Ông David Dương: Thành công đồng nghĩa với việc mang lại giá trị cho cộng đồng

Để có thêm góc nhìn về việc xử lý chất thải trong thời kỳ dịch bệnh tại Hoa Kỳ và Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn trực tuyến với ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Hoa Kỳ và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) đặt tại Việt Nam. Ông là một doanh nhân thành công trong trong lĩnh vực xử lý chất thải tại Hoa Kỳ, đồng thời ông cũng là một Việt kiều có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CWS và VWS
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CWS và VWS

- Xin chào ông David Dương, tôi rất vui khi lại có dịp được trò chuyện với ông. Được biết ông vừa mới tái ký hợp đồng thu gom và xử lý chất thải với thành phố San Jose bang California, ông có thể cho biết thêm một ít thông tin về hợp đồng này?

Ông David Dương: Hợp đồng cũ hết hạn vào ngày 30-6, ngày 1-7 vừa rồi CWS mới ký lại hợp đồng với thành phố San Jose, hợp đồng có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD.

Đối với hợp đồng cũ, ngoài việc thu gom rác, mỗi tháng người dân được Công ty CWS đến thu gom miễn phí 2 lần, mỗi lần 3 món đồ cồng kềnh như giường, ghế đệm, tủ lạnh… Nhưng đối với hợp đồng mới, Công ty CWS không giới hạn số lượng, số lần thu gom rác cồng kềnh của người dân thải bỏ trong tháng. Việc thu gom toàn bộ rác cồng kềnh giúp hạn chế việc người dân xả thải loại rác này ra ngoài đường.

Một số điểm mới khác trong hợp đồng, toàn bộ xe thu gom rác sẽ được thay bằng xe chạy nhiên liệu sạch và thành phố sẽ chịu trách nhiệm trong công tác phân loại rác tại nguồn.

- Ở Hoa Kỳ việc phân loại rác tại nguồn được quy định như thế nào thưa ông?

Ở thành phố San Jose, Công ty CWS phục vụ thu gom cho 170.000 căn nhà. Mỗi nhà có 3 thùng rác để phân loại (rác độc hại, rác hữu cơ và rác tái chế), hàng tuần công ty sẽ đến thu gom rác tái chế.

Ở đây việc phân loại rác tại nguồn đã được quy định cụ thể. Nếu người dân không phân loại rác theo đúng quy định, lần 1 và lần 2 đơn vị thu gom rác sẽ chụp hình ghi nhận sự việc, nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy trình. Lần thứ 3 vi phạm sẽ bị phạt với số tiền bằng 2 tháng đóng tiền rác. Lần thứ tư vi phạm sẽ tăng lên gấp đôi. Nếu người dân không đóng tiền phạt cho đơn vị thu gom, xử lý rác thì thành phố sẽ đóng thế. Số tiền nợ của người vi phạm sẽ bị cộng dồn vào tiền thuế hàng năm phải đóng.

Nhân viên công ty CWS thu gom rác tái chế tại Hoa Kỳ

- Thành phố đã có những quy định cụ thể, cộng với ý thức chấp hành của người dân đã giúp việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện tốt. Còn hợp đồng đối với thành phố Oakland hiện nay được thực hiện như thế nào thưa ông?

CWS đã ký Hợp đồng 20 năm với thành phố Oakland vào năm 2015, 2016 chính thức đi vào hoạt động. Hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD. Hiện thành phố Oakland thương lượng với CWS để gia hạn thêm 10 năm và bổ sung thêm một số hạng mục thu gom. 

Có một tin vui tôi muốn chia sẻ thêm, CWS vừa mới mua miếng đất 14 mẫu tại cầu cảng của thành phố Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế. Tất cả các thủ tục giấy phép đã được thành phố Oakland và các sở ban ngành phê duyệt. Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm. 

Với điều kiện bình thường, nhà máy này sẽ xây dựng trong khoảng 1 năm. Nhưng hiện nay do tình hình dịch bệnh, các nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm, đội ngũ nhà thầu thi công cũng đang thiếu hụt nên thời gian xây dựng dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi. 

