Nữ tiến sĩ màu xanh lá cây

 Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi đam mê theo đuổi từ hồi công tác ở cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng đến bây giờ là ở Tập đoàn Minh Phú kinh doanh tôm có tiếng toàn cầu.
Niềm hạnh phúc của TS Mai Thi bên ao tôm
Niềm hạnh phúc của TS Mai Thi bên ao tôm

Xanh lá cây là màu nổi bật của vùng đất trù phú, màu của loại tảo nảy nở khi nguồn nước trong lành thuận lợi cho con tôm phát triển, đó cũng là màu sắc mà nữ Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi đam mê theo đuổi từ hồi công tác ở cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng đến bây giờ là ở Tập đoàn Minh Phú kinh doanh tôm có tiếng toàn cầu.

Nụ cười 

“Chế phẩm sinh học do chúng tôi nghiên cứu sản xuất đã đạt 1.012 CFU/ml, tức là trong một mililít có ngàn tỷ con vi khuẩn, không thua các nước tiên tiến. Năm trước, chúng tôi mới sản xuất được 108 CPU/ml”, TS Mai Thi tươi cười nói. Năm trước, chị còn ở Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng, từ tháng 4-2019, chị chuyển về Tập đoàn Minh Phú làm Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế phẩm sinh học Minh Phú (huyện Châu Thành, Hậu Giang). Lúc đó, công ty cũng chỉ có mình chị, phải xây dựng cơ sở sản xuất từ đầu, tuyển chọn và đào tạo nhân sự.

Ba tháng sau, chị cho ra mẻ chế phẩm đầu tiên. Nay, đã có 12 chế phẩm, gồm 4 chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường và 8 chế phẩm nuôi tôm. Xử lý ô nhiễm môi trường tập trung xử lý các chất thải hữu cơ và nước thải. Chế phẩm nuôi tôm dùng cho các công đoạn từ xử lý ao trước thả giống, nuôi cấy tảo lục để nước có màu xanh lá cây, dinh dưỡng giúp tôm kháng bệnh mau lớn. Mẻ chế phẩm đầu tiên ứng dụng nuôi 3ha tôm sú ở xã Thạnh Thới Thuận (huyện Trần Đề, Sóc Trăng).

Đây chính là phương thức nuôi tôm an toàn sinh học, không dùng thuốc hóa học, nên con tôm thâm canh đạt được chất lượng như tôm sinh thái, màu sắc đỏ đẹp được thị trường ưa chuộng. Nuôi tôm an toàn sinh học ưu điểm rất rõ nhưng trở ngại lớn ở chất lượng chế phẩm và cách kiểm soát hiệu quả, các khó khăn ấy hầu như không còn với TS Mai Thi. Sau vụ tôm sú thắng lợi, chế phẩm sinh học được tăng sản lượng để đưa về 700ha nuôi tôm thẻ chân trắng của Tập đoàn Minh Phú ở tỉnh Kiên Giang, nay tôm đã đạt 100 con/kg và đang phát triển tốt. Kết quả nâng cao chất lượng tôm, hạ giá thành sản xuất của chế phẩm đã được khẳng định.

Ở nhà máy sản xuất chế phẩm gốc, một tháng khoảng 10.000 lít, cứ được vài trăm lít lại đặt lên xe cùng TS Mai Thi về Kiên Giang, đưa vào phòng thí nghiệm nhân ra, rồi cho xuống ao tôm. Thời gian chưa dài nhưng yêu cầu của Tập đoàn Minh Phú đặt ra về kỹ thuật và kinh tế đều đã đạt. Nhà máy đang nâng sản lượng lên gấp đôi để phục vụ thêm mấy trăm hécta nuôi tôm của Tập đoàn Minh Phú ở Vũng Tàu và đưa dần ra thị trường. TS Mai Thi nâng niu những con tôm trên tay, nở nụ cười rạng rỡ bên ao tôm có bờ cỏ xanh biếc.

Tiếng khóc 

Thật khác với giữa năm 2017, TS Mai Thi trò chuyện một lúc là bật khóc nghẹn ngào, dù cuộc sống vừa lấp lánh hào quang. Chị sinh ra trong gia đình nhà giáo, tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thực phẩm năm 1996, về tỉnh Sóc Trăng quê nhà làm việc và năm 2012 được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Những năm đó, chị còn đi học xử lý nước ở Thụy Điển, học thạc sĩ công nghệ sinh học và từ năm 2012, chị nghiên cứu tiến sĩ ở Trường Đại học Cần Thơ.

Chị cùng cộng sự đã có “Giải pháp sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường ST Bacilli” đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2014-2015. Nhóm tác giả được tặng bằng khen của Chủ tịch tỉnh và TS Mai Thi còn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động Sáng tạo. Chế phẩm ST Bacilli xử lý ô nhiễm môi trường đạt kết quả tốt ở nhiều nơi. Chị có một mối quan tâm đặc biệt đến môi trường, nhất là từ khi một số người thân của chị bị bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do môi trường bị ô nhiễm. Chị đã nguyện dành cả đời để nghiên cứu xử lý ô nhiễm môi trường. 

