Nóng tình trạng tranh chấp đất rừng ở Tây Nguyên

Tranh chấp đất dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại và thậm chí xung đột giữa người dân và chủ rừng. Đây đang là thực trạng diễn ra ở nhiều dự án lâm nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên. 
Vườn điều của gia đình chị Loan (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) bị kẻ xấu cưa hạ. Ảnh: MAI CƯỜNG
Vườn điều của gia đình chị Loan (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) bị kẻ xấu cưa hạ. Ảnh: MAI CƯỜNG

Tranh chấp dai dẳng

Mùa khô Tây Nguyên, con đường đất đỏ dẫn vào tiểu khu 1525 (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) bụi mù mịt. Gặp chị Thị Loan (37 tuổi) cùng chồng đang gom, dọn hàng trăm cây điều bị kẻ xấu phá hoại, chị Loan cho biết, từ đầu Tết Nguyên đán 2022 đến nay, kẻ xấu đã nhiều lần vào vườn cưa phá hơn 140 cây điều của gia đình chị. Số điều trên được 6 năm tuổi và đang chuẩn bị cho thu hoạch, thiệt hại đến hơn 100 triệu đồng. Theo chị Loan, vườn cây của gia đình chị bị phá nhiều năm nay, chị đã nhiều lần báo chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa tìm ra thủ phạm. 

Không riêng chị Loan, tại tiểu khu 1525 có rất nhiều trường hợp bị phá hoại vườn cây như chị. Hành vi của đối tượng là cưa cây hoặc phun thuốc diệt cỏ để phá hoại. Mới đây nhất, người dân đã bắt quả tang một đối tượng đang dùng thuốc diệt cỏ phun lên gần 2ha cà phê và điều nhằm mục đích phá hoại. 

Dẫn chúng tôi ra rẫy cà phê bị cháy lá xơ xác, chị Vàng Thị Xua (trú bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo) kể, ngày 27-2, khi ra khi thăm rẫy ở tiểu khu 1525 thì chị phát hiện vườn điều và cà phê của gia đình bị héo rũ. Nghi bị kẻ xấu phá hoại, tối 28-2, gia đình chị Xua cùng hàng xóm “mật phục” thì bắt được đối tượng T.V.T. đang xịt thuốc cỏ lên vườn cây nhà chị. Đối tượng T. khai nhận được một người trả công 500.000 đồng để xịt thuốc vào vườn cây của chị Xua. Sau đó, chị Xua đã bàn giao T. cùng bằng chứng cho cơ quan công an. 

Không chỉ bị phá hoại vườn cây, nhiều người còn bị kẻ xấu hành hung khi ở lại trong rẫy một mình. Như trường hợp của ông Lộ Văn Phải có đất canh tác tại tiểu khu 1525. Trong quá trình canh tác ở lại rẫy, ông Phải đã nhiều lần bị các đối tượng lạ mặt tới đe dọa, hành hung, đốt chòi rẫy.

Tại Gia Lai, tình trạng đất lâm nghiệp bị lấn chiếm cũng diễn ra nhiều nơi. Khi cơ quan chức năng đi thu hồi thì xảy ra mâu thuẫn, xung đột với người dân. Điển hình, cuối tháng 6-2021, lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (huyện Ia Grai) bị người dân hành hung khi thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm tại tiểu khu 285 (xã Ia Bă, huyện Ia Grai). Hậu quả, ông Hồ Sỹ Cường, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Ia Grai, bị người dân vây đánh gây chấn thương sọ não.

Loay hoay tháo gỡ

Nói về nguyên nhân xảy ra các vụ tranh chấp đất rừng, ông Phạm Xuân Lam, Chủ tịch UBND xã Đắk Ngo, cho biết, tiểu khu 1525, 1538 trước đây được giao cho Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý nên phía chủ rừng đã để người dân lấn chiếm nhiều diện tích. Sau đó, UBND tỉnh đã thu hồi diện tích trên giao lại cho Công ty Hoàng Thiên và Công ty Hoàng Khang Thịnh liên kết trồng và bảo vệ rừng. “Khu vực này vẫn thuộc đất quy hoạch 3 loại rừng nhưng thực tế đã bị người dân xâm canh trái phép. Người dân cho rằng, tài sản trên đất là tài sản của họ, còn phía các công ty cho rằng tài sản đó là của công ty nên xảy ra tranh chấp”, ông Lam cho biết thêm. 

 Cũng theo ông Phạm Xuân Lam, UBND xã đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân và phía các công ty lâm nghiệp để tìm hướng tháo gỡ, tuy nhiên vẫn không có kết quả. Do đó chỉ còn cách cắt cử lực lượng theo dõi, bám sát địa bàn và thường xuyên báo cáo để có hướng xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức cho biết, đang khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp đất rừng tại tiểu khu 1525 và tiểu khu 1538. Huyện đã cử cán bộ vào tiểu khu 1525, 1538 để rà soát lại toàn bộ diện tích rừng bị lấn chiếm; xác định những diện tích bị lấn chiếm, đối tượng lấn chiếm, lấn chiếm từ khi nào, từ đó sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có hướng xử lý. Riêng Công ty Hoàng Thiên, Hoàng Khang Thịnh, UBND huyện đã mời lên làm việc và quán triệt tuyệt đối không được tự ý cưỡng chế, thu hồi đất của người dân tại khu vực. 

Còn theo đại diện lãnh đạo huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), để tránh phát sinh phức tạp về an ninh trật tự, huyện chỉ đạo các chủ rừng khi thực hiện kế hoạch thu hồi đất rừng lấn chiếm để trồng lại rừng phải có sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương. Quá trình triển khai, các chủ rừng cần chú ý những nơi không có nương rẫy của dân, không có tranh chấp thì triển khai trồng rừng trước… 

Tại Đắk Nông từng xảy ra nhiều vụ tranh chấp đất rừng giữa người dân và doanh nghiệp gây hậu quả đau thương, trong đó phải kể đến vụ tranh chấp đất rừng tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) vào cuối năm 2016. Thời điểm đó, Công ty TNHH Long Sơn đã tự ý cho nhân viên cưỡng chế đất của người dân đang canh tác, dẫn đến mâu thuẫn, xung đột. Hậu quả, một số người dân đã bắn nhân viên của công ty khiến 3 người chết, 13 người khác bị thương.

Tin cùng chuyên mục