Ông giáo tiếp sức người nghèo vượt dịch

Ở cái tuổi ngoài 60, là đối tượng nguy cơ cao trước dịch Covid-19, nhưng với Nhà giáo Nhân dân - Phó Giáo sư - Tiến sĩ  Hồ Thanh Phong thì “chẳng gì là nguy cơ”. Ngay trong cao điểm dịch Covid-19 bùng phát đợt 4 vừa qua, thầy lăn xả với các hoạt động tình nguyện hỗ trợ người dân. Bất kể ngày đêm, thầy và các cộng sự đã trực tiếp đến các điểm nóng của dịch, tiếp sức người nghèo vượt qua thời khắc khó khăn nhất. 
Thầy Hồ Thanh Phong (thứ hai từ trái sang) tặng 1.500kg gạo cho Ủy ban MTTQ quận Tân Bình để chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn
Thầy Hồ Thanh Phong (thứ hai từ trái sang) tặng 1.500kg gạo cho Ủy ban MTTQ quận Tân Bình để chăm lo người dân có hoàn cảnh khó khăn

Không thể ngồi im khi thành phố cần

Tôi biết thầy từ khi là phóng viên được phân công viết mảng giáo dục đại học, tới nay cũng được mười mấy năm. Thầy là một nhà giáo điềm đạm, hiền lành, rất dễ gần. Ai tiếp xúc với thầy cũng quý mến và thân thiện. Nhưng với vai trò quản lý (Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế TPHCM), thầy là người quyết đoán, sẵn sàng tiên phong trước những công việc khó. Hết tuổi làm quản lý, thầy về nghỉ theo chế độ. Nghỉ hưu, nhưng sự trăn trở của thầy với nghề, với sinh viên và đội ngũ giảng viên vẫn còn vẹn nguyên. 

Những ngày đầu tháng 6-2021, khi TPHCM dần trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 và bắt đầu giai đoạn giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng, hình ảnh các gia đình nghèo vất vả chống chọi với khó khăn trước đại dịch khiến thầy Hồ Thanh Phong trăn trở.

“Tôi thấy bà con mình khổ quá. Khi thiên tai địch họa kéo đến, bà con nghèo chính là đối tượng dễ tổn thương nhất. Tôi bàn với bạn bè, đồng nghiệp quyết định hỗ trợ gạo cho bà con. Chúng tôi thiết kế một băng chuyền để chuyển gạo từ trong kho ra chỗ nhận và gọi là máy ATM băng chuyền gạo. Ngoài chút tiền dạy học của mình, tôi kêu gọi anh em, bè bạn đóng góp và kêu gọi trên cả Facebook để tìm thêm sự đồng hành. May mắn, tôi được bạn bè hỗ trợ và kết hợp với nhóm Từ Thiện Minh Tâm của anh Đỗ Quang Thuần đặt máy ATM gạo đầu tiên ở quận Bình Tân để giúp bà con, công nhân nghèo thất nghiệp…”, thầy Hồ Thanh Phong tâm sự. 

Nhắc lại thời điểm cả thành phố gồng mình chiến đấu với “giặc vô hình”, thầy Hồ Thanh Phong trầm ngâm: “Sợ chứ, tôi cũng là người bình thường chứ không phải “mình đồng da sắt” mà có thể miễn dịch với virus. Nhưng đời tôi đã trải qua nhiều biến động, cũng đã đi được nhiều nơi, gặp được nhiều bằng hữu, dạy được nhiều học trò…, nên nếu không may mắn thì tôi cũng cảm thấy mình không hối hận gì. Bà con mình còn nhiều người khổ quá, bất cứ ai có lương tâm đều không thể bàng quan được. Giúp được thêm một người, mình vui thêm một chút. Niềm vui của tuổi này cũng chỉ có thế thôi”.

Lời hiệu triệu từ trái tim

Ban đầu, việc thiện nguyện của thầy xuất phát từ suy nghĩ cá nhân. Nhưng việc làm từ tâm đã chạm đến trái tim của bạn bè, đồng nghiệp lẫn những học trò mà thầy từng giảng dạy… Rồi tất cả đã cùng nhau hành động giữa tâm dịch: đi giúp dân nghèo. 

“Chúng tôi quyên góp để mua gạo trong giai đoạn đầu (tính đến ngày 29-6) được hơn 100 tấn gạo. Đến tháng 7, TPHCM giãn cách xã hội, hạn chế tối đa người dân không có việc quan trọng không được ra đường, tôi kêu gọi thêm một số đồng nghiệp, học trò, bạn bè gần xa mua gạo, sau đó phối hợp với MTTQ và các cán bộ địa phương đem gạo chia ra cho các hộ nghèo từng quận, phường và cung cấp gạo cho các bếp ăn từ thiện. Giai đoạn này có thêm hơn 60 tấn gạo được quyên góp và trao tận tay bà con”, thầy Phong nhớ lại. 

Cuối tháng 7, TPHCM bước vào đỉnh dịch với hàng ngàn F0 mỗi ngày. Các bệnh viện, cơ sở điều trị thiếu thốn cơ sở vật chất, thuốc thang, nhóm của thầy Hồ Thanh Phong lại tiếp tục ra sức kêu gọi thêm thành viên, chuyển hướng mua đồ bảo hộ, khẩu trang, thuốc dùng để tặng cho các y bác sĩ tuyến đầu. Kết quả, nhóm đã mua được 300 bộ đồ bảo hộ, gần 3.700 khẩu trang cao cấp, 50 máy SpO2, 5 máy tạo oxy và 5 cây máy nóng lạnh có nước RO, nước rửa tay, nước suối và 5 tấn gạo tiếp sức thêm các nơi cần. 

