NSƯT Quỳnh Liên: Giáo dục người trẻ thông qua những giai điệu tự hào

NSƯT Quỳnh Liên (ảnh) bắt đầu hát nhạc cách mạng khi mới 12 tuổi, với ca khúc Tình Bác sáng đời ta. Sau gần 50 năm theo đuổi nghiệp ca hát, bất chấp thời gian, “Con chim sơn ca đất Cảng” vẫn luôn thể hiện sức bền bỉ của một giọng ca đẹp, nội lực. Thời điểm hiện tại, NSƯT Quỳnh Liên cũng không khỏi trăn trở cho hành trình góp sức lan tỏa dòng nhạc truyền thống trong đời sống xã hội hôm nay.
NSƯT Quỳnh Liên: Giáo dục người trẻ thông qua những giai điệu tự hào

* PHÓNG VIÊN: Có nhận định, dòng nhạc cách mạng hiện nay không còn giữ được lượng khán giả yêu mến hùng hậu như xưa nữa, nhất là giới trẻ, theo chị điều đó đúng không?

* NSƯT QUỲNH LIÊN: Tôi theo đuổi dòng nhạc cách mạng gần 50 năm, đến bây giờ, khi lên sân khấu biểu diễn trước hàng trăm khán giả, hay chỉ ca hát phục vụ vài chục người trong một không gian nhỏ, tôi thấy dòng nhạc truyền thống vẫn được khán giả nhiều lứa tuổi đón nhận chân tình. Mọi người lắng nghe, có người hát theo và cổ vũ bằng những tràng pháo tay rất nồng nhiệt.

Điều đó cho thấy, quan trọng vẫn là việc người hát thể hiện bài hát như thế nào, có hết lòng, say mê giai điệu và có truyền tải đúng ngọn lửa tinh thần của bài hát cho người nghe hay không. Tôi nghĩ, chưa bao giờ dòng nhạc cách mạng bị công chúng quay lưng, quan trọng là có sân chơi cho nghệ sĩ thể hiện và nghệ sĩ đó thể hiện như thế nào. 

* Thực tiễn cho thấy, album nhạc cách mạng khi ra mắt thường có lượng tiêu thụ chậm hơn rất nhiều so với các album nhạc trẻ, bolero… đó có phải là trở ngại lớn?

* Mỗi một thời cuộc luôn có sự thay đổi về xu hướng giải trí, đặc biệt là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Dòng nhạc cách mạng cũng không nằm ngoài tình trạng chung khi đĩa khó tiêu thụ, khán giả bây giờ nghe online là chính. Mua đĩa nhạc bây giờ chủ yếu để nghe trên xe hơi, trong không gian nhỏ. Với dòng nhạc trẻ, phát hành đĩa có thể bán hết ngay, nhưng sự lâu dài thì không thể bằng đĩa nhạc cách mạng.

Ví như đĩa nhạc của tôi và NSƯT Quang Lý cùng thực hiện chủ đề Chân dung thời gian với 10 bài hát trữ tình cách mạng, đã phát hành cách đây mấy năm, tái bản nhiều lần và được nhiều khán giả tiếp tục mua. Tôi nghĩ, những sản phẩm âm nhạc dòng nhạc chính thống tuy không tiêu thụ ồ ạt như sản phẩm âm nhạc theo thị hiếu thị trường, nhưng sức bền thì cứ song hành thời gian, kiểu như mưa dầm thấm lâu và không bao giờ lỗi thời cả.  

* Nhiều năm qua, rất hiếm chương trình nhạc cách mạng được thực hiện như liveshow nhạc thị trường, trên các kênh truyền hình, dòng nhạc này cũng ngày một ít dần, chị nghĩ như thế nào về vấn đề này?

* Thực tế, rất khó kéo khán giả đi xem chương trình nhạc cách mạng tổ chức như một liveshow. Ở góc độ khác, cũng cần xem xét phía nhà đầu tư có chịu đầu tư mạnh tay để làm chương trình nhạc truyền thống chất lượng, quy mô, đặc sắc hay không? Vì quan niệm nhạc cách mạng khô cứng nên sự quan tâm và đầu tư cho chương trình cũng gặp nhiều khó khăn.

