Nước lên, thuyền chưa thể lên

Bình quân 2 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Nhưng, theo nhiều người dân, mức lạm phát thực tế cao hơn nhiều con số nêu ra. 

Trên thị trường, giá nhiều sản phẩm, dịch vụ thậm chí đã tăng 30%-50%. Trong tháng 3, giá xăng dầu tăng tới 4.625-7.030 đồng/lít so với đầu năm đã tạo ra hiệu ứng tăng giá hàng loạt hàng hóa, dịch vụ, tác động trực tiếp tới “mâm cơm” của người lao động.

Suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc tại khối doanh nghiệp đã không được điều chỉnh nhằm chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp vượt dông bão, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận, trong đại dịch, người lao động đã gặp muôn vàn khó khăn. Hàng triệu người phải tạm ngưng việc trong đợt giãn cách hoặc trở thành F0, F1 không thể đi làm, mức thu nhập giảm; hỗ trợ của công đoàn và bảo hiểm xã hội không đáng kể.
Giá cả tăng cao nhưng người lao động vẫn đang phải nhận mức lương tối thiểu vùng ban hành tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP từ năm 2019, áp dụng theo 4 vùng với các mức từ 3,07-4,42 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, nhiều gia đình công nhân không đủ sống, lo học hành cho con. Nhiều người ví von, giá lên mà lương vẫn giậm chân tại chỗ, giống như nước lên mà thuyền không lên! Và, doanh nghiệp chỉ tăng lương cho người lao động khi có nghị định mới của Chính phủ về điều chỉnh mức lương tối thiểu. Nếu không có nghị định mới, doanh nghiệp sẽ dựa vào lý do này để không tăng lương cho người lao động.
Theo nhiều chuyên gia, để kịp thời hỗ trợ khó khăn cho người lao động, tăng lương tối thiểu vùng lẽ ra có thể áp dụng ngay cho năm 2022 này. Còn Công đoàn Việt Nam cho rằng, với mặt bằng giá cả hiện nay, cần tăng lương tối thiểu vùng 10% mới đảm bảo mức sống cho người lao động. Tăng lương cho người lao động là yêu cầu cấp thiết khi đại dịch đã được kiểm soát tốt hơn, sản xuất kinh doanh đang dần hồi phục. Nếu doanh nghiệp không tăng lương sẽ không thu hút được lao động, ngừng việc tập thể gia tăng, không đảm bảo tiến độ đơn hàng; công nhân sẽ “nhảy” địa bàn đến những nơi có mức lương tối thiểu cao hoặc chuyển sang việc khác, dẫn đến mất cân bằng lao động.
Từ ngày 1-4, Bộ LĐTB-XH sẽ tiến hành điều tra tình hình lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng năm 2023 và các chính sách liên quan. Theo kế hoạch, cuộc điều tra sẽ tổ chức tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố trên khắp các vùng miền cả nước để có cái nhìn chính xác hơn về tình hình đời sống, thu nhập và mức chi tiêu của người lao động trong cơn “bão giá”.
Việc tăng lương tối thiểu vùng phải đến năm 2023 mới thực hiện và mức tăng ra sao cần phải tính toán để đảm bảo lợi ích hài hòa, bền vững cho cả người lao động và doanh nghiệp. Song, trong khi chờ mức lương tối thiểu mới có hiệu lực vào năm 2023, các doanh nghiệp có khả năng vẫn có thể chủ động điều chỉnh chính sách, tăng lương cho chính người lao động của mình theo thỏa thuận, hoặc tăng các chế độ phúc lợi, hỗ trợ... để động viên, giữ chân lao động, để hai bên cùng thắng.
Còn với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, trong khi lương tối thiểu của người lao động chưa được điều chỉnh thì cần thiết phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát để giá cả không biến động mạnh, tiếp tục “ăn sâu” vào túi tiền của người có thu nhập thấp.

Tin cùng chuyên mục