NSND Đặng Thái Sơn - Tình yêu sâu đậm dành cho quê mẹ

Liên hoan Nghệ thuật “Giai điệu mùa thu” năm nay đặc biệt có sự tham gia biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn, sau nhiều lần ông lỡ hẹn cùng khán giả TPHCM. Với sức hút của một tài năng âm nhạc cổ điển, chương trình hòa nhạc của ông đã được đông đảo khán giả đón đợi.

Dịp này, PV đã có cuộc trao đổi để lắng nghe cảm xúc của NSND Đặng Thái Sơn trong lần trở lại này.

* PHÓNG VIÊN: Sau rất nhiều năm lỡ hẹn, năm nay chốt được lịch và đến TPHCM biểu diễn, cảm xúc của ông như thế nào?

* NSND ĐẶNG THÁI SƠN: TPHCM là quê mẹ của tôi, vậy nên mỗi lần về thành phố, tôi đều có những cảm xúc tươi mới như lần đầu, với một tình cảm sâu đậm, đặc biệt. Riêng Giai điệu mùa thu thì đây là lần thứ 3 tôi nhận được lời mời tham gia. Lời mời này được chốt lịch cách đây 3 năm.

Tôi cảm thấy vui vì lần đầu tiên được hợp tác biểu diễn cùng các nghệ sĩ Dàn nhạc giao hưởng HBSO chuyên nghiệp, cùng chỉ huy dàn nhạc - NSƯT Trần Vương Thạch và nghệ sĩ Nguyễn Hữu Nguyên. Với tôi, diễn độc tấu thì rất dễ, còn làm việc với cả một dàn nhạc nên lúc đầu tôi cũng có lo lắng một chút.

Tuy nhiên, sau những buổi tập, tôi cảm thấy an tâm vì “hậu phương” của mình là một dàn nhạc chuẩn mực, chuyên nghiệp, nhiệt huyết, có sự phối hợp ăn ý. Hơn thế nữa, anh Trần Vương Thạch và Nguyễn Hữu Nguyên làm việc rất chu đáo, kỹ lưỡng, đó chính là chỗ dựa vững vàng cho tôi trên sân khấu.

Ngoài ra, tôi cũng cảm thấy háo hức khi được trình diễn trong điều kiện tốt, chuyên nghiệp, từ phòng diễn, chất lượng âm thanh, không gian ấm áp, kiến trúc đẹp, đến đàn chuẩn.

NSND Đặng Thái Sơn - Tình yêu sâu đậm dành cho quê mẹ ảnh 1 NSND Đặng Thái Sơn trong một buổi diễn tập cùng dàn nhạc giao hưởng HBSO

* Ông có nhận xét gì về Dàn nhạc giao hưởng HBSO?

* Để hoàn thiện chương trình, các nghệ sĩ dàn nhạc đã làm việc rất tích cực, chuẩn bị kỹ càng, chịu khó tập luyện, nhắc lại nhiều lần những khúc đoạn, hướng đến sự cầu toàn trong trình diễn.

Trong dàn nhạc hiện nay có rất nhiều nghệ sĩ trẻ, chỉ còn lại vài đồng nghiệp cùng thời với tôi. Các bạn trẻ đa số tốt nghiệp từ Nhạc viện TPHCM, mức độ chuyên nghiệp ổn. Tuy nhiên, cũng không thể so sánh với dàn nhạc các nước khác, vì điều kiện và sự phát triển của họ đã vượt khá xa so với nước ta.

* Từ thực tiễn đó, ông mong mỏi gì cho nền âm nhạc hàn lâm, cổ điển tại Việt Nam?

* Từ lâu rồi, tôi đã lên tiếng báo động về tình trạng hoạt động và phát triển chậm của nghệ thuật âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam. Nước ta từ rất sớm đã tiếp cận và phát triển loại hình nghệ thuật này, nhưng những năm sau này lại không được chú trọng đầu tư, phát triển, nhân rộng.

