Nông thôn mới ở Sóc Trăng

Từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh Sóc Trăng đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, nguồn ngân sách gần 450 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án trên 2.000 tỷ đồng,...
Tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân Sóc Trăng. Ảnh: TUẤN QUANG
Tham quan mô hình kinh tế hiệu quả của nông dân Sóc Trăng. Ảnh: TUẤN QUANG

Là một địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số; điều kiện kinh tế, hạ tầng còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở tỉnh Sóc Trăng có nhiều đổi mới tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Áp dụng sản xuất tiên tiến

Gia đình có 2.500m² hoa màu, ông