NSND Thúy Mùi: Sân khấu cần nhiều cú hích để chuyển mình

Sau nhiều năm, lần đầu tiên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã bầu một chủ tịch hội là nữ; và cũng sau rất nhiều năm, thành phần trong ban chấp hành hội có nhiều gương mặt trẻ hội đủ các vùng miền của cả nước. 

Trong thời điểm sân khấu đang rất đìu hiu, thậm chí nhiều môn nghệ thuật sân khấu truyền thống bắt đầu đối diện với nguy cơ thất truyền thì trách nhiệm của người đứng đầu hội nghề nghiệp này lại càng trở nên nặng nề, đầy thử thách hơn bao giờ hết. Song, chấp nhận gian khó, vượt qua thách thức, là điều mà NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, đã xác định rõ trong nhiệm kỳ này.

NSND Thúy Mùi: Sân khấu cần nhiều cú hích để chuyển mình ảnh 1 NSND Thúy Mùi
PHÓNG VIÊN: Trong khi điện ảnh và truyền hình đã bắt đầu bước qua sự trì trệ và dần đưa khán giả quay trở lại thì sân khấu vẫn khiêm tốn ẩn mình sau tấm màn nhung. Theo bà, điều gì đã khiến sân khấu cứ chùng chình mãi như vậy ?

NSND THÚY MÙI: Thực tình, tại thời điểm này, sân khấu “tối tăm” tới mức không tìm thấy tác phẩm mới và tầm cỡ. Nhiều đơn vị nghệ thuật bị cuốn theo trào lưu tự hài lòng khi hoàn thành kế hoạch, kiểu như được cho tiền dựng 3 vở thì dựng 3 vở, còn chất lượng thế nào cũng được. Nếu chỉ dừng lại ở mức hoàn thành kế hoạch thì một người có thể quản lý cả 10 đoàn nghệ thuật. 

Truyền hình và điện ảnh thời điểm này đang có sự chuyển mình rất tốt nhờ có công nghệ, có bước tiến đáng ghi nhận, trong khi sân khấu “đuối” quá, không bắt kịp sự phát triển của công nghệ. Công bằng nhìn nhận, các nghệ sĩ của sân khấu có đóng góp nhiều cho điện ảnh và truyền hình. Nghệ sĩ  điện ảnh nổi tiếng phần lớn xuất thân từ sân khấu. Sở hữu vốn quý như vậy, nhưng sân khấu lại không phát huy được thế mạnh để có tác phẩm hay. Theo tôi, muốn thay đổi cần phải có tư duy đúng, cách làm đúng.

PHÓNG VIÊN: Sân khấu cần phải tháo gỡ vướng mắc như thế nào để có tác phẩm hay và nghệ sĩ có thể sống được với nghề?

Chỉ có vở diễn hay mới có thể làm khán giả quay trở lại với sân khấu. Khi khán giả quay lại, nghệ sĩ mới sống được với nghề. Về lý thuyết là vậy, song để có được tác phẩm hay, phụ thuộc nhiều yếu tố như chất lượng kịch bản, kinh phí để dàn dựng, để quảng bá… Vì thế, hội nghề nghiệp hỗ trợ về mặt định hướng, chuyên môn sẽ có nhiều việc để làm.

PHÓNG VIÊNTrước đây, trong các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu được tổ chức, nhưng nhiều vở chỉ dựng cho người trong nghề xem, để đem đi hội diễn, để lấy huy chương, bằng khen. Điều này liệu có còn tiếp tục trong những mùa tới?  

Liên hoan, hội diễn sân khấu duy trì như thế nào (thay vì cứ trao huân chương, huy chương), việc phối hợp của hội nghề nghiệp vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, với các liên hoan, cuộc thi do hội tổ chức phải tính toán lại thật kỹ lưỡng để có thể tạo được cú hích cho nghệ thuật thì mới làm. Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh tới việc khen thưởng và tôn vinh đúng người, đúng tầm mức đối với các nghệ sĩ thì sẽ tạo được động lực tốt cho người làm nghề. Sân khấu có nhiều giải thưởng, bằng khen, nhưng các giải thưởng của sân khấu lại không có sức nặng và sự lan tỏa gây ảnh hưởng lớn như giải thưởng điện ảnh, truyền hình.

Theo tôi, để làm được điều này, bên cạnh yếu tố tư duy của lãnh đạo có đủ mạnh mẽ để tạo ra sự thay đổi không, thì cần hội đủ điều kiện kinh tế (kêu gọi, vận động được xã hội hóa thật tốt), cần người trí tuệ, có tầm nhìn để tổ chức các chương trình tôn vinh có ý nghĩa, được cộng đồng quan tâm; và một yếu tố có vai trò tiên quyết là có hội đồng nghệ thuật công tâm, uy tín, tôn vinh đúng người, đúng nhân vật, để người làm nghề và công chúng tâm phục khẩu phục.

NSND Thúy Mùi: Sân khấu cần nhiều cú hích để chuyển mình ảnh 2 Sân khấu cần bắt nhịp với cuộc sống  
PHÓNG VIÊN: Tại thời điểm này, tìm mạnh thường quân cho nghệ thuật quả là điều không đơn giản…

Rất khó tìm được người sẵn sàng hỗ trợ cho nghệ thuật. Người làm kinh tế thường ưu tiên hỗ trợ những điều góp phần “nâng cánh” cho công việc của chính họ, tức đầu tư cho những việc đem lại sản phẩm hiện hữu. Còn với nghệ thuật, là những sản phẩm không hiện hữu, việc xã hội hóa không đơn giản. Đầu tư cho nghệ thuật là làm lợi cho xã hội, chứ bản thân doanh nghiệp ít thấy có lợi trực tiếp từ việc này. Vì thế, việc xã hội hóa trong hoạt động nghệ thuật quả thực khó khăn, nhưng tôi tin có sự đồng lòng của ban chấp hành hội, có thể xây dựng được tiềm năng về tài chính cho hội.

Từ nguồn kinh phí này, chúng tôi mong muốn sẽ làm được những chương trình lớn để đưa khán giả quan tâm trở lại với sân khấu. Đây là việc không đơn giản, khó có thể thực thi trong một thời gian ngắn, nhưng tôi tin nếu quyết tâm sẽ dần dần tạo ra những thay đổi, đưa được không khí đổi mới, “cách mạng” với sân khấu. 

PHÓNG VIÊNĐối với những môn nghệ thuật truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ lay lắt, thậm chí có thể “thất truyền”, giải pháp đưa ra là gì, thưa bà?

Bên cạnh giải pháp mang tính sự vụ như tổ chức các liên hoan, hội diễn nhằm kích thích sức sáng tạo, giúp nghệ sĩ có đất để làm nghề, về lâu dài cần phải bồi đắp mảng trống sân khấu dành cho thiếu nhi. Hiện mảng sân khấu thiếu nhi đang rất hổng, mà đây chính là nguồn khán giả tương lai của sân khấu. Hiện đề án giới thiệu nghệ thuật truyền thống thông qua hình thức biểu diễn, giới thiệu và phân tích trực quan dành cho học sinh trong các trường đang được xúc tiến hoàn thiện. Tôi tin rằng, khi đề án được duyệt và triển khai sẽ tạo nên nhiều thay đổi đối với cả nghệ sĩ và khán giả nhỏ tuổi.

Tin cùng chuyên mục