Nữ thủ lĩnh của các “chiến binh” thầm lặng

10 giờ ngày 7-2, có lẽ là một trong những thời khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm khoa học của PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (gọi tắt là Viện), kiêm Trưởng phòng Thí nghiệm cúm. Đó là lúc chị và các cộng sự cùng vỡ òa khi hiển hiện trước mắt hình dạng con virus corona chủng mới đang làm cả thế giới hoang mang. 

Với kinh nghiệm từng chiến đấu với virus SARS trước đó 17 năm, chị biết, cuộc chiến với Covid-19 mới chỉ bắt đầu. Một lần nữa, nhà nữ khoa học có gương mặt cương nghị ấy lại sẵn sàng đương đầu với dịch, nhưng lặng lẽ ở một vị trí ít người nhìn thấy.

Nhà khoa học bẩm sinh

Phòng Thí nghiệm cúm của Viện nằm trong khu nhà có dáng dấp kiến trúc Pháp cổ, dưới bóng rợp của tán cây cổ thụ, trên đường phố mang tên nhà khoa học lừng danh người Pháp Yersin.

Nhìn bề ngoài, khu nhà ấy lúc nào cũng bình lặng, cách biệt hẳn với sự ồn ào của phố xá. Nhưng những ngày này, ở phía trong đó, sự căng thẳng hối hả lộ rõ trên gương mặt của những cán bộ nghiên cứu.

Kể từ tối 22-1, tức 28 Tết Canh Tý, thời điểm có ca nghi nhiễm đầu tiên tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đến nay, PGS-TS Quỳnh Mai và các cộng sự đã không còn biết đến ngày nghỉ. Nghĩ đến con virus vô cùng nguy hiểm với cộng đồng vẫn còn là một ẩn số, giống như “kẻ địch” vẫn còn trong bóng tối, chị quyết tâm bắt nó phải lộ diện, dù khi đó, nó còn chưa được gọi tên, thông tin còn rất ít và mơ hồ. 

Quyết tâm càng nung nấu khi số mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm tăng dần, có  ngày lên tới 70 - 80 mẫu. Chưa có định dạng về con virus, để xét nghiệm, PGS-TS Quỳnh Mai phải dùng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới, mất rất nhiều thời gian và công sức.

Nữ thủ lĩnh của các “chiến binh” thầm lặng ảnh 1 PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai nhận hoa của Bộ Y tế vì thành tích phân lập thành công virus SARS-CoV-2
Đến ngày 30-1, tức mùng 6 Tết, ca nhiễm đầu tiên ở khu vực phía Bắc được xác định. Lúc này, đã có mẫu bệnh phẩm thật trong tay, chị bắt đầu tiến hành phân lập con virus mới. Chỉ có phân lập được nó, các chuyên gia mới có thể giải mã nguồn gốc, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng xâm nhập, tính sinh miễn dịch... Từ đó mới hỗ trợ được công tác điều trị, dập dịch hiệu quả.

Sau 72 giờ miệt mài trong phòng thí nghiệm, ê kíp của chị đã phân lập thành công virus SARS-CoV-2. Thông tin được công bố khiến ngành y trong nước và thế giới hết sức vui mừng, nó không chỉ giúp Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho các quốc gia quan tâm có tiền đề để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các bộ kit chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này.

Nói về thành công, PGS-TS Quỳnh Mai chia sẻ: “Khi làm việc, tôi chỉ nghĩ đến mối nguy hiểm đối với cộng đồng và những tổn thất của xã hội nếu con virus này hoành hành”. Chị cũng tin rằng, bất kỳ nhà khoa học chân chính nào cũng không đầu hàng trước ẩn số mới trong lĩnh vực mình nghiên cứu. 

Rất nhiều cộng sự đã bày tỏ ngưỡng mộ những phẩm chất của một nhà khoa học bẩm sinh hội tụ ở chị. Đó là sự trau dồi kiến thức không ngừng nghỉ với hàng chục công trình, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Đó là sự nhạy bén khoa học trong chị gần như bẩm sinh, luôn nhận ra rất sớm những yếu tố liên quan khi theo dõi diễn đàn về cúm thế giới và luôn chọn được những thông tin hữu ích nhất cho công tác nghiên cứu về cúm tại Việt Nam.

Đặc biệt, chị luôn là người đầu tiên tiếp cận với mẫu bệnh phẩm nguy hiểm. Hỏi có sợ không, chị cười hiền hậu: “Nói không sợ là không đúng, đã có nhiều y bác sĩ tử vong vì phơi nhiễm khi đang cứu chữa cho bệnh nhân. Nhưng không vì sợ mà chúng tôi không làm tốt phận sự của mình. Chúng tôi được học về an toàn sinh học, hơn nữa, trang thiết bị bảo hộ đã được trang bị đầy đủ hơn hồi dịch SARS năm 2003, nguy cơ rủi ro cũng giảm nhiều”.

PGS-TS Quỳnh Mai còn nổi tiếng vì sự thận trọng. Th.S Phương Anh, cộng sự của chị chia sẻ, nhiều ý kiến thắc mắc tại sao có nơi xét nghiệm chỉ mất 2 giờ nhưng ở Viện lại mất đến 2 ngày. Đó là bởi, PGS-TS Quỳnh Mai yêu cầu các cộng sự phải cẩn thận, chính xác tuyệt đối. Không ít trường hợp kết quả của những trung tâm xét nghiệm khác phải gửi về Viện để kiểm định lại. 

Gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp, trong đó đáng chú ý là phân lập được virus Corona trong dịch SARS 2003, tạo chủng và góp phần sản xuất vaccine cúm A/H5N1 đáp ứng đầy đủ tính an toàn, hiệu lực với giá thành hợp lý và mới đây là phân lập virus SARS-CoV-2. Nhưng chị tâm niệm, thành công chỉ là động lực để tiếp tục phấn đấu, nhất là khi dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp luôn là mối đe dọa lớn với cộng đồng.

Một thủ lĩnh giỏi

PGS-TS Quỳnh Mai kể, nghiên cứu về virus là công việc vất vả. Bất cứ ai theo nghề này đều phải xác định, mỗi khi xảy ra dịch bệnh họ sẽ phải dành trọn thời gian, tâm sức cho công việc. Nếu các y, bác sĩ được ví như những người lính nơi tuyến đầu thì người làm dịch tễ giống như người lính ở tuyến sau, hậu thuẫn bằng việc nghiên cứu điểm yếu của kẻ địch và hỗ trợ phương án tác chiến. 

Hồi xảy ra dịch SARS năm 2003, chị 36 tuổi, các con khi ấy còn nhỏ, chị đã phó thác tất cả cho người thân để cùng các cộng sự đàn anh, đàn chị đối mặt với nguy hiểm. 17 năm trôi qua, chị đã trở thành “thủ lĩnh” của Phòng Thí nghiệm cúm với 11 thành viên, trong đó có 9  nữ. Hiểu thấm thía nỗi vất vả của phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, chị luôn thông cảm, tạo điều kiện cho các nhân viên của mình. Chị đã rất áy náy khi cả Tết Canh Tý vừa qua, mọi người phải căng mình làm việc gấp 3 - 4 lần bình thường.

Họ không được về nhà sắm tết như những người phụ nữ khác; không làm trọn vẹn nghĩa vụ với gia đình nội ngoại, cũng không thể chăm sóc những đứa con thơ. Kể cả khi đã phân lập thành công, có bộ kit thử nhanh rồi, các chị vẫn rất vất vả với công việc hàng ngày là xét nghiệm, chẩn đoán ca nhiễm, vì số lượng mẫu bệnh phẩm tăng, nhiều trường hợp rất khó xác định, phải làm đi làm lại.

Rồi việc nghiên cứu, phân lập vẫn phải  tiếp tục, vì virus SARS-CoV-2 có thể có những biến chủng khi xâm nhập vào cơ thể người Việt Nam, virus cuối mùa dịch cũng khác so với đầu mùa.

“Vào lúc công việc căng thẳng nhất, tôi thậm chí còn chẳng dám hỏi thăm nhân viên của mình bố trí con cái, gia đình ra sao. Có lẽ, họ cũng như tôi, sẽ phải tự thu xếp tất cả vì công việc quá cấp bách mà xã hội đang đòi hỏi”, chị cười như tự an ủi mình. 

Luôn nghiêm túc, khắt khe trong công việc nhưng ở đời thường, PGS-TS Quỳnh Mai lại là một người vui vẻ, thân thiết như chị cả trong gia đình. Th.S Hồng Trang, một cộng sự trẻ của chị kể, chị Mai vẫn thường mời mọi người về nhà thưởng thức tay nghề nấu ăn của chị. Khi có dấu hiệu phân lập được con virus mới, chị hứa, nếu thành công sẽ chiêu đãi cả phòng món tủ là thịt bò kho.

Ngay trong tối đó, chị đã đi nhiều cửa hàng lùng mua bằng được thịt bò để chuẩn bị chiêu đãi các đồng nghiệp. Món bò kho hôm ấy hẳn sẽ là một kỷ niệm theo suốt cuộc đời 11 con người đã ghi danh Việt Nam vào danh sách 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus SARS-CoV-2.

Thành tích vang dội này được cả ê kíp đùa vui ví như giành Huy chương vàng bóng đá SEA Games, nghĩa là một điều kỳ diệu được làm nên bởi một tập thể mạnh, với một người thủ lĩnh giỏi, có khả năng phát huy sức mạnh của mỗi thành viên.

Trước mắt người thủ lĩnh này, cuộc chiến đấu vẫn còn cam go. Chị và cộng sự sẽ còn vất vả chừng nào dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Không biết đã bao lâu rồi, chị chẳng có thời gian để ngắm một nhành mai, nhành đào đang nở, hay nhận ra Hà Nội đẹp như thế nào lúc giao mùa, mặc cho những tán lá bàng đỏ thắm và những vầng hoa sưa trắng muốt vẫn đang rụng hoài phí suốt mùa dịch dã... 

PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai (sinh 1967) và các cộng sự vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019, một giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ. Hồ sơ dự giải thưởng đã được ê kíp chuẩn bị trước đó 1 năm, nghĩa là chưa hề có dòng nào về thành tích phân lập được virus SARS-CoV-2, nhưng đã được Bộ Y tế đánh giá rất cao, vượt xa các ứng cử viên nặng ký của ngành y để tham dự giải thưởng.

Tin cùng chuyên mục