Ô nhiễm bủa vây trường học tại Quảng Nam

Nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn bởi các điểm kinh doanh sát các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, sức khoẻ và sinh hoạt của các em học sinh đang học tập tại đây.
Bãi tập kết cát trái phép có chung vách với Trường Tiểu học Phan Bôi (cơ sở 2)
Ngay sau lưng Trường Tiểu học Phan Bôi (cơ sở 2), khối phố Ngọc Tam, phường Điện An, thị xã Điện bàn, bãi tập kết cát trái phép của ông Lê Văn H (Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam) tồn tại từ nhiều năm nay.

Mỗi ngày, hàng ngàn mét khối cát được đưa về tập kết ngay sát chân tường của trường học này gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, tiếng ồn của các loại phương tiện: máy xúc, xe tải các loại ra vào thường xuyên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tình hình học tập của 4 lớp học tại cơ sở này. Vấn đề này kéo dài nhiều năm khiến phụ huynh cũng như người dân rất bức xúc.

Ô nhiễm bủa vây trường học tại Quảng Nam ảnh 2 Hàng chục chiếc xe chở cát lớn nhỏ chạy ngang qua cổng trường mỗi ngày
Điều đáng nói, hàng chục lượt xe tải lớn nhỏ ra vào mỗi ngày trên con đường nhỏ xuống cấp khiến đoạn đường luôn trong tình trạng bụi trắng xóa và mất an toàn giao thông. Đặc biệt, nguy hiểm cho các em học sinh mỗi khi đến lớp cũng như những lúc tan trường, bởi đa số học sinh đều tự đi học, không có phụ huynh đưa đón. 
Ô nhiễm bủa vây trường học tại Quảng Nam ảnh 3 Khuôn viên của trường không rộng nên các em học sinh thường tập trung ra phía sau chơi 
Ô nhiễm bủa vây trường học tại Quảng Nam ảnh 4 Người dân thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam không ngừng bức xúc và liên tục phản ánh về hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại xưởng mộc cùng chung vách với trường mầm non
Tại thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Trường mầm non Điện Phương cũng sát vách với xưởng mộc của Công ty TNHH Hường Anh. Mặc dù giáo viên nhà trường, phụ huynh học sinh và người dân địa phương đã nhiều lần phản ảnh về ô nhiễm môi trường bởi hoạt động sản xuất của công ty này gây ra nhưng xưởng mộc vẫn tồn tại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, xưởng mộc rộng hàng trăm mét vuông này nằm ngay giữa khu dân cư, đặc biệt sát vách Trường mầm non Điện Phương. Cơ sở này bắt đầu hoạt động chế biến gỗ vào năm 2013 đến nay.

“Tiếng máy xẻ gỗ kêu chát chúa, bột mùn cưa bay mịt mù, cùng với đó là xe tải trọng lớn nổ máy inh ỏi ra vào xưởng cả ngày lẫn đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của hàng trăm trẻ tại trường này. Ngoài ra, mỗi khi có tiếng máy nổ lớn không chỉ khiến các bé giật mình mà việc giảng dạy của chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”, một cô giáo (giấu tên) đang công tác tại Trường mẫu giáo Điện Phương cho biết.
Ô nhiễm bủa vây trường học tại Quảng Nam ảnh 5 Tiếng ồn bên xưởng mộc dội qua hàng ngày khiến các cô giáo không thể dạy cho các bé
Ông Lê Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Điện Phương khẳng định chính quyền xã bắt buộc phía doanh nghiệp phải bảo đảm vệ sinh môi trường thì mới được hoạt động. “Về lâu về dài, xưởng mộc phải di dời đến khu vực khác tránh xa trường mẫu giáo. Cái khó là doanh nghiệp chưa tìm được địa điểm di dời. Xã sẽ báo cáo huyện để giải quyết”, ông Thu nói.

Liên quan đến bãi tập kết cát trái phép của ông Lê Văn H, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch phường Điện An cho biết, ngày 25-3, phường đã lập biên bản đình chỉ việc đổ cát và yêu cầu di dời đi nơi khác, hoàn trả hiện trạng ban đầu. “Nếu chủ hộ cố tình không chấp hành thì UBND phường Điện An sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật”, ông Phước khẳng định.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin, đối với bãi cát khối Ngọc Tam, UBND phường Điện An đã lập biên bản yêu cầu đơn vị khắc phục để hoàn trả mắt bằng. Dự kiến 15 ngày tới sẽ vận chuyển xong khối lượng cát và hoàn trả mặt bằng.  

Ô nhiễm bủa vây trường học tại Quảng Nam ảnh 6 Trường mần non nằm sát xưởng mộc
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Phòng Giáo dục thị xã Điện Bàn cho biết đơn vị cũng đã kiến nghị xã Điện Phương cần giải phóng mặt bằng trả lại sân chơi cho trẻ, đảm bảo an toàn sạch đẹp phù hợp với trường mầm non. Tuy nhiên, đề nghị này 3 năm qua vẫn không được giải quyết.   

Tin cùng chuyên mục