Nuôi tôm công nghệ cao

Bán đảo Cà Mau được xem là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của Việt Nam. Trong đó, Bạc Liêu được ví von như “thủ phủ” của ngành tôm khi nằm tiếp giáp biển với 3 cửa biển lớn gồm Gành Hào, Cái Cùng và Nhà Mát, tạo nên thế đắc địa trong nuôi trồng, khai thác thủy sản. Đáng chú ý, hiện Bạc Liêu có trên 130.000ha nuôi thủy sản với khoảng 55.000 nông hộ. 

Với 336 trang trại thủy sản (doanh thu bình quân 1,33 tỷ đồng/năm/trang trại), 25 HTX thủy sản, 204 tổ hợp tác nuôi tôm. Đây được xem là lực lượng “hùng hậu” để Bạc Liêu  nhân rộng việc ứng dụng công nghệ cao vào vùng nuôi tôm.

Nổi lên là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Công ty cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu (tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình). Ngoài ra, Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh thành công với mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh 2 giai đoạn (áp dụng công nghệ Biofloc điều chỉnh cân bằng tỷ lệ carbon và nitơ) tại xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu. “Mô hình này một năm có thể nuôi đến 5 - 6 vụ tôm, sản lượng lên đến 150 tấn/ha/năm”, kỹ sư Lê Anh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Trúc Anh, cho biết.

Hiện nay Bạc Liêu có 3 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 5 doanh nghiệp đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 500ha. Từ năm 2016, Bạc Liêu đã áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm trên diện tích hơn 17ha, năng suất bình quân trên 100 tấn/ha/năm.

Hiện nay Bạc Liêu đang triển khai cho 132 hộ dân nuôi tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao trên diện tích hơn 400 ha. Từ thực tiễn việc áp dụng công nghệ cao vào nuôi tôm trên địa bàn đã đem lại hiệu quả lớn, tăng thu nhập cao cho nông dân. Thủ tướng đã đồng ý cho tỉnh thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và định hướng “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”.

Ngành tôm hiện chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hiện mặt hàng tôm chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu ngành thủy sản. Diện tích nuôi tôm tăng ấn tượng, từ gần 640.000ha năm 2010 đã tăng lên 720.000ha năm 2017, kéo theo sản lượng tôm từ 470.000 tấn tăng lên 657.000 tấn. Trong đó, ĐBSCL là khu vực nuôi tôm lớn nhất cả nước với 94,3% nuôi tôm sú và 75,8% nuôi tôm chân trắng.

Năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu đã nhận định: “Bạc Liêu bước đầu đã tạo được liên kết khá rõ nét 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Cộng với vị trí nằm ở trung tâm vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ và là địa phương duy nhất có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về tôm. Nếu phát huy tốt, trong tương lai không xa Bạc Liêu sẽ sớm trở thành thủ phủ ngành tôm Việt Nam và sẽ có đóng góp quan trọng cho mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam lên 10 tỷ USD trước năm 2025”.

Mới đây, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức công bố cơ sở sản xuất tôm giống đạt chuẩn an toàn dịch bệnh đầu tiên tại Việt Nam theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho Tập đoàn Việt Úc - Bạc Liêu. Đây là điểm nhấn quan trọng để tỉnh phát triển ngành tôm.

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu đang khẩn trương khảo sát địa điểm xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), quy mô dự kiến 200ha. Đây là những tiền đề quan trọng để Bạc Liêu sớm khẳng định vị thế “thủ phủ ngành tôm”.

Tin cùng chuyên mục