Nước Mặn - nơi phôi thai của chữ Quốc ngữ

Theo cố Giáo sư Phan Huy Lê (1934 - 2018), sự ra đời của chữ Quốc ngữ như một dòng sông được tạo nên từ nhiều con suối, mà suối nguồn của nó ở Nước Mặn - một đô thị cổ tại Bình Định. 
Một góc đô thị cổ Nước Mặn, nơi “thai nghén” chữ Quốc ngữ. Ảnh: NGỌC OAI
Một góc đô thị cổ Nước Mặn, nơi “thai nghén” chữ Quốc ngữ. Ảnh: NGỌC OAI

Hơn 400 năm trước, quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa đã có công cưu mang, đưa 3 vị thừa sai Dòng Tên, gồm: Francesco Buzomi (người Italy) và 2 cộng sự là Francisco de Pina (Bồ Đào Nha), Christoforo Borri (Italy) và 1 tu huynh (người hầu cận của linh mục Buzomi) đang gặp nạn ở cảng Hội An về Quy Nhơn (năm 1617). Theo các tài liệu chép lại, ông Trần Đức Hòa dùng thuyền, kiệu và cả voi để đưa rước các thừa sai về, thiết đãi như những thượng khách.

Về đến phủ Quy Nhơn, 3 vị thừa sai xin được ra Nước Mặn (nay là làng An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, Bình Định) để đặt cư sở truyền giáo. Về sau, người dân khai quật được tại vườn nhà của gia đình ông Võ Cự Anh (làng An Hòa) nền móng di chỉ đặt cư sở truyền giáo của 3 vị thừa sai trên. Gia đình ông Võ Cự Anh nhiều đời làm nghề dạy học. Ông cũng là người đam mê sưu tầm, lưu giữ các tài liệu liên quan đến nguồn gốc, lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ.

Ông Võ Cự Anh kể, di chỉ Nước Mặn trước kia là một vùng rộng lớn nằm ở hạ nguồn sông Kôn. Thời nhà Nguyễn (khoảng thế kỷ XVII), cảng thị Nước Mặn là một trung tâm thương mại, kinh tế và văn hóa phồn thịnh nhất ở đàng trong. Thời ấy, sinh sống ở Nước Mặn có người Việt Nam, Chăm Pa và một nhóm người Minh Hương (Trung Quốc) di cư đến. Nhờ chính sách mở cửa của chúa Nguyễn nên thương thuyền Hà Lan, Bồ Đào Nha, Italy, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines… ghé đến Nước Mặn rất đông để buôn bán, trao đổi hàng hóa với người bản địa.

Theo nghiên cứu của ông Võ Cự Anh, năm 1618, các linh mục Buzomi, Pina, Borri xin ra khỏi phủ Quy Nhơn chọn Nước Mặn để đặt cư sở. Những ngày đầu đến Nước Mặn, nghe thổ dân nói chuyện, các đạo sĩ phương Tây cảm thấy vô cùng thất vọng. Bởi lẽ người Việt Nam nói tiếng như chim hót, tưởng rằng sẽ chẳng người ngoài nào học được. Ngoài ra, người Nước Mặn còn sử dụng cả tiếng Hán, Nôm. Sau nhiều đêm bàn bạc, các vị thừa sai đặt quyết tâm phải tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng để tiếp cận với các thổ dân phục vụ truyền giáo. Bàn tới bàn lui, các vị thống nhất sử dụng ký tự Latin ghi âm tiếng Việt để tạo ra chữ viết dành riêng cho người Việt (chữ Quốc ngữ bây giờ).

Đến năm 1619, ông Trần Đức Hòa cưỡi voi đi săn thú trở về bị sốt nặng rồi qua đời đột ngột. Hết người nâng đỡ, sóng gió lại ập tới, 3 vị thừa sai đành phải len lỏi ở các nhà dân để hoạt động, truyền giáo. Tuy nhiên, với sự thông minh kèm theo nhân cách tốt và đặc biệt khả năng tính toán về chiêm tinh của linh mục Christoforo Borri, các linh mục đã lấy được lòng thổ dân Nước Mặn. Lúc ấy, tại Nước Mặn có một ông đồ họ Võ (tổ tiên của ông Võ Cự Anh) dành một căn nhà trống để dạy học. Ban ngày cụ đồ dạy chữ, còn ban đêm 3 vị thừa sai mượn lại nhà trống để rao giảng kinh bổn, mày mò sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Những đêm dưới đèn dầu leo lét, các thừa sai cùng trà đàm với giới văn nhân, học sĩ, nhà nho, người dân, thương thuyền ở Nước Mặn. Họ nói chuyện, trao đổi học thuật và tìm hiểu nền văn hóa của đôi bên. Ngược lại, các văn nhân, học sĩ bản địa cũng góp công hỗ trợ các linh mục ghi âm tiếng Việt để Latin hóa tiếng Việt qua chữ viết. “Chữ Quốc ngữ quý giá mà dân tộc ta dùng bây giờ đã trải qua một hành trình ra đời rất dài, nhưng được thai nghén trong bối cảnh như vậy. Cho đến năm 1625, linh mục Alexandre de Rhodes (hay còn gọi là Đắc Lộ, người gốc Pháp) đến Nước Mặn thừa hưởng thành quả của 3 vị thừa sai để hệ thống hóa, bổ sung biên soạn và ấn hành cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên”, ông Võ Cự Anh nói.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, người có nhiều công trình nghiên cứu, bài báo về nguồn gốc chữ Quốc ngữ, cho biết: “Căn cứ theo các tài liệu, bằng chứng khoa học chúng ta có được cho đến nay, có thể khẳng định, Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ. Cá nhân tôi đánh giá rất cao vai trò của thời kỳ tiền Đắc Lộ (trước lúc Alexandre de Rhodes đến Việt Nam - PV), thời phôi thai chữ Quốc ngữ. Trong đó, các linh mục Buzomi, Pina, Borri là những người có công đầu; quan trấn thủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa và những văn nhân, học sĩ, thổ dân người Việt ở Nước Mặn cũng có công rất lớn đối với sự ra đời chữ Quốc ngữ”.

Tin cùng chuyên mục