Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20

Hội thi “Văn hay chữ tốt” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hàng năm nhằm tạo ra môi trường học tập, giao lưu cho học sinh bậc THCS, qua đó giúp các em phát huy khả năng sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ.

Sáng 10-1, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã diễn ra vòng chung kết cấp thành phố Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 năm học 2019-2020.

Hội thi do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hàng năm nhằm tạo ra môi trường học tập, giao lưu cho học sinh bậc THCS, qua đó giúp các em phát huy khả năng sáng tạo văn chương và yêu thích nghệ thuật viết chữ.

Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP, thông qua quá trình viết văn hay và rèn chữ đẹp, học sinh sẽ được hình thành năng lực văn chương (gồm năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ, năng lực tư duy) và những phẩm chất tốt đẹp như biết trân trọng cái đẹp, có đời sống tinh thần phong phú, có tâm hồn và lối sống nhân ái, vị tha, có tính kiên trì, nhẫn nại.

Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 ảnh 1 Ông Lê Duy Tân (đầu tiên, hàng dưới, bên trái) , Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) và bà Lê Thị Hồng Nhung (thứ hai từ phải qua), Phó trưởng Ban Chương trình xã hội, Báo SGGP trao quà kỷ niệm cho các thí sinh trước giờ thi

Bước qua tuổi thứ 20, hội thi đã chứng tỏ được bề dày đóng góp trong việc nuôi dưỡng tâm hồn và say mê sáng tác của các ngòi bút trẻ. Đại diện Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP) cho biết, để viết một bài văn, các em phải kết hợp nghiên cứu sách, ghi nhớ những kiến thức thầy, cô truyền đạt trên lớp với những trải nghiệm thực tế của bản thân. Tuy nhiên, để viết một bài văn hay, các em phải học cách nuôi dưỡng cảm xúc, bồi đắp lòng yêu thương, biết chia sẻ trong cuộc sống và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Năm nay, hội thi ghi nhận sự tham gia của 150 học sinh gồm 75 học sinh khối 6, 7 và 75 học sinh khối 8, 9 đến từ các trường THCS trên địa bàn 24 quận, huyện. Các thí sinh sẽ lần lượt trải qua 4 hoạt động trải nghiệm gồm “Lắng nghe lời mời gọi của sách”, “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”, “Lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên” và “Vẽ tranh cổ động”.

Ở hoạt động “Lắng nghe lời mời gọi của sách”, học sinh được tham quan mô hình thư viện thông minh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, sau đó nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của sách, ý nghĩa của Ngày sách thế giới (23-4) và Ngày sách Việt Nam (21-4).

Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 ảnh 2 Nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển sách tại thư viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa

Sau đó, các em được tham gia vào "bữa tiệc" sách với thực đơn gồm nhiều món đa dạng như sách thường thức đời sống, sách khoa học, sách lịch sử, sách văn học… Hoạt động nhằm khơi lên tình yêu sách, biết quý trọng tri thức của học sinh.

Với hoạt động “Lắng nghe lời thì thầm của trái tim”, các thí sinh được đóng vai một học sinh khiếm thị, đeo băng bịt mắt để tìm đường đi trong bóng tối, sau đó ngồi vào bàn ăn và dùng bữa ăn sáng như một người khiếm thị. Mục đích của trải nghiệm nhằm giúp học sinh hình dung, cảm nhận những khó khăn, thiệt thòi của các bạn học sinh khiếm thị. Từ đó, giúp các em biết thấu hiểu, cảm thông và yêu thương hơn những mảnh đời bất hạnh.

Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 ảnh 3 Học sinh trải nghiệm hoạt động đóng vai người khiếm thị
Lê Ngọc Phương Trinh, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 7) bày tỏ, đây là lần đầu tiên em trải nghiệm cảm giác bước đi mà không sử dụng mắt, chỉ vận dụng tối đa các giác quan khác như xúc giác, thính giác. Dù đã được biết trước đoạn đường cần di chuyển là đường thẳng, không có chướng ngại vật nhưng em vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định phương hướng. Qua đó, em thấy rất cảm phục ý chí vượt khó của các bạn học sinh khiếm thị.
Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 ảnh 4 Dò dẫm đường đi và tìm bàn ngồi ăn sáng bằng xúc giác và thính giác
Hoạt động thứ 3 là “Lắng nghe lời tâm sự của thiên nhiên”, học sinh vào vai một đàn linh dương mãi vui chơi nên bị lạc vào một vùng đất ô nhiễm, tăm tối, ngập rác thải nhựa. Các em phải tìm cách thoát ra được vùng đất đó để hiểu hơn về các tác hại của ô nhiễm môi trường, từ đó biết trân trọng, yêu thương và gìn giữ môi trường tự nhiên.

Sau cùng là hoạt động vẽ tranh cổ động. Học sinh được chia thành từng nhóm, lựa chọn một trong ba hoạt động trải nghiệm nói trên để vẽ tranh, thể hiện cảm xúc và gửi gắm thông điệp đến mọi người. 

Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 ảnh 5 Hào hứng vẽ tranh cổ động sau khi trải qua các hoạt động trải nghiệm
Ở phần thi này, nhóm học sinh đến từ quận 7 đã đưa ra thông điệp “Bạn cô đơn? Đừng lo lắng, mỗi quyển sách đều có thể trở thành bạn”. Với chủ đề khác, nhóm học sinh quận 8 thực hiện tranh vẽ với chủ đề “Không nhìn bằng đôi mắt, chúng ta vẫn có thể nhìn bằng đôi tai và trái tim”.
Nuôi dưỡng tâm hồn qua Hội thi “Văn hay chữ tốt” lần thứ 20 ảnh 6 Tranh vẽ cổ động với nhiều chủ đề và màu sắc của các em
Cuối cùng, bước vào thời gian làm bài chính thức, học sinh khối 6, 7 được yêu cầu viết một bài văn với nhan đề “Tình yêu khơi lên từ những trải nghiệm”. Riêng khối 8, 9 thực hiện bài văn với nhan đề “Tôi trải nghiệm – Tôi trưởng thành”.

Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào ngày 15-1.

Tin cùng chuyên mục