NSND Đặng Hùng qua đời

Vào lúc 5 giờ 30 sáng 8-5, NSND Đặng Hùng đã trút hơi thở cuối cùng tại tư gia, hưởng thọ 87 tuổi. Tang lễ NSND Đặng Hùng được tổ chức tại nhà riêng trên đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh. Lễ nhập quan vào lúc 15 giờ ngày 8-5. Lễ động quan tổ chức vào 7 giờ ngày 11-5-2022, sau đó đưa đi hỏa táng tại Phúc An Viên, quận 9, TPHCM.

NSND Đặng Hùng. Ảnh: THÚY BÌNH
NSND Đặng Hùng. Ảnh: THÚY BÌNH

NSND Đặng Hùng sinh năm 1936 tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định, là một vùng đất có văn hóa tuồng truyền thống, nên ngay từ nhỏ ông đã yêu thích và say mê vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc.

Năm 1954, ông theo Đoàn Văn công Liên khu V tập kết ra Bắc, được cử đi học lớp phóng thanh.

Năm 1958, lớp múa đầu tiên là tiền thân của Trường Múa Việt Nam hình thành và ông đã tìm cách để tham gia lớp học này. Nhờ tính kiên trì và năng khiếu bẩm sinh, sau năm 1975, ông được Bộ Văn hóa phân công về xây dựng lại Đoàn Văn công Chăm Thuận Hải.

Chính ở đất Tam Phan (Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết) này, ông có nhiều điều kiện và cơ hội phát huy tài năng. Ông đã tích cực hoạt động trên cả bốn chuyên ngành của nghệ thuật múa: biểu diễn, giảng dạy, nghiên cứu lý luận và sáng tác.

Với niềm đam mê và sức sáng tạo mạnh mẽ dành cho múa, ông từng bước tạo dựng những bứt phá trên con đường làm nghề nhất là với múa Chăm. Ông dành hơn 10 năm để nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa nghệ thuật múa Chăm tại các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận… từng bước tích lũy các tư liệu, kiến thức nghiên cứu quý giá về nghệ thuật múa Chăm đặc sắc và độc đáo. Trong làng múa Việt Nam, nói đến nghệ thuật múa Chăm, tên tuổi được biết đến nhiều nhất chính là ông - NSND Đặng Hùng.

Ngoài lĩnh vực sáng tác, biên đạo múa, nghiên cứu lý luận, ông còn tham gia công tác tổng đạo diễn nhiều chương trình lễ hội quy mô lớn.

Trong hành trang cuộc đời mấy chục năm làm nghệ thuật, NSND Đặng Hùng đã sáng tác khoảng 300 tác phẩm múa các thể loại: múa đơn, múa đôi, múa tập thể và 4 tác phẩm kịch múa. Với tinh thần sáng tạo và định hướng sáng tác phát huy các nét đẹp đặc sắc, độc đáo của các điệu múa dân gian dân tộc, NSND Đặng Hùng đã chọn các chất liệu điệu múa dân gian của dân tộc Raglai, Cơ Ho, Khmer, Chăm để tư duy sáng tác nên những tác phẩm múa đặc biệt và ấn tượng như: Khát vọng, Quạt Chăm, Chiếc khăn Maom, kịch múa Bà Ni - Bà Chăm, kịch hát Lửa tình yêu

Tài năng thiên phú và tinh thần học hỏi, sáng tạo không ngừng nghỉ đã giúp nhiều tác phẩm múa của NSND Đặng Hùng đạt được giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Ông được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND đợt 2 và được trao Giải thưởng Nhà nước cho những tác phẩm múa nổi tiếng mà ông dàn dựng. Với những cống hiến to lớn cho nghệ thuật múa Việt Nam, NSND Đặng Hùng được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương trong thời chống Mỹ; Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ VH-TT-DL, của tỉnh Bình Thuận và TPHCM.

Trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Đặng Hùng đã tạo nên dấu ấn rất đặc biệt với nghệ thuật múa, từ bước đầu vào nghề là diễn viên múa và sau đó trở thành nhà lý luận, biên đạo múa xuất sắc hàng đầu Việt Nam.

Với phong cách sống nhiệt thành, chân phương, gần gũi, tinh thần cống hiến cho nghề luôn tận tâm, nhiệt huyết, hết lòng, nay NSND Đặng Hùng ra đi đã để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp, thân hữu và những lớp thế hệ nghệ sĩ múa tại TPHCM.

Tang lễ NSND Đặng Hùng được tổ chức tại nhà riêng trên đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh. Lễ nhập quan vào lúc 15 giờ ngày 8-5. Lễ động quan tổ chức vào 7 giờ ngày 11-5-2022, sau đó đưa đi hỏa táng tại Phúc An Viên, quận 9, TPHCM.

Tin cùng chuyên mục