Tôi làm giám khảo nhiều cuộc thi quốc tế, nhưng hơn chục năm nay, tại các cuộc thi đều vắng bóng những gương mặt nghệ sĩ trẻ Việt Nam, trong khi những nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… lại có rất nhiều bạn trẻ tham gia tranh tài, khẳng định được tài năng. Nếu chúng ta không đầu tư cho một thế hệ kế cận, tiếp nối, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại.

Bên cạnh đó còn một vấn đề lớn nữa là giáo dục đào tạo khán giả trẻ. Các bạn trẻ rất ngại đi nghe, thưởng thức âm nhạc cổ điển vì sợ không hiểu.

Nhiều nước trên thế giới đã làm rất tốt việc quần chúng hóa nhạc cổ điển, tức là biểu diễn với thời gian ngắn, bài trình diễn phổ cập, vé rẻ… để thu hút người nghe. Bên cạnh đó, cần có những buổi nói chuyện, giới thiệu âm nhạc cổ điển cho giới trẻ, sinh viên, học sinh. Tổ chức những buổi biểu diễn tại các trường học từ phổ thông đến đại học…

Đó là những cách làm hiệu quả trong công tác đào tạo khán giả trẻ cho dòng nhạc cổ điển, hàn lâm, cần được thực hiện một cách đồng bộ, là giải pháp, dự án lâu dài.

Tôi thấy vui vì hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều trường dạy nhạc xã hội hóa, góp phần vào việc đào tạo âm nhạc cho giới trẻ có nhu cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, thông tin, tư liệu âm nhạc được phổ biến rất nhiều trên các trang internet, tôi vẫn thấy lo vì theo con đường học vấn âm nhạc để chuyên nghiệp rất tốn kém.

Ở các trường đại học âm nhạc của Mỹ, chi phí cho mỗi sinh viên học nhạc lên đến 70.000USD/năm. Với chi phí cao như thế, người học cần ý chí, tình yêu, sự khao khát với nghệ thuật mạnh mẽ thì mới có thể vươn tới những giá trị và thành quả như mong muốn.

Nhìn lại tình hình hiện nay của Việt Nam, ước chừng 5 - 10 năm nữa thì hoạt động tổ chức, biểu diễn nghệ thuật âm nhạc cổ điển mới có thể sáng sủa hơn.

* Bên cạnh hoạt động biểu diễn, ông còn tham gia giảng dạy ở rất nhiều trường nhạc, làm giám khảo các cuộc thi quốc tế?

* Lịch làm việc của tôi khá dày đặc. Bên cạnh việc tham gia cả trăm buổi biểu diễn một năm, tôi còn dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy tại 2 trường nhạc ở Canada và Mỹ, là giáo sư thỉnh giảng tại Đài Loan, là giáo sư danh dự của Nhạc viện Trung ương Trung Quốc; tham dự các trại hè, các lớp dạy ngắn hạn, huấn luyện cho các em đi thi các cuộc thi âm nhạc quốc tế, chấm thi các cuộc thi âm nhạc quốc tế (mỗi năm đảm nhận vai trò giám khảo của 3 - 4 cuộc thi).

Lịch làm việc của tôi sau khi tham gia “Giai điệu mùa thu” là đến Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha… để chấm thi và trình diễn. Tôi cũng đã chốt lịch một số chương trình của năm 2022, 2023.

Tuy nhận nhiều công việc nhưng tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian để có thể tranh thủ nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và cũng dành thời gian tập bài mới, tập chương trình mới biểu diễn tại các nước. Thời gian tới, tôi nghĩ mình sẽ phải cân bằng để hợp lý hơn giữa công tác giảng dạy và biểu diễn.

* Ngoài âm nhạc, sự quan tâm nhất của ông hiện nay là gì?

* Đó chính là mẹ tôi. Năm nay bà được 101 tuổi rồi. Mỗi lần về nước, tôi cố gắng dành nhiều thời gian ở bên mẹ, chăm sóc, đưa mẹ đi tham quan một số nơi... Mẹ chính là tình yêu lớn, là động lực giúp tôi nỗ lực làm tốt công việc của mình.

Tin cùng chuyên mục