Với lợi thế về vị trí ngay cầu cảng thành phố Oakland, các sản phẩm từ rác sau khi được phân loại sẽ được đóng kiện để vận chuyển đi các nơi rất thuận tiện.


- Tại Hoa Kỳ, trong lúc dịch bệnh Covid-19 này, người lao động được chăm lo như thế nào thưa ông?

Người lao động luôn được trang bị những công cụ cần thiết để phòng ngừa bệnh dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng như khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, bao tay, dung dịch khử khuẩn.

Những ai có biểu hiện như sốt, ho, khó thở liền được đưa đi kiểm tra, nếu phát hiện dương tính với những biểu hiện nặng sẽ được đưa vào bệnh viện. Những trường hợp nhẹ sẽ cách ly tại nhà 14 ngày. Sau đó kiểm tra lại, nếu bình thường họ sẽ trở lại làm việc.

Trong thời gian đầu dịch bệnh, người lao động có tâm lý lo lắng nên nghỉ việc nhiều dẫn đến thiếu hụt lao động. Tuy nhiên thời gian về sau, những người bị nhiễm, sau khi khỏi bệnh đã trở lại làm việc sau 14 ngày cách ly. Điều đó đã giúp cho những người lao động khác tự tin hơn khi trở lại công ty làm việc.

Công ty California Waste Solutions có trụ sở tại Hoa Kỳ

- Còn tại Việt Nam, công tác chăm lo cho người lao động được thực hiện như thế nào thưa ông?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Công ty VWS cũng đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.

“3 tại chỗ” nghĩa là công ty đảm bảo khu sản xuất phải tách riêng biệt với khu ở, sinh hoạt; đảm bảo đủ điều kiện về ăn, ở, vệ sinh môi trường, phân khu riêng biệt giữa nam và nữ; đảm bảo phòng cháy, chữa cháy; có hệ thống camera giám sát khu vực công nhân ở 24/24… 

Đồng thời, VWS cũng phối hợp với ngành y tế thực hiện test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR. Tất cả công nhân đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” phải âm tính với SARS-CoV-2. Sau đó, hàng tuần các đơn vị y tế xét nghiệm cho toàn bộ công ty.

Bên cạnh đó, ngoài việc nhận lương hàng tháng, VWS còn hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ ngày cho những công nhân thực hiện “3 tại chỗ”, để giúp họ yên tâm công tác, vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh. Hiện tại tất cả cán bộ công nhân viên của công ty đều an toàn, khỏe mạnh.

Đội ngũ công nhân viên xử lý rác cũng thuộc vào nhóm tuyến đầu nên cũng được thành phố ưu tiên trong tiêm vaccine. Hiện tất cả công nhân viên đã được tiêm 1 mũi vaccine.

- Trong thời kỳ dịch bệnh, việc xử lý rác ở Hoa Kỳ và Việt Nam có gì khác hơn so với trước đây không thưa ông?

Tôi thấy có sự khác nhau, ở Hoa Kỳ vào thời điểm dịch bệnh chúng tôi tiếp nhận và xử lý lượng rác thải nhiều hơn ngày thường. Tuy nhiên ở Việt Nam tình hình diễn ra ngược lại, hiện chúng tôi tiếp nhận lượng rác thải ít hơn lúc bình thường 2.000 tấn/ngày.

- Việc giảm 2.000 tấn rác/ngày có ảnh hưởng gì đến hoạt động của công ty không thưa ông?

Mặc dù hiện nay số lượng rác bị giảm 2.000 tấn/ngày (trung bình mỗi ngày VWS tiếp nhận khoảng 6.000 tấn), công việc sẽ ít hơn nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên đội ngũ công nhân viên đang làm việc. Bởi vì trong thời kỳ bệnh mà họ vẫn chấp nhận rời xa gia đình để gắn bó với công ty, với thành phố để xử lý rác. Đây là điều chúng tôi rất cảm kích.

Một ảnh hưởng khác từ việc rác bị giảm 2.000 tấn là công suất xử lý của các nhà máy bị giảm theo. Việc này gây ra sự lãng phí về công suất do nhà máy được đầu tư để làm việc với công suất lớn.