Tôi từng được VTV9 và Công ty Truyền thông Quốc tế hỗ trợ thực hiện liveshow nhạc truyền thống Dòng sông chở nặng phù sa, với hơn 10 bài hát hát về Bác Hồ. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Thành phố, khán giả hào hứng đến xem chật khán phòng và phản hồi tốt. Cái chính vẫn là cách thức tổ chức chương trình như thế nào, có long trọng, chỉn chu, có trân trọng, giúp tôn vinh các tác phẩm âm nhạc giá trị hay không. 

* Với thế hệ trẻ đang theo đuổi dòng nhạc cách mạng, họ có thể sống được với nghề trong thời điểm có nhiều khó khăn này không và chị có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ? 

* Nhiều bạn trẻ bây giờ cứ nghĩ rằng phải theo dòng nhạc trẻ thì mới sống được. Nhưng với những bạn học dòng nhạc chính thống từ nhạc viện, nếu chịu khó hoạt động thì vẫn sống được với nghề, dù gặp chút khó khăn. Trong cuộc mưu sinh, nhiều bạn sau nhiều năm học hành nghiêm túc, khi ra trường phải chạy show tất bật để có nguồn thu nhập tạm ổn, để theo được nghề, điều đó khiến lớp nghệ sĩ đi trước cũng rất trăn trở.

Ngoại trừ chương trình Nhạc cách mạng xuống phố (năm 2020 đổi tên là Âm nhạc xuống phố) do Hội Âm nhạc TPHCM thực hiện nhiều năm qua, đến nay được 62 kỳ vẫn là sân chơi cho các ca sĩ, nhóm ca trẻ dòng nhạc cách mạng thì những câu chuyện “sống được với nghề” vẫn khiến tôi chạnh lòng. 

Tôi muốn nhắn nhủ rằng, các bạn ca sĩ trẻ hãy lạc quan và luôn vững tin rằng dòng nhạc cách mạng không bao giờ mất đi, khán giả không quay lưng, quan trọng là các bạn có sống hết mình với nó hay không. Hãy cứ tự tin, dấn thân vào dòng nhạc mình say mê theo đuổi. Mà muốn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết đó, trước tiên mình phải đam mê thì mới có thể truyền nó cho người khác. 

"Cách đây không lâu, HTV có chương trình "Hát về thời hoa đỏ" được rất nhiều khán giả yêu thích, nhưng sau một thời gian phát sóng thì chương trình này tạm dừng vì không còn nhà tài trợ. Việc bỏ dần các chương trình âm nhạc cách mạng trên sóng phát thanh, truyền hình khiến thu hẹp dần sân chơi cho ca sĩ, đồng thời làm giảm hẳn số lượng khán giả theo dõi nhạc truyền thống trên sóng truyền hình. Đó là trách nhiệm chung không chỉ từ phía các ca sĩ, nghệ sĩ, những người yêu thích dòng nhạc này, các nhà đầu tư nghệ thuật mà còn ở các cơ quan quản lý văn hóa"
NSƯT QUỲNH LIÊN

* Năm hết tết đến, chị có mong mỏi gì cho dòng nhạc truyền thống mà mình đã gắn bó trong mấy chục năm qua?

* Tôi rất mong cơ quan quản lý văn hóa tạo thêm sân chơi âm nhạc truyền thống cách mạng cho các ca sĩ trẻ. Cần thiết phải có sự đầu tư trong tổ chức biểu diễn các chương trình nhạc cách mạng nghiêm túc, để góp phần tuyên truyền và tạo sức lan tỏa giá trị âm nhạc của tác phẩm truyền thống cách mạng đến với công chúng.

Ngay cả các đài truyền hình, đài phát thanh cũng nên thay đổi cách nhìn về dòng nhạc cách mạng, giúp hỗ trợ tuyên truyền nhiều hơn, để dòng nhạc cách mạng sống mãi cùng thời gian. Đó cũng là cách tạo điều kiện tiếp cận khán giả, để giáo dục thế hệ trẻ. Không có điều gì mạnh mẽ và hữu hiệu bằng giáo dục thông qua âm nhạc, qua những giai điệu tự hào, lời ca đậm chất văn thơ.

Tin cùng chuyên mục