Cũng khi đó, tôm nuôi bị dịch bệnh hoành hành. Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh trách chị: “Cháu xử lý được những nơi ô nhiễm nặng, sao không giúp bà con nuôi tôm xử lý ao bị ô nhiễm nhẹ hơn?”. Chị và các cộng sự đã làm ra chế phẩm ST Bacilli MT, xử lý ao tôm rất tốt, bởi chế phẩm chứa vi khuẩn bản địa, thích nghi với môi trường, hơn hẳn chế phẩm nhập ngoại. Vụ tôm đầu năm 2016 thật khó quên, hạn nặng nên dịch bệnh lan tràn, nhiều vùng tôm ở tỉnh Sóc Trăng u ám.

Giữa không khí ấy, có 4 hộ nuôi tôm ở những vùng khắc nghiệt dùng chế phẩm ST Bacilli MT làm sạch ao lại thắng lợi. Sáng sớm 23-6-2016, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Đình Luân (nay là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản) dẫn đoàn cán bộ đến các hộ như đốm sáng giữa bóng đêm đồng tôm. Tối mịt, đoàn trở về, ông Trần Đình Luân yêu cầu cấp dưới khẩn trương mở rộng việc dùng chế phẩm ST Bacilli MT để cứu ngành tôm. Hiệu quả của ST Bacilli MT càng thấy rõ, thậm chí còn được in sách phổ biến và Chủ tịch HĐND tỉnh có công văn đề nghị UBND tỉnh cho áp dụng đại trà chế phẩm trong năm 2017.

Vậy thì sao năm 2017, TS Mai Thi lại khóc tức tưởi. Thì ra, việc đưa chế phẩm ST Bacilli MT ra ao tôm chưa báo cáo xin phép Sở TN-MT, TS Mai Thi bị kỷ luật vì làm sai chức năng nhiệm vụ. Có vị lãnh đạo Sở TN-MT còn nói TS Mai Thi là “lừa đảo khoa học”. 

Tổng cục Thủy sản có công văn khẳng định, chế phẩm ST Bacilli MT đang nghiên cứu, thử nghiệm thì không phải xin phép. Dù vậy, TS Mai Thi vẫn cứ bị kiểm điểm, mất chức Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Ngày 22-8-2017, chị bị khiển trách về Đảng và ngày 27-11-2017, chị bị cảnh cáo về mặt chính quyền.

Ước nguyện 

Chuyên gia sinh học ở Trường Đại học Cần Thơ cho biết, nghiên cứu vi sinh là chuyên ngành khó, bởi vi khuẩn chỉ có một tế bào. Trong tự nhiên có rất nhiều loài vi khuẩn, có lợi lẫn có hại và tồn tại cân bằng. Nếu loài có hại vượt trội sẽ gây ô nhiễm môi trường, sinh ra dịch bệnh. Xử lý ô nhiễm môi trường bằng chế phẩm sinh học là tăng các loài vi khuẩn có lợi, đưa môi trường trở về trạng thái cân bằng. TS Mai Thi và cộng sự nghiên cứu ruột nhiều con vật như sùng đất, giun… để tuyển chọn vi khuẩn có lợi làm chế phẩm, bởi vi khuẩn bản địa nên khỏe hơn vi khuẩn trong chế phẩm nhập ngoại, vòng đời dài và còn có thể phục tráng khi thoái hóa.

Kỷ luật dồn dập giáng xuống gây nhiều khó khăn, khiến chị Mai Thi phải kéo dài thời gian làm luận án tiến sĩ. Chị học giỏi nhưng bạn cùng khóa đã ra trường, còn chị đến ngày 29-1-2019 mới được bảo vệ luận án và ngày 19-9-2019, chị nhận bằng Tiến sĩ Vi sinh vật học. “Đúng 7 năm không thiếu một ngày cho bằng tiến sĩ, gấp rưỡi bình thường. Nhưng nhờ vậy, tôi làm thí nghiệm nhiều nên có nhiều công thức sản xuất các chế phẩm sinh học”, TS Mai Thi bộc bạch.

Kỷ luật khiển trách về Đảng với chị Mai Thi được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xóa ngày 14-8-2018, còn cảnh cáo chính quyền vẫn giữ. Cuối buổi chiều 29-1, khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, giữa niềm vui vẫn có nỗi buồn, chị tâm sự: “Khi làm luận án, tôi dự tính kết quả sẽ là tài sản chung để Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Sóc Trăng ứng dụng, tạo một nguồn phúc lợi xã hội bảo vệ môi trường. Nhưng hoàn cảnh hiện nay, dự tính ấy không thực hiện được nữa”.

Đến hôm Tập đoàn Minh Phú mời về làm việc, chị liền bày tỏ ước nguyện: cùng với nghiên cứu sản xuất chế phẩm nuôi tôm, được tiếp tục nghiên cứu sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường làm một nguồn phúc lợi xã hội.

Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú Lê Văn Quang đã đồng ý ngay. Nay sản xuất chế phẩm sinh học đã thành công theo dây chuyền hiện đại, TS Mai Thi lại bày tỏ nguyện vọng: việc ứng dụng trên diện tích nuôi tôm của tập đoàn đã có nhiều kỹ sư lành nghề, riêng chị xin được tập trung đưa chế phẩm đến ao tôm của đông đảo nông dân đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với tập đoàn. Ông Lê Văn Quang vui vẻ đồng ý. Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi lại dọc ngang các vùng tôm của nông dân, góp phần làm cho màu xanh lá cây (tảo lục) không ngừng mở rộng đẩy lùi ô nhiễm.

Tin cùng chuyên mục