Nuôi dưỡng những cây viết thiếu nhi

Nếu không phải là thần đồng thì những em nhỏ đang mang trong mình giấc mơ văn chương rất cần được bồi dưỡng và rèn giũa từ những người đi trước. Sau này, không phải em nào cũng theo đuổi đến cùng giấc mơ ấy, nhưng tìm ra những em nhỏ có tố chất để bồi dưỡng, hướng dẫn là một việc làm cần thiết. 
Tìm ra tố chất và hướng dẫn các em là việc làm cần thiết. Ảnh: R.T.R
Tìm ra tố chất và hướng dẫn các em là việc làm cần thiết. Ảnh: R.T.R

Ươm mầm những giấc mơ

Hơn 20 năm qua, nhà văn Nguyễn Thái Hải tận tụy với công việc bồi dưỡng những cây viết tuổi học trò của tỉnh Đồng Nai. Sau thời gian 10 năm (1998-2008) thực hiện tập san Dưới mái trường, từ năm 2010 đến nay, ông phụ trách trại sáng tác thơ văn tuổi học trò do Tỉnh Đoàn, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, Nhà thiếu nhi tỉnh và Sở GD-ĐT phối hợp thực hiện.

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thái Hải, mỗi năm ban tổ chức sẽ lựa chọn 40 em tham gia trại, cùng đi thực tế sáng tác trong 3 hoặc 4 ngày (tùy nơi). Trong những ngày tham gia trại, các nhà văn - nhà thơ sẽ phân công đọc và góp ý cho các em. Người được phân công đọc sản phẩm của em nào sẽ góp ý trực tiếp cho em đó. Khi góp ý, tất cả cùng ngồi lại với nhau để nghe và rút kinh nghiệm. 

Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết: “Vì quy định lứa tuổi tham gia là dưới 18 tuổi nên có nhiều em được đi trại sáng tác 2, 3 lần nếu bài vở đạt yêu cầu và được chọn. Các em đi lần sau bài vở khá hơn lần trước”. Chính từ cái nôi của tập san Dưới mái trường và sau này là trại sáng tác, nhiều cây bút nhí ở Đồng Nai đã trưởng thành, cùng tham gia vào đội ngũ sáng tác của cả nước. 

Có thâm niên lâu năm trong việc phát hiện và bồi dưỡng những cây viết nhí là trại sáng tác văn học, mỹ thuật do Liên hiệp các Hội VH-NT TP Đà Nẵng phối hợp với Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức. Trại sáng tác vào đầu tháng 6 hàng năm và kéo dài khoảng một tháng. Các em tham gia trại có thể tự do lựa chọn đề tài để viết, sau đó ban tổ chức tiến hành xét giải. Các tác phẩm đoạt giải sẽ được đăng trên tạp chí Non Nước số tháng 7; sau đó sẽ được chọn lọc, xuất bản sách.

Sau 22 năm tổ chức, trại sáng tác của Đà Nẵng đã có 3 tập sách được xuất bản: Gặt những vì sao cho mẹ, Tháng mười ba và Chong chóng gió. Đặc biệt, từ sân chơi này, đã phát hiện ra những cây bút tiềm năng cho thành phố như Meggi Phạm, Võ Thanh Nhật Ánh, Hoàng Thảo Nhi… 

Ở phía Bắc có trại sáng tác của Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình dành cho thiếu nhi mới mở được một năm. Tuy nhiên, nhiều năm trước đó, Hội VHNT Hòa Bình và Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức cuộc thi “Cây bút tuổi hồng” thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.

Từ cái nôi này, xuất hiện cây bút trẻ Phạm Thị Thúy Quỳnh, sinh năm 1997, đầy nội lực. Sau giải nhất cuộc thi “Cây bút tuổi hồng”, Thúy Quỳnh ra mắt 2 tập truyện ngắn và gần nhất là truyện dài Trăng trong cõi lọt vào vòng chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6. 

Đãi cát tìm vàng 

Có một khó khăn chung mà hầu hết các hội VHNT đều gặp, đó chính là kinh phí. Vấn đề kinh phí chưa bao giờ là dễ dàng với tất cả các hội VHNT, điều quan trọng là những người quản lý có thực sự mong muốn tạo ra một sân chơi thiết thực và bổ ích cho các em không mà thôi. Bởi nói như nhà văn Nguyễn Thái Hải, dù không hy vọng nhiều ở việc các em sẽ trở thành những nhà văn, nhà thơ sau này nhưng mình cứ làm, được đến đâu hay đến đó, còn hơn là mình không làm gì. 

Theo nhà báo Bùi Việt Phương (Hội VHNT Hòa Bình), việc tổ chức trại sáng tác thực ra không có gì mới, cái khó nhất là tìm được những bạn trẻ có năng khiếu sáng tác và giữ được ngọn lửa đam mê. Trước hết, các bạn ấy sẽ cần có đủ kỹ năng, kiến thức để hòa nhập và hướng nghiệp, bởi “sống rồi hãy viết” luôn là một chân lý.

Ngoài những khó khăn trên, một vấn đề quan trọng không kém hiện nay chính là đang thiếu những nhà văn, nhà thơ thực sự tâm huyết với các em. Đây có thể xem là những “bà đỡ” cho các em trên hành trình theo đuổi giấc mộng văn chương, mà đôi khi giấc mộng ấy có thành hay không, chỉ một mình các em thôi chưa đủ. 

Nhà văn Nguyễn Thái Hải đúc kết: “Sau này các em có đi đến cùng với giấc mơ của mình hay không, ai dám chắc. Đây là công việc đãi cát tìm vàng, nên lấy đó làm niềm vui”.

“Tôi luôn hy vọng trong rất nhiều cây bút trẻ như thế sẽ có những bạn tiếp tục đi theo con đường sáng tạo, dù số lượng rất nhỏ. Điều quan trọng là cách làm này không thể mang tính rập khuôn, theo phong trào, phải lắng nghe thắc mắc và tháo gỡ khó khăn khi cầm bút của người trẻ. Mong rằng trong tương lai không xa, sẽ có những cây bút thực sự chất lượng trưởng thành từ trại sáng tác như thế”, nhà báo Bùi Việt Phương (Hội VHNT Hòa Bình) bày tỏ. 

Tin cùng chuyên mục