những hành tinh mà Hoàng tử bé di chuyển.
“Ông hoàng trinh thám” nước Pháp giao lưu với bạn đọc TPHCM ảnh 4 Bạn đọc xếp hàng chờ xin chữ ký của nhà văn Michel Bussi 
“Tôi cố gắng làm sao để những nhân vật này gần với những nhân vật mà tôi sáng tạo, có chút hài hước, đáng yêu. Tôi nghĩ mình đã có thành công nhất định khi sáng tạo ra những nhân vật như vậy, một trong số đó là nhân vật ông vua Izar”, nhà văn này cho biết.

Đồng hành với nhà văn Michel Bussi tại chương trình giao lưu là Tiến sĩ Trần Lê Bảo Trân. Từng đọc tác phẩm ở phiên bản tiếng Pháp và tiếng Việt, TS Trần Lê Bảo Trân cho rằng, Michel Bussi đã rất sáng tạo và táo bạo, vì ông dám viết về một tác phẩm đã trở thành huyền thoại.

“Ông hoàng trinh thám” nước Pháp giao lưu với bạn đọc TPHCM ảnh 5 Trong lúc ký tặng sách cho bạn đọc, nhà văn Michel Bussi còn vui vẻ trò chuyện với độc giả của mình 
Đặc biệt, theo TS Bảo Trân, trong tác phẩm Mã 612: Ai đã giết hoàng tử bé?, nhà văn Michel Bussi đã sáng tác theo phương pháp mà những năm gần đây ở Pháp người ta gọi là phê bình can thiệp. “Michel Bussi đã lật lại tác phẩm kinh điển Hoàng tử bé, ông đưa ra những sự thật và giả thuyết nhằm thuyết phục độc giả tin theo mình. Đó là cách sáng tạo thông minh, nhất là với những tác giả viết thể loại trinh thám”, TS Bảo Trân nói thêm. 

Tin cùng chuyên mục