Ông David Dương: Kỳ vọng về một Khu công nghệ cao tại Long An

Bàn về định hướng phát triển kinh tế trong tương lai và những đóng góp của Kiều bào đối với quê hương Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ (VABA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Mỹ và Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS).

Thưa ông, được biết CWS vừa được thăng hạng từ 31/100 lên 23/100 công ty thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hàng đầu của Mỹ, ông có thể cho biết những yếu tố nào giúp cho công ty của ông có được thành quả này?

Ông David Dương: Ở hai thành phố Oakland và San Jose có vấn đề về rác cồng kềnh. Đây là những món rác lớn như tủ lạnh, giường, ghế… bị vứt bỏ ở những nơi vắng người, bãi đất trống gây ô nhiễm và mất mỹ quan. Nguyên nhân là do nhiều đơn vị nhận thu gom xử lý loại rác cồng kềnh nhưng khi thu gom rồi họ không xử lý mà đem đi vứt bỏ ở những chỗ khác.

Ông David Dương
Trước thực trạng trên, CWS đưa ra giải pháp nhận thu gom rác cồng kềnh tại nhà dân và thu gom rác vứt bừa bãi, gặp rác ở đâu trên đường thì thu gom ở đó. Giải pháp của chúng tôi đã được thành phố đồng tình và đã triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, hiện tại CWS có 2 hợp đồng ở Oakland và San Jose, mỗi hợp đồng có giá trị trên 1 tỷ đô la. Chúng tôi thường xuyên cải tiến công nghệ xử lý rác, các phương tiện thu gom rác được đầu tư để đảm bảo an toàn, thân thiện môi trường và thẩm mỹ. 

Chúng tôi thường xuyên chia sẻ những giải pháp xử lý rác đến những địa phương đang gặp vấn đề về thu gom, xử lý rác thải. Dự kiến trong năm sau, CWS sẽ mở rộng sang phía Đông của Mỹ. Chính những yếu tố trên đã giúp CWS được thăng hạng từ 31/100 lên 23/100 công ty thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hàng đầu của Mỹ. Chúng tôi hướng đến mục tiêu sẽ đưa CWS đạt thứ hạng 8 trong bảng xếp hạng 2.000 công ty xử lý rác tại Mỹ.

Phối cảnh 3D - Khu Công nghệ Môi Trường Xanh Long An
Dự kiến CWS sẽ thuê nhóm chuyên gia môi trường đi đánh giá và có 3 ngân hàng lớn sẽ tài trợ cho CWS thu mua lại các công ty vừa và nhỏ hoặc kêu gọi các công ty vừa và nhỏ sáp nhập với CWS, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc công ty được thăng hạng.

Nói về việc đầu tư và cải tiến công nghệ, được biết Công ty CWS chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý chất thải tái chế tân tiến (Modern Recycling Facility) tại thành phố Oakland, California, ông có thể cho biết rõ hơn về nhà máy này?

Hiện tại 2 nhà máy xử lý rác của chúng tôi đang nằm trong khu dân cư có diện tích khoảng 6,9ha, vì vậy công ty sẽ di dời sang nơi mới. 2 nhà máy cũ sẽ được xây dựng thành khu dân cư.

Phối cảnh 3D cầu dẫn vào Khu Công nghiệp Môi Trường Xanh Long An
CWS đã mua lại mảnh đất có diện tích 5,7ha, ngay cầu cảng Oakland. Dự kiến cuối năm sẽ động thổ xây dựng. Nhà máy sẽ mất khoảng 2 năm để hoàn thiện. Tổng chi phí khoảng 128 triệu USD để xây dựng nhà máy lọc lựa rác, phế liệu tái chế, robot, nam châm phân loại, hồng ngoại tuyến… Trong đó có nhiều công đoạn sẽ được tự động hóa. 

Dự kiến nguồn điện có được từ tái chế rác có thể tự cung cấp được 60% năng lượng cần thiết cho nhà máy. Công suất nhà máy mới ở cầu cảng có thể đạt được 2.500 tấn/ngày. Tỉ lệ rác thải không thể tái chế được buộc phải chôn lấp chiếm khoảng 20%-25%.

Về nguồn vốn đầu tư, CWS bỏ ra tầm 30%, còn 70% còn lại là ngân hàng cho vay với lãi suất 1%/năm. Mỹ rất xem trọng vấn đề về môi trường nên các dự án về môi trường sẽ được ưu tiên, tiểu bang hỗ trợ khoảng 8% và bảo lãnh để công ty có thể được vay với lãi suất thấp.

Qua nhiều lần đấu thầu tại Mỹ, ông có nhìn nhận gì về việc đấu thầu của họ?

Mỹ rất quan tâm đến vấn đề môi trường nên họ có nhiều sự hỗ trợ cho doanh nghiệp thắng thầu như cho vay lãi suất thấp, có những khoản họ cho không. Họ rất xem trọng chất lượng, nếu như trong các nhà thầu có nhà thầu bỏ giá thấp nhiều hơn so với các nhà thầu khác thì nhà thầu đó sẽ bị loại. Bởi vì họ có những tiêu chí, công cụ để đo lường được chất lượng của nhà thầu.

Mới đây ông có cuộc gặp gỡ với bà Maggie Hasan, Thượng nghị sĩ bang New Hampshire, ông Tim Scott, Thượng nghị sĩ Bang South Carolina, ông có thể chia sẻ mục đích của cuộc gặp gỡ này?

Do sắp đến có cuộc bầu cử nên họ muốn nhờ sự ủng hộ của cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ. Tuy nhiên, thông qua những cuộc gặp gỡ này tôi cũng muốn biết những suy nghĩ của họ về người Việt. Qua đó, tôi có thể giúp họ hiểu nhiều hơn về con người Việt Nam và đất nước hình chữ S. Tôi luôn mong muốn giúp cộng đồng người Việt có tiếng nói và được xem trọng hơn nữa ở đất Mỹ. 

Qua những cuộc gặp như vậy, ông nhận thấy các doanh nghiệp Mỹ họ mong muốn gì về việc đầu tư ở các nước khác?

Những năm gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn rút khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng họ lại chưa biết phải dời đi đâu. Việt Nam có rất nhiều Khu công nghệ cao nhưng lại không có Khu công nghệ cao nào đạt chuẩn như mong muốn của họ. Khi đến nước khác đầu tư, các chuyên gia thường đưa theo cả gia đình. Do vậy nơi họ đến làm việc phải có đầy đủ các tiện ích như trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…

Được biết ông đã và đang kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư thông qua dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh ở Long An, vậy dự án này có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để các chuyên gia nước ngoài có thể an tâm khi đến làm việc lâu dài tại Việt Nam?

Năm 2012 Chính phủ Việt Nam, TPHCM và tỉnh Long An đã chấp thuận cho chúng tôi thành lập Công ty Cổ phần Xử lý Chất thải Việt Nam - Long An (VWS-LA) và đã giao đất 1.760 hecta đất tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để Công ty VWS-LA đầu tư dự án khoảng 800 triệu USD. 

Dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh có các công nghệ phù hợp nhất để xử lý rác thải, sản xuất ra các sản phẩm có lợi từ rác, tổng quy mô xử lý ước tính khoảng 30.000 tấn/ngày. Đây là dự án mà chúng tôi đã ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm với ước nguyện sẽ là cầu nối cho Việt kiều cùng tham gia mua cổ phần đầu tư vào một dự án tầm vóc quốc tế góp phần phát triển khoa học công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam đối với Việt kiều. 

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn xây dựng nơi đây thành Khu công nghệ cao tại Long An.  Để các chuyên gia nước ngoài khi đến đây làm việc sẽ được thụ hưởng những tiện ích theo nhu cầu của họ. Qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam.

Nghe ông chia sẻ, tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi, rất mong dự án này sớm được thực hiện. Nhân dịp Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có thể cho biết ấn tượng của mình về Báo chí tại Mỹ?

Qua nhiều năm sinh sống và làm việc tại Mỹ tôi nhận thấy, số lượng người gốc châu Á làm việc tại các tòa soạn báo còn rất ít nên việc tìm hiểu về đời sống và những cố gắng vươn lên của người nhập cư như chúng tôi còn rất hạn chế. Tuy nhiên nếu chúng tôi có một chút vấn đề nào đó thì có thể sẽ bị lên báo ngay. Do vậy chúng tôi sống và làm việc cẩn trọng để không ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Trong tương lai, tôi cũng mong muốn các tòa soạn báo ở nước sở tại sẽ quan tâm nhiều hơn đến những cộng đồng thiểu số. Để khi những việc làm của họ có ý nghĩa và được tuyên dương sẽ là một động lực khích lệ để họ xem nơi này cũng giống như quê nhà.

Còn báo chí trong nước đối với những doanh nghiệp nước ngoài thì như thế nào thưa ông?

Ở Mỹ ngày nào tôi cũng đọc báo chí chính thống trong nước để liên tục cập nhật thông tin về quê hương. Nhiều bài báo hay, thông tin bổ ích giúp chúng tôi có những định hướng mới cho việc đầu tư phát triển ở quê nhà. 

Bên cạnh đó còn có một số báo lá cải đưa tin không đúng, làm ảnh hưởng rất nhiều về hình ảnh đất nước trong mắt Việt kiều, làm băn khoăn khi muốn về đầu tư về quê hương. Tuy nhiên nhìn chung, thông qua báo chí trong nước chúng tôi có dịp được nhìn thấy quê hương mình ngày càng phát triển tốt lên từng ngày. 

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin chúc cho quý Báo ngày càng phát triển về nội dung và hình thức, luôn là nơi cung cấp thông tin chuẩn mực cho độc giả trong và ngoài nước. Xin kính chúc đội ngũ Ban Biên tập, phóng viên Báo SGGP luôn mạnh khỏe, bình an!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Tin cùng chuyên mục