Ông Đinh La Thăng: “Thúc ép là cần thiết nhưng thực hiện phải đúng luật...“

Sáng 11-1, phiên tòa sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC tiếp tục phần thẩm vấn của luật sư đối với nhiều bị cáo.

Trước tòa, trả lời câu hỏi của luật sư về việc vì sao biết hợp đồng EPC số 33 được ký trái quy định và lãnh đạo PVN chỉ đạo Ban quản lý dự án tạm ứng cho tổng thầu PVC là trái quy định nhưng vẫn chỉ đạo làm thủ tục tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.310 tỷ đồng cho PVC, bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng ban quản lý dự án) cho biết, mặc dù đã báo cáo về những khó khăn và thiếu sót liên quan tới hợp đồng 33 nhưng tập đoàn vẫn yêu cầu chuyển tiền tạm ứng nên đã buộc phải làm thủ tục chuyển tiền theo yêu cầu lãnh đạo vì là đơn vị phụ thuộc và cấp dưới nên thực thi mệnh lệnh cấp trên.

“Trước sức ép của công việc, áp lực “trên đe dưới búa” do tính quyết liệt của lãnh đạo tập đoàn, tôi là mắt xích nhỏ của tập đoàn nên phải nhận lệnh. Điều đó dẫn đến quyết định sai. Tôi thực thi mệnh lệnh và ký chuyển tiền, dù tôi biết vi phạm nghị định 48 của Chính phủ. Còn nếu không ký thì họ sẽ nói tôi thế này thế kia, rồi cản trở dự án thì bất lợi cho tôi hơn. Tôi bắt buộc phải ký... Bị cáo chỉ là người giúp việc thôi...”, bị cáo Chương trình bày.

Ông Đinh La Thăng: “Thúc ép là cần thiết nhưng thực hiện phải đúng luật...“ ảnh 1 Bị cáo Vũ Hồng Chương

Bị cáo Vũ Hồng Chương cũng khẳng định, sau khi chuyển tiền, bản thân có ký 2 công văn yêu cầu tổng thầu báo cáo việc sử dụng vốn tạm ứng nhưng không có hồi âm. Đến tháng 9, tổng thầu có công văn đề cập nội dung qua kiểm tra của tập đoàn đã phát hiện sử dụng tiền tạm ứng trái mục đích.

Bị cáo Lương Văn Hòa 

Trong khi đó, trả lời xét hỏi của luật sư, bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) cho biết, ở PVC có "văn hóa" "đã là mệnh lệnh thì phải làm", lãnh đạo công ty có thể cho người ở ban quản lý dự án nghỉ việc bất cứ khi nào.

Ông Đinh La Thăng: “Thúc ép là cần thiết nhưng thực hiện phải đúng luật...“ ảnh 3 Ông Đinh La Thăng tại phiên xét xử ngày 11-1

Ngay sau đó, luật sư cho gọi ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) lên để đối chất. Câu hỏi luật sư đặt ra với ông Thăng là nếu ông Vũ Hồng Chương không chuyển tiền tạm ứng thì có vi phạm quy chế của tập đoàn hay nghị các quy định liên quan hay không?  

Trả lời câu hỏi trên, ông Đinh La Thăng cho biết đã lắng nghe ý kiến của nhiều bị cáo, trong đó có phần trả lời của bị cáo Vũ Hồng Chương. Tuy nhiên, lãnh đạo PVN khi triển khai dự án đều chỉ đạo làm đúng theo quy định pháp luật.

“Việc thúc ép thi công là cần thiết, tuy nhiên trong tất cả chỉ đạo, quyết định của Chủ tịch HĐTV đều yêu cầu thực hiện theo đúng pháp luật, không vì bất cứ lý do nào mà làm sai, gây thiệt hại...”, ông Đinh La Thăng khẳng định.

Ông Đinh La Thăng: “Thúc ép là cần thiết nhưng thực hiện phải đúng luật...“ ảnh 4 Đại diện PVN  trả lời tại phiên tòa

Trong khi đó sau giờ nghỉ giải lao, luật sư đã hỏi đại diện của PVN về tiến độ của dự án Nhà máy Nhiệt điệt Thái Bình 2 và quan điểm của PVN có yêu cầu những người làm sai phải bồi thường.

Trước câu hỏi này, người đại diện được PVN ủy quyền có mặt tại tòa cho biết:  PVN có quan điểm rõ ràng rằng căn cứ kết quả giải quyết trong quá trình tố tụng, cụ thể là phiên tòa này thì đề nghị tòa quyết định thiệt hại xác định được theo quy định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của PVN và của Nhà nước. Đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 dù đã chậm tiến độ tới 4 năm nhưng vẫn đang triển khai và tiến độ tổng thể đạt khoảng trên 81%. Hợp đồng EPC cũng đang thực hiện. Do đây là dự án đầu tư rất quan trọng, giá trị lớn, yêu cầu cao nên cần nhiều thời gian.

Đại diện PVN xác nhận chưa có yêu cầu cụ thể về vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án này.

Tin cùng chuyên mục