Công nhân VWS đang làm việc tại Khu Liên Hợp Xử Lý Chất Thải Đa Phước

- Hiện ông đang sống và làm việc tại Hoa Kỳ, ông có nhận định như thế nào về sự quan tâm của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam tình hình dịch bệnh Covid-19?

Tôi thấy Hoa Kỳ hiện đang rất quan tâm về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam. Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến những công ty của Hoa Kỳ có trụ sở hoặc những công ty đang di dời qua từ các nước khác và những công ty có dự định phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiện có khoảng 100.000 công dân Hoa Kỳ và một lượng lớn người có thẻ xanh Hoa Kỳ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Đây cũng là những đối tượng được Hoa Kỳ rất quan tâm. Trong tuần trước không quân Hoa Kỳ đã hoàn tất hợp đồng để viện trợ cho Việt Nam, 77 tủ đông âm sâu bảo quản vaccine Covid-19. Đây cũng là hành động thể hiện sự quan tâm của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam.

Việc này không chỉ giúp Việt Nam tăng cường khả năng phân phối vaccine có yêu cầu bảo quản đặc biệt, mà còn thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc hợp tác với các đối tác trên toàn cầu nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe cộng đồng do đại dịch.

- Với những kiến thức, kinh nghiệm khi được sống và làm việc tại một quốc gia có nền y tế hàng đầu thế giới đã góp phần giúp ông có cái nhìn rõ hơn về vấn nạn toàn cầu đang gặp phải, ông có thể chia sẻ những dự định sắp tới để góp phần hỗ trợ quê hương vượt qua dịch bệnh?

Trong những tháng qua tôi đã tìm nhiều cách để đưa vaccine về Việt Nam nhưng không được. Nhìn xa hơn, tôi nghĩ dịch bệnh còn có thể kéo dài. Do đó, nếu chúng ta chủ động sản xuất được vaccine sẽ là một lợi thế lớn trong việc tạo được miễn dịch trong cộng đồng. Với những biến thể virus mới liên tục xuất hiện, thì vaccine cũng phải liên tục được nâng cấp. Ở Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu về vaccine cho rằng, về lâu dài vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 có thể sẽ được tiêm chủng hàng năm giống như phòng ngừa dịch cúm.

Từ nhận định trên tôi đã tìm được nhà cung cấp vaccine tại Hoa Kỳ, nhà cung cấp này đã đồng ý chuyển giao công nghệ về Việt Nam sản xuất. Việc tiếp theo là tìm nhà sản xuất trong nước đã có dây chuyền công nghệ sản xuất vaccine tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19. 

Khi nhà sản xuất chuyển giao công nghệ, cũng đồng nghĩa với việc họ có trách nhiệm nghiên cứu thường xuyên để cung cấp công thức ngăn ngừa những chủng virus mới cho đơn vị nhận công nghệ chuyển giao. Nếu mọi việc được thuận lợi, Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vaccine của Hoa Kỳ được sản xuất ngay tại Việt Nam. 

Một việc khác cấp bách hơn mà tôi cũng đang tiến hành nhanh là việc mua 100 máy trợ thở để đưa về nước tặng. Tôi cũng đang tìm hiểu thêm về máy tạo oxy có thể sử dụng trên xe cấp cứu, hoặc tại gia đình để khi người dân bị khó thở có thể sử dụng tại nhà, những trường hợp nhẹ không cần phải vào bệnh viện. Hiện tôi đang thương lượng mua 1.000 máy để gửi về nước. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ này!

Trong thời gian qua Công ty VWS đã tài trợ nhiều trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 16-07, VWS tặng 3.600 que test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2, xuất xứ Hàn Quốc cho MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp với tổng số tiền 554 triệu đồng.

Công ty VWS cũng đã tài trợ khẩu trang N95, bộ quần áo chống dịch Covid-19 cho một số cơ quan truyền thông tuyến đầu chống dịch. Công ty VWS dự kiến tặng phương tiện vận chuyển cho địa phương, nơi công ty đặt dự án để địa phương có thể chủ động hơn trong việc vận chuyển bệnh nhân Covid-19 nặng đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Tin cùng chuyên mục