BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG

Nước mắm truyền thống phải có tiêu chuẩn riêng

Chiều 12-3, tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Hội nước mắm Phú Quốc tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp về dự thảo TCVN 12607:2019 (Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm). Dù trước đó cùng ngày, cơ quan soạn thảo đã cho tạm dừng thẩm định dự thảo, song đối với những người sản xuất nước mắm tại Phú Quốc, vấn đề vẫn còn rất ‘‘nóng’’!

Tài sản quốc gia

Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, trước đây ngành nghề khai thác, chế biến thủy hải sản, trong đó sản xuất nước mắm là ngành kinh tế mũi nhọn của Phú Quốc. Đến giai đoạn những năm 2000 thì du lịch huyện đảo phát triển thành kinh tế mũi nhọn. Dù vậy, việc sản xuất nước mắm, đánh bắt thủy sản góp phần to lớn trong việc phát triển của Phú Quốc, thu ngân sách của địa phương. Phú Quốc có 53 doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất nước mắm. Số lượng 7.800 thùng, bình quân một thùng từ 10 - 12 tấn. Quy ra sản lượng bình quân 25 độ đạm khoảng 25 triệu lít. Vấn đề hiện nay là dư luận, người tiêu dùng, nhà sản xuất, nhà cung cấp rất băn khoăn và lo lắng trước chuyện một số người có ý định gộp nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp thành… nước mắm. Trưng giấy chứng nhận của Liên minh châu Âu cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc, ông Hưng nói: “Nếu những tiêu chuẩn như dự thảo được thông qua sẽ gây bất lợi cho người sản xuất truyền thống. Giá trị mà chúng ta tốn bao nhiêu công sức để Liên minh châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý còn giá trị gì nữa? Giá trị này không phải chỉ cho Hội nước mắm Phú Quốc mà là tài sản của quốc gia. Ngành nghề sản xuất nước mắm cần được nuôi dưỡng, bảo tồn lâu dài”.  

Theo quy định quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm thì quá trình ủ chượp, rút kéo, pha dấu và đóng chai phải được thực hiện trong phạm vi địa lý của huyện Phú Quốc
Ảnh: TẤN THÁI
 Nói về bản dự thảo, bà Nguyễn Kim Chi (chủ hãng nước mắm Thành Khoa) đề xuất: “Theo tôi, nên có 2 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn dành cho nước mắm truyền thống và dành cho nước mắm công nghiệp, phải tách riêng biệt để người tiêu dùng biết”. Còn vấn đề “nóng” nhất đối với những người sản xuất nước mắm truyền thống là histamin. Theo bà Chi, những người sản xuất nước mắm truyền thống ai cũng biết nó là tự nhiên. Vì vậy đưa ra tiêu chuẩn khống chế histamin là không phù hợp. Bà Nguyễn Thị Tịnh (Nguyên Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc) cho rằng, khi đưa ra chỉ tiêu histamin cần phải dựa trên nghiên cứu về histamin. Trong khi đó, chưa có đề tài nào nghiên cứu về vấn đề này. “Huyện Phú Quốc nên kiến nghị tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề tài về histamin trong sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Kinh phí, các hội viên Phú Quốc sẵn sàn đóng góp”, bà Tịnh đề xuất.


Trước ý kiến của đại diện Công ty cổ phần Masan Phú Quốc (đóng tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) cho rằng các tiêu chuẩn trong dự thảo đã tuân theo chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), nhiều đại biểu dự hội nghị không đồng tình. Chuyên gia Vũ Thế Thành khẳng định, cả dự thảo và tiêu chuẩn CODEX có nhiều vấn đề. Cần phân loại nước mắm rõ ràng, sau đó biên soạn tiêu chuẩn cho từng loại nước mắm chứ không thể gom lại với nhau được và tiêu chuẩn CODEX cũng cần phải nghiên cứu lại. “Chúng ta phải phải vận động để CODEX hiểu được nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống khác nhau. Phải dùng dịch tễ học để chứng minh rằng nước mắm truyền thống có lượng histamin cao nhưng chưa hề gây ngộ độc”, ông Thành nói.  Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch hội nước mắm Phú Quốc, cho biết sẽ tổng hợp ý kiến và làm bản kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ để bảo vệ ngành nghề truyền thống.

Kiểm tra chất lượng trước khi rút kéo nước mắm tại một nhà thùng sản xuất nước mắm ở Phú Quốc                   Ảnh: TẤN THÁI
 Dừng công bố dự thảo 


Tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 12-3, Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, sẽ dừng công bố dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) soạn thảo. Việc dừng này để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội... bằng văn bản hoặc đối thoại, hội thảo. Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, một bộ tiêu chuẩn quốc gia, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó sẽ liên quan đến vài bộ, ngành, nhưng khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc. Thứ nhất là phải phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn. Thứ hai, mỗi bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Thứ ba, phải đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, khi dự thảo tiêu chuẩn với nước mắm được công bố đã có quá nhiều ý kiến trái chiều. “Việc xây dựng một tiêu chuẩn với mỗi sản phẩm rất khó khăn. Khi nhận được những ý kiến phản ánh trái chiều cần lại xem lại bởi các điều kiện cần như trên không đảm bảo”, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết đã chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phải kiểm tra lại kỹ lưỡng, tạm dừng thực hiện tiếp các quy trình xây dựng tiêu chuẩn này để tham vấn đầy đủ, khoa học, báo cáo Bộ NN-PTNT có ý kiến. Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, hiện nay theo các bước xây dựng tiêu chuẩn thì chưa đến bước Cục Chế biến và Phát triển nông thôn trình bộ. Điều đó có nghĩa, văn bản mà cục đưa ra chưa có tính hiệu lực vì chưa được Bộ NN-PTNT thông qua.

Trao đổi thêm với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, phụ trách lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, về trách nhiệm của cơ quan soạn thảo tiêu chuẩn gây bức xúc và phản ứng trong dư luận xã hội, gây lo lắng cho người sản xuất nước mắm truyền thống, ông Tiến cho rằng, trên thực tế không phải dự thảo nào khi được nêu ra cũng hoàn hảo ngay, mà phải thông qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của nhiều người, cơ quan chức năng, tổ chức ngành hàng, lĩnh vực rồi bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện.

Lãnh đạo Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT thống nhất giao Tổng cục Tiêu chuẩn Đo chất lượng cùng với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tiếp tục tiếp thu ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn về nước mắm, bám sát theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 11-3. Đó là giao Bộ NN-PTNT nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.

Tin cùng chuyên mục