“Vào đầu tháng 8, khi số ca F0 vượt ngưỡng, thành phố cho phép điều trị tại nhà. Nhóm đã họp nhanh và quyết định thành lập mô hình khám chữa bệnh tư vấn từ xa (telemedicine) hỗ trợ bệnh nhân. Mô hình này vẫn tiếp tục duy trì đến nay”, thầy Hồ Thanh Phong tâm sự.

Với tinh thần hết mình hỗ trợ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, giúp các F0 có thêm điểm tựa, nhiều tình nguyện viên tìm đến nhóm thầy Hồ Thanh Phong. Đến hết tháng 8, nhóm của thầy đã có hơn 250 người có chuyên môn tham gia, trong đó có hơn 100 bác sĩ các chuyên khoa. Trong giai đoạn cao điểm, mỗi ngày nhóm tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ của hơn 100 bệnh nhân. Nhóm hỗ trợ tích cực, từ tư vấn, cấp thuốc, trợ giúp oxy cho đến hỗ trợ nhập viện… Cùng với đó, 2 kho thuốc và thiết bị của nhóm thành lập ở hai đầu thành phố là quận 8 và quận Gò Vấp đã kịp thời đem thuốc, máy oxy, bình oxy… đến với nhiều người.

Ngoài việc giúp đỡ người dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch, với kinh nghiệm quản trị của một nhà giáo, thầy Hồ Thanh Phong đã tranh thủ thêm thời gian để tổ chức những buổi phổ cập kiến thức y khoa, đặc biệt là các kiến thức về dịch bệnh để anh em tình nguyện viên dù trong ngành nghề nào cũng có thêm hiểu biết tự bảo vệ mình và giúp đỡ người khác. 

Tiếp thêm sức mạnh

“Có lần, tôi nhận được lá thư của một học trò cũ. Bạn ấy cảm ơn tôi và nhóm vì chúng tôi trong hành trình cứu giúp bà con đã cứu gia đình bạn khỏi Covid-19 trong lúc bạn ấy đang ở nước ngoài, không xoay xở được. Những dòng chữ thân thương, tình cảm của bạn ấy gửi chúng tôi thật sự xúc động và nó như tiếp thêm sức mạnh, giúp chúng tôi thấy việc mình làm, công sức bỏ ra thật sự có giá trị”, thầy Hồ Thanh Phong chia sẻ.

Dù đã làm hết sức có thể nhưng thầy và anh em trong nhóm vẫn luôn day dứt mỗi khi chứng kiến bệnh nhân ra đi vì Covid-19. Thầy kể có những đêm cả nhóm thức đến 1, 2 giờ sáng trao đổi qua Zalo để xin chuyển viện bệnh nhân trở nặng. Có trường hợp nhóm phải liên hệ nhiều nơi, nhờ sự hỗ trợ của các nhóm thiện nguyện khác để chuyển viện một ca bệnh nữ, đưa được con và mẹ của chị về nơi thu dung an toàn. Nhưng hôm sau nghe tin chị mất trong bệnh viện, nhóm của thầy bàng hoàng và rất buồn... 

Từ thực tế công việc, dưới cái nhìn của một nhà giáo, nhà khoa học, NGND-PGS-TS Hồ Thanh Phong trăn trở: “Phải tiếp sức kịp thời, không để người dân rơi vào khó khăn, quẫn bách bởi khi kinh tế bế tắc, tinh thần sa sút sẽ không người dân nào có sức khỏe và tâm trí cho việc chống dịch. Khi đó, thiệt hại càng lớn hơn. Đối với doanh nghiệp, phải giữ cho được “sức khỏe” của nền kinh tế hàng hóa, không để tắc nghẽn. Cứ mỗi công việc được tạo ra là một gia đình được nuôi sống. Một sản phẩm được sản xuất là lợi ích mang đến cho tất cả thành phần của chuỗi cung ứng và cuối cùng đến người dân”. 

Hoạt động thiện nguyện, theo thầy Hồ Thanh Phong, như thảm thực vật dưới ánh mặt trời, nếu đủ ánh sáng, đủ nước tưới thì thảm thực vật sẽ xanh tươi, phát triển. Sự trợ giúp thiện nguyện nếu được chính quyền tiếp sức, tạo mọi điều kiện thì sẽ đến với người cần nhanh, chính xác và hiệu quả.

Đến nay, số ca F0 mà nhóm thầy Hồ Thanh Phong đã giúp tư vấn, khám, hỗ trợ chuyển viện là hơn 4.500 ca, số được hồi phục ghi nhận hơn 2.600 ca. Nhóm đã hỗ trợ hàng trăm tấn gạo cho bà con khó khăn ở 11 quận, huyện của TPHCM. Khi toàn thành phố từng bước chuyển sang giai đoạn bình thường mới, nhóm của thầy vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình trong quá trình giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, dịch bệnh. Hoạt động không mệt mỏi của nhóm đã được sự ủng hộ của chính quyền thành phố, Sở Y tế khi vừa mới cho phép nhóm được triển khai thí điểm mô hình hoạt động “Chương trình SpO2 tại nhà” trên các địa bàn quận 6, quận 10, quận Bình Tân từ ngày 6-11 đến hết ngày 31-12.

Tin cùng chuyên mục