Nuôi dưỡng nhiệt huyết khởi nghiệp

Hơn 20 năm sau khi Luật Doanh nghiệp (2000) có hiệu lực, việc tiếp tục duy trì những thành quả của đạo luật này, nuôi dưỡng nhiệt huyết, niềm tin và khát vọng kinh doanh đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, bên cạnh những doanh nhân lần đầu khởi nghiệp, đang có số lượng lớn doanh nghiệp mong muốn đứng dậy từ những thiệt hại mất mát vì đại dịch Covid-19, gây dựng lại sự nghiệp.
Hãy nuôi dưỡng và tạo nhiệt huyết cho các bạn trẻ khởi nghiệp và các doanh nghiệp đứng dậy sau đại dịch Covid
Hãy nuôi dưỡng và tạo nhiệt huyết cho các bạn trẻ khởi nghiệp và các doanh nghiệp đứng dậy sau đại dịch Covid

Thêm dễ, sao bỏ thật khó khăn 

Đầu tháng 12-2021, tôi có trong tay một văn bản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep). Văn bản này được gọi là “thư thỉnh nguyện” với lời lẽ rất tha thiết, gửi đến lãnh đạo Chính phủ và nhiều cơ quan có liên quan, đề nghị giải quyết những vướng mắc lớn phát sinh trong quá trình áp dụng quy định kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm, khi nhóm sản phẩm này bị áp vào danh mục có tên “kiểm dịch”. Theo Vasep, bất cập vướng mắc kể trên đã tồn tại trong… 6 năm, và cũng từng ấy thời gian hiệp hội liên tục gửi kiến nghị lên các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị giải quyết.  

Điều đáng nói, cũng trong 6 năm qua, Chính phủ đã liên tục ban hành nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, yêu cầu các bộ và cơ quan có liên quan rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tháo bỏ các vướng mắc, khó khăn, rào cản bất hợp lý đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Và thật oái oăm khi vướng mắc này rơi vào ngành thủy sản mỗi năm đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Vướng mắc, khó khăn như trong Thỉnh nguyện thư của Vasep thuộc loại “riêng lẻ, cá biệt”, còn có loại rào cản, vướng mắc khó khăn có tính hệ thống, có nguy cơ “nảy nở, sinh trưởng” hàng ngày và không dễ nhận biết. Một trong số đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. 

Thực ra việc phân định ngành, nghề kinh doanh về mặt pháp lý thành 3 loại (ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và tự do kinh doanh), là bước tiến có tính đột phá trong việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, sau khi hàng ngàn giấy phép “con” được bãi bỏ vào đầu những năm 2000. Thế nhưng từ 2007, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh (thực chất là giấy phép con), nhanh chóng mọc lên như nấm sau mưa. Các bộ, ngành và địa phương đã không những phục hồi lại, còn âm thầm lấy lại những gì đã mất, thậm chí mở rộng và phát triển thêm “lãnh địa quyền lực” của mình. Họ đua nhau quy định và và sử dụng các loại giấy phép để quản lý doanh nghiệp theo lối hành chính xin cho; gây ra “một rừng” rào cản vô hình và hữu hình đối với đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng đó, sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 đã chốt danh mục 267 ngành nghề cấm kinh doanh và danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tiếp đến, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020 đã rà soát, tập hợp và đánh giá sơ bộ thực trạng điều kiện kinh doanh tương ứng, phát hiện gần 6.000 điều kiện kinh doanh được quy định trong gần 300 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, đã đặt mục tiêu bãi bỏ, đơn giản hóa ít nhất 50% trong số đó. Tuy vậy, số điều kiện kinh doanh được bãi bỏ không nhiều, ở một số bộ tối đa 1/3 trong số bãi bỏ, đơn giản hóa. Như vậy, đại bộ phận các rào cản, vướng mắc dưới hình thức điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp vẫn còn, thậm chí số điều kiện kinh doanh mới được tạo ra có thể lớn hơn nhiều lần số được bãi bỏ. 

Hiệu quả quản trị tốt sẽ nuôi dưỡng được nhiệt huyết kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh chưa bao giờ khó khăn đến thế do đại dịch Covid-19.

Cần quyết liệt và nhất quán hơn

Cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh cho đến nay mới làm trên “ngọn”, chưa đụng đến “gốc”, tức còn nhiều danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Danh mục hiện nay tuy có giảm so với năm 2014, nhưng vẫn là sản phẩm “chiều theo” yêu cầu và tâm lý “thích” quản lý, ưa kiểm soát của các bộ ngành có liên quan, chưa xuất phát từ yêu cầu “quản lý để phát triển”, càng chưa quan tâm đến mở rộng, củng cố và phát triển quyền tự do kinh doanh, sáng tạo kinh doanh của doanh nghiệp. 

Vì vậy, cải cách tiếp theo trước hết tập trung cắt bỏ, cụ thể hóa, chính xác hóa danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. So sánh thực tiễn quốc tế, có thể cắt bỏ ít nhất 1/2 số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện nay. Sau đó, tiếp tục cắt bỏ, đơn giản hóa mạnh mẽ hơn số quy định điều kiện kinh doanh tương ứng đối với số còn lại của ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chỉ khi mạnh tay cắt bỏ hẳn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các điều kiện kinh doanh tương ứng, bộ máy hành chính mới buộc thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo, tìm kiếm ra công cụ khác để quản lý doanh nghiệp. Trước mắt, tập trung cắt giảm các nhóm điều kiện kinh doanh. 

Chẳng hạn nhóm điều kiện yêu cầu điều kiện về nhân lực tối thiểu, số năm kinh nghiệm làm việc nhất định hoặc phải được đào tạo bởi một cơ quan nhà nước. Thực ra trong một số trường hợp, yêu cầu trình độ chuyên môn là cần thiết, như cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Đối với các trường hợp khác, yêu cầu loại này không hợp lý, quá mức cần thiết. Số lượng nhân lực và mức độ chuyên môn, kinh nghiệm của họ phụ thuộc vào quy mô, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp và do chính doanh nghiệp tự quyết định, không nên áp đặt hành chính bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Hay bãi bỏ nhóm điều kiện yêu cầu điều kiện phải tổ chức kinh doanh theo phương thức nhất định hoặc phải có số tiền vốn tối thiểu. Nên biết phương thức kinh doanh trong nhiều trường hợp chính là bí mật kinh doanh và có thể phải thay đổi theo nhu cầu thị trường. Tiền vốn kinh doanh phụ thuộc vào quy mô và mục tiêu kinh doanh. Đưa ra các loại điều kiện kinh doanh này mang tính chất hình thức và không có hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước. Vô hình trung can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến hạn chế sự sáng tạo, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhưng làm tăng chi phí đầu tư và tạo rào cản gia nhập thị trường. 

Những yếu kém, khiếm khuyết của quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trên đang đi ngược và cản trở quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG,
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương

Tin cùng chuyên mục