Nông thôn mới TPHCM trên đà phát triển - Bài 3: Gỡ khó cho sản xuất lớn

Dù đạt được rất nhiều thành tựu trong chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng lãnh đạo TPHCM nhìn nhận kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố.
Nhà trồng rau hữu cơ của HTX Nhất Thống, huyện Nhà Bè. Ảnh: ĐƯỜNG LOAN
Nhà trồng rau hữu cơ của HTX Nhất Thống, huyện Nhà Bè. Ảnh: ĐƯỜNG LOAN

TPHCM tiếp tục đặt ra yêu cầu nâng chất xây dựng NTM để những đổi thay trên các vùng đất này thực sự bền vững, làm cho cuộc sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc hơn. 

Khó khăn mở rộng quy mô 

 Dưới trại nấm lợp bằng mái lá, ông Trần Văn Tấn (chủ trại nấm Nghĩa Nhân, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) hỏi cặn kẽ anh cán bộ xã về quy định xây dựng nhà màng sản xuất nấm. Ông Tấn cứ dặn dò mãi: “Mấy anh ráng kiến nghị cho tụi tui nha, ít nhất cũng phải được lợp mái tôn, vách thì không có cũng được nhưng phải có cột sắt như vầy nè. Mình càng làm càng muốn phát triển lên, mà xây dựng khó khăn như vậy khác nào bị “siết cổ” không lớn lên được”. 

Việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp là khó khăn chung mà nông dân và lãnh đạo các địa phương đã nhiều năm kiến nghị. Tới nay, Củ Chi và Cần Giờ là hai địa phương được thí điểm xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp. Những lo ngại về tình trạng các công trình biến tướng thành nhà ở, dẫn tới xây dựng nhà cửa kiên cố tràn lan trên đất nông nghiệp, khiến cho người nông dân thực sự có nhu cầu mở rộng sản xuất gặp khó trong thời gian dài. 

Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu chia sẻ, làm nhà sơ chế, nhà màng phục vụ sản xuất nông nghiệp là việc cấp bách mà các vùng sản xuất đều cần tới. Ông đã nhiều lần kiến nghị cho huyện Nhà Bè được thí điểm xây dựng các công trình này, cam kết rằng các công trình sẽ chỉ phục vụ sản xuất và không biến tướng thành nhà ở. Thực tế ở huyện Nhà Bè, việc làm các nhà sơ chế, đông lạnh, đóng gói để phục vụ quy trình sau sản xuất nông nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn. Như HTX Hiệp Thành, muốn có nhà sơ chế, đóng gói, nhưng nhà sơ chế, đóng gói không thể xây dựng được trên đất nông nghiệp. Một doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trồng rau hữu cơ rất tốt, sản lượng nhiều và ra tới đâu tiêu thụ tới đó, nhưng không có nhà mát để giữ nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. 

Muốn sản xuất lớn, ngoài việc tạo điều kiện cho người dân xây dựng các công trình phụ trợ thì mở rộng đất sản xuất cũng là một cái khó. Bà Lê Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết, một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn trong việc tích tụ và tập trung ruộng đất. Nay có nhu cầu thuê đất nông nghiệp do các cơ quan, doanh nghiệp thành phố quản lý để đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu, nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ. Nhiều hộ sản xuất không xin được chứng nhận VietGAP do không quy hoạch vùng sản xuất. 

Ở huyện Nhà Bè, nuôi tôm đang là nghề mang lại thu nhập tốt cho người dân. Nhưng một diện tích nuôi tôm lớn của HTX Hiệp Thành lại nằm trong quy hoạch Khu công nghiệp Hiệp Phước đã được thu hồi đất. Do không có quy hoạch vùng sản xuất nên sản phẩm không đăng ký được VietGAP, mất đi khả năng cạnh tranh trên thị trường. Huyện đã bàn bạc cùng Sở NN-PTNT, làm việc với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thỏa thuận khi chưa triển khai dự án thì huyện sẽ sản xuất nông nghiệp trên phần đất này từ 2017-2020. Nhờ vậy mà con tôm của Nhà Bè mới được đăng ký VietGAP. Khi hết thời hạn nói trên, huyện sẽ tiếp tục làm việc để gia hạn. 

