Nước Mỹ tăng cường an ninh

Trong bối cảnh Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cảnh báo về các cuộc biểu tình bạo lực có vũ trang đang được lên kế hoạch ở thủ đô Washington và 50 thành phố thủ phủ của Mỹ trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden vào ngày 20-1, các lực lượng Vệ binh quốc gia và an ninh đã được triển khai, diễn tập bảo vệ.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Ngày 12-1, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Washington, có hiệu lực tới ngày 24-1. Tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Washington tạo điều kiện để Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Liên bang đặc trách tình huống khẩn cấp (FEMA) phối hợp với giới chức địa phương khi cần thiết.

Cùng ngày, Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Chad Wolf tuyên bố, kể từ ngày 13-1, Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) sẽ bắt đầu triển khai các hoạt động bố trí lực lượng an ninh đặc biệt để bảo vệ lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden, sớm hơn gần một tuần so với kế hoạch ban đầu là 19-1. Cũng theo quan chức này, các cơ quan liên bang, bang và địa phương “sẽ tiếp tục điều phối các kế hoạch và nguồn lực tại chỗ để phục vụ sự kiện quan trọng này”.

Nước Mỹ tăng cường an ninh ảnh 1 Vệ binh quốc gia Mỹ canh gác khu vực tòa nhà quốc hội ở Washington

Trong khi đó, Lầu Năm góc cho biết đã điều động 15.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia để bảo đảm an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden. Theo Tướng Daniel Hokanson, chỉ huy Vệ binh quốc gia, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện đã có 6.200 vệ binh được triển khai tại thủ đô Washington và 10.000 vệ binh sẽ được huy động trong tuần tới.

Ngoài ra, 5.000 vệ binh khác cũng sẽ được triển khai vào ngày ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Lực lượng này sẽ được trang bị vũ khí và thiết bị chống bạo động, song cho đến nay họ không được phép tự trang bị khi làm nhiệm vụ trên đường phố Washington.

Hiện tại, nhiệm vụ của họ là hỗ trợ cảnh sát địa phương trong công tác thông tin liên lạc, hậu cần và an ninh. Quan chức này nhấn mạnh việc cho phép Lực lượng Vệ binh quốc gia đảm nhận vai trò thực thi pháp luật và thực hiện các vụ bắt giữ sẽ là phương sách cuối cùng nếu tình hình an ninh vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nỗ lực hàn gắn

Cùng ngày, Fox News cũng đưa tin, trong cuộc trò chuyện với lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy, Tổng thống Donald Trump đã nhận một phần trách nhiệm về cuộc bạo động ở Điện Capitol hôm 6-1. Nhà Trắng hiện chưa phản hồi về thông tin này.

Một quan chức cấp cao cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence đã có cuộc gặp tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, qua đó phát đi tín hiệu về một mặt trận chung.

Theo quan chức này, ông Trump không có ý định từ chức trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20-1 tới. Cả hai nhà lãnh đạo đều tái khẳng định những đối tượng vi phạm pháp luật và xông vào Điện Capitol hồi tuần trước không đại diện cho phong trào Nước Mỹ trước tiên được 75 triệu người dân Mỹ ủng hộ”. Hai chính khách cũng cam kết tiếp tục làm việc vì lợi ích của đất nước trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Trong khi đó, Giám đốc Điều hành An toàn công cộng và An ninh quốc gia Mỹ, ông Derek Maltz kêu gọi, ở thời điểm hiện tại và sau những gì đã diễn ra trong 4 năm qua, tốt nhất là nên đoàn kết đất nước thay vì những nỗ lực khác.

Đơn vị chống khủng bố thuộc Cơ quan An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố đối tượng Larry Rendell Brock ở bang Texas và Eric Gavelek Munchel ở bang Tennessee với cáo buộc xâm nhập trái phép, có hành vi bạo lực và gây mất an ninh trật tự. Những đối tượng này bị chụp ảnh xuất hiện tại Đồi Capitol. Brock và Munchel chỉ là hai trong số ít nhất 20 người cho đến nay bị buộc tội tại tòa án liên bang và khoảng 40 người tại Tòa Thượng thẩm địa phương của thủ đô Washington vì tham gia vào vụ bạo loạn tại Đồi Capitol ngày 6-1 vừa qua. Theo Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jason Crow, hiện có ít nhất 25 cuộc điều tra khủng bố trong nước đã được thực hiện liên quan tới vụ bạo loạn trên.

Tin cùng chuyên mục