Nuôi giấc mơ trên đỉnh núi

Những đứa trẻ nghèo con em đồng bào dân tộc thiểu số Cadong (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đã vượt qua gia cảnh, nỗ lực vượt núi đến trường. Con đường tìm con chữ ấy rất đỗi cam go, khó nhọc. Những người thầy, người cô nơi miền sơn cước từng ngày vẫn âm thầm nuôi giấc mơ đến trường cho những đứa trẻ Cadong... 
Ở với thầy cô
Trưa một ngày cuối tuần của tháng 4, chúng tôi đặt chân đến huyện miền núi Sơn Tây. Mùa này nắng Sơn Tây như thiêu, như đốt. Trên những con đường nhỏ xuyên qua những vách núi, “lú nhú” những học trò con em đồng bào dân tộc Cadong đang vượt núi về trường chuẩn bị cho tuần học mới. Chúng tôi bắt gặp bóng dáng của 2 chị em gái tay mang cặp sách và khệ nệ một vài thứ được bố mẹ gói ghém mang theo.
“Cháu mang rau rừng, bắp, mè đến trường cùng ăn với thầy cô. Chị em cháu ăn học ở trường luôn, cuối tuần mới về nhà một lần. Ở đó được thầy cô lo cho ăn ở như cha mẹ cháu ở nhà vậy, nên có gì là cháu thường mang lên trường để mời thầy cô cùng ăn”, Đinh Thị Bé, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua, nói với nụ cười tươi.
Chị em Bé là con gia đình nghèo. Để đến được trường, Bé phải lội bộ vài giờ đồng hồ đường rừng, đi qua nhiều quả đồi. Được thầy cô giáo động viên, gia đình đã đồng ý cho Bé vào ở trong khu nội trú.
Nuôi giấc mơ trên đỉnh núi ảnh 1 Bữa cơm trưa của những học sinh người dân tộc thiểu số Cadong
Từ ngày vào trường ở nội trú, Đinh Thị Bé không còn bị trễ học, hoặc học kiểu bữa có bữa không như trước. Thế rồi, em ruột của Bé đang học lớp 2 cũng được bố mẹ “gửi” lại trường cho thầy cô chăm lo.
Ngay trưa thứ hai đầu tuần, chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua. Thầy Nguyễn Thanh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu bán trú, nơi có trên 150 học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số Cadong đang “cư ngụ” để bám trường, bám lớp. Khu bán trú được chia làm 3 phòng lớn nhưng vẫn còn thiếu giường nằm cho các em, nên có khoảng hơn 20 học sinh phải dùng chiếu trải trên nền gạch, ngồi bệt dưới nền để học bài. 
Thầy Hùng bảo: “Trường chưa có đủ kinh phí để mua thêm giường cho các em nên tạm thời còn một phòng nội trú này chưa có đủ giường. Nhu cầu bán trú của học sinh đông lắm nhưng trước mắt trường chỉ ưu tiên cho những trường hợp thật sự khó khăn, nhà ở xa và có nguy cơ bỏ học. Nơi đây vẫn còn nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình nên thầy cô phải theo sát chuyện học của các em, chứ lơi lỏng là các em nghỉ học ngay. Từ hôm trường được chuyển sang mô hình trường bán trú thì chúng tôi tìm cách đưa anh chị em ruột của học sinh vào ở luôn tại trường, sắp xếp cho các em ở chung với nhau để có điều kiện học tập tốt hơn. Ở đây, mỗi thầy cô đều tự coi bản thân là cha, là mẹ của học trò”. 
Chăm từng miếng ăn, giấc ngủ
Đúng 11 giờ, tiếng loa phát ra từ hướng khu nhà ăn: “Tất cả các em khối tiểu học rửa tay chân khẩn trương về phòng ăn để ăn trưa. Sau khi các em khối tiểu học ăn xong thì đến các em khối THCS”.
Sau thông báo, vài phút sau, những em học sinh tiểu học đã có mặt đông đủ ở nhà ăn.
Bữa cơm hôm nay có đủ món rau, canh, cá, thịt. Tất cả bữa cơm cho học trò đều cậy nhờ một tay các thầy, các cô nấu nướng. Cô giáo Châu Thị Hiệp cùng với những đồng nghiệp của mình chăm chút từng miếng ăn cho học trò.
“Hàng ngày, thầy cô thay phiên nhau xuống bếp nấu bữa cơm cho các em. Mình dạy học, nhưng không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em cách sống. Em nào còn nhỏ quá chưa biết ăn thì mình phải đút cho ăn, hướng dẫn các em cách ăn. Ngày 3 bữa ăn mình phải lo tươm tất để các em no bụng. Đêm xuống thì cũng phân công nhau dạy phụ đạo miễn phí cho các em. Đến tối lúc đi ngủ cũng phải lo chiếu, chăn, mền cho các em nữa. Cực, nhưng mà mình không làm thì các em bỏ học hết”, cô Hiệp tâm sự.
“Em học lớp 7, em của em học lớp 2, hai chị em ăn cơm ở bán trú rất là ngon, tự tay thầy cô nấu cho em ăn. Em thương thầy cô lắm”, em Đinh Thị Trâm bày tỏ. Còn Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Hùng vui mừng cho biết: “Trước đây, tỷ lệ học sinh ra lớp mỗi ngày chỉ đạt khoảng 80% - 85%, từ năm học 2017-2018 đến nay - khi trường áp dụng mô hình bán trú, tỷ lệ này đạt trên 95%. Tất cả cũng nhờ sự nhiệt tâm, nhiệt lòng của các thầy, các cô”. 
Vậy nhưng, nỗi lo thì vẫn luôn đeo bám các thầy, các cô ở ngôi trường này. Theo thầy Hùng, với mức kinh phí Nhà nước hỗ trợ khoảng 520.000 đồng/em/tháng, nhà trường phải tiết kiệm các khoản chi tiêu để có thể đủ lo việc ăn ở cho học sinh. Thế nhưng, sẽ rất khó để duy trì bữa cơm tươm tất cho các em.
“Trường phải huy động thêm sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Khó khăn lắm nhưng vẫn phải cố tìm cách duy trì để các em không phải bỏ học giữa chừng”, thầy Hùng tâm sự.

Tin cùng chuyên mục