Đối với việc vay vốn sản xuất để được hỗ trợ lãi vay theo Quyết định 655, một số nông dân phản ánh rằng khó tiếp cận. Ông Trần Văn Tấn (huyện Nhà Bè) cho rằng, một số điều kiện đặt ra như phải có giấy phép xây dựng, mà trên đất nông nghiệp thì không thể có giấy phép xây dựng, nên tiếp cận vốn còn khó.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch HĐQT HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ) nêu một thực tế khác: “Ngân hàng định giá đất nông nghiệp quá thấp. Đất mặt tiền trong khi giá thị trường trên 2 triệu đồng/m2 thì ngân hàng định giá 90.000 đồng/m². Với mức định giá này, nếu chẳng may có rủi ro trong sản xuất thì người dân hầu như chắc chắn sẽ mất sổ đỏ! Những khó khăn này cần được tháo gỡ triệt để, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất”. 

Nâng chất thu nhập, giải quyết môi trường

 Đáng chú ý trên các địa bàn NTM hiện nay là vấn đề môi trường. Tình trạng rác thải sinh hoạt, sản xuất chưa được thu gom, xử lý; cộng với ý thức của một số người dân còn chưa cao nên rác thải vẫn là việc cần chú trọng trong thời gian tới. “Ưu tiên trước hết là sản xuất, gắn với hoàn thiện hạ tầng và môi trường. Trong đó, hạ tầng thì có thể bỏ tiền ra đầu tư, còn môi trường phải cần thời gian, “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao ý thức người dân”, Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu chia sẻ. 

Quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cần Giờ chưa hoàn thành tiêu chí môi trường do chưa có chỗ xử lý rác. Xã An Thới Đông chưa đạt NTM do chưa hoàn thành tiêu chí giáo dục và tiêu chí thủy lợi, do hệ thống thủy lợi liên xã chưa thực hiện được. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho hay, huyện cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí và đã trình hồ sơ để UBND TPHCM công nhận huyện NTM. Vấn đề rác thải, thủy lợi đã được giải quyết cơ bản. Trường Tiểu học An Thới Đông vẫn đang dạy học bình thường, nhưng cơ sở vật chất đã cũ nên không được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đầu năm 2020, trường được cấp vốn sửa chữa mới, đầu tư trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia.

Tuy nhiên, ông Lê Minh Dũng cũng lo lắng, tiêu chí thu nhập trên địa bàn huyện đạt, nhưng con số chỉ xấp xỉ hơn ngưỡng tiêu chuẩn một chút. Trong giai đoạn nâng chất tiếp theo, UBND huyện sẽ rớt tiêu chí thu nhập do người dân chỉ sống bằng sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống, khai thác thủy sản và nuôi trồng còn bấp bênh. Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Để phát triển bền vững, huyện Cần Giờ cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Nhưng để doanh nghiệp đầu tư, đòi hỏi phải có hệ thống giao thông hoàn thiện. Đó là, nâng cấp lại tuyến đường Rừng Sác, xây cầu Cần Giờ nối với huyện Nhà Bè để không còn phụ thuộc vào phà Bình Khánh, sớm hoàn thiện khu nông nghiệp công nghệ cao chuyên lĩnh vực thủy sản hơn 80ha và khu đô thị biển để phát triển du lịch. Hiện nay, vẫn còn 2/5 huyện chưa đạt chuẩn NTM là Cần Giờ và Bình Chánh. Trong đó, huyện Bình Chánh vẫn đặt mục tiêu phấn đấu được công nhận đạt chuẩn NTM vào quý 4-2020. 

Đánh giá lại 10 năm xây dựng NTM, TPHCM đã nhìn nhận kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi. Tình hình an ninh, trật tự xã hội tại các xã vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, chưa thực sự bền vững... Những hạn chế này, cần được khắc phục triệt để, giúp đời sống người dân vùng nông thôn TPHCM từng bước đi lên, phát triển bền vững.

Giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu giá trị sản xuất trên ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 110 triệu đồng/người/năm (gấp trên 1,8 lần so với năm 2020); tỷ lệ hộ nông dân tham gia trở thành thành viên HTX nông nghiệp tối thiểu đạt 20%, trên tổng số hộ nông dân thành phố; 80% HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp xếp loại từ khá trở lên.

Bên cạnh đó, là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; chú trọng đến các mô hình du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, đẩy mạnh phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với các khu du lịch, tuyến điểm dừng chân...

Tin cùng chuyên mục