Ô nhiễm không khí, đã đến lúc không thể coi thường

Ngày 28-12-2018 vừa qua, người dân TPHCM thấy không khí “mù mịt” suốt cả ngày, thậm chí cả khi nắng lên, “màu” sương khói ấy vẫn không tan. Rất nhanh chóng, hiện tượng này đã được các chuyên gia giải thích là do sương mù “trộn” với các hạt bụi mà mắt thường không nhìn thấy được.

Đây chính là biểu hiện của hiện tượng ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí, theo các chuyên gia, là một trong các nguyên nhân gây bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp, rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, ung thư phổi và làm giảm tuổi thọ. Như vậy, có thể nói, ô nhiễm không khí ở TPHCM đã đến lúc không thể coi thường.

Thế nhưng, làm gì để hạn chế tình trạng này? Tại các thành phố lớn như TPHCM, tác nhân gây ô nhiễm không khí bậc nhất chính là khí thải của các phương tiện giao thông. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khi nghiên cứu xây dựng quy định về định mức khí thải đối với các phương tiện giao thông cơ giới nói chung và ô tô nói riêng đã lưu ý, không khí tại Hà Nội và TP CM có chỉ số NOx, CO - các hợp chất có trong khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, vốn rất có hại cho sức khỏe con người - đã vượt mức cho phép 1,2 - 1,5 lần. Bộ GTVT cho rằng, việc nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô là cần thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. 

Ở tầm quốc gia là vậy, còn TPHCM phải làm gì? Theo nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, giải pháp căn cơ là đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt đối với các phương tiện sử dụng khí thiên nhiên, thân thiện với môi trường (như khí CNG) và song song đó là hạn chế sử dụng xe cá nhân. Báo cáo của Sở GTVT TPHCM cho thấy, trong năm 2018, lượng phương tiện xe cơ giới ở TPHCM vẫn tăng mạnh với mức tăng 12% đối với ô tô và 6% đối với xe gắn máy so với năm 2017.

Sự gia tăng mạnh mẽ của ô tô không chỉ ảnh hưởng rất tiêu cực đến trật tự an toàn giao thông - dễ gây ùn ứ giao thông trong bối cảnh TPHCM đang quá tải - mà còn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong bối cảnh bị tắc đường. Khách quan, giải pháp trên không dễ thực hiện, nhưng chúng gần như là giải pháp duy nhất để hạn chế khí thải của các phương tiện xe cơ giới.

Việc nữa cần làm ngay là phát triển mảng xanh. Trong bối cảnh “đất chật, người đông”, khó tìm được đất để làm công viên thì TPHCM nên vận động người dân trồng cây tại nhà. Ở những tuyến phố, ở những khu vực dân cư không có đất nhiều để trồng cây lớn thì nên trồng các loại dây leo. Kinh nghiệm phát triển mảng xanh ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, tận dụng từng khoảnh đất nhỏ, phủ kín mái nhà bằng các loại dây leo hoặc “làm vườn” trên nóc nhà… đều có tác động tốt đến việc giữ cho không khí trong lành, mát mẻ.

TPHCM nên học hỏi kinh nghiệm này. Vận động người dân cùng tham gia giữ gìn môi trường sống của thành phố là cách làm hiệu quả mà tốn ít chi phí nhất, nhiều chuyên gia về quản lý đô thị đã nói như vậy.

Tin cùng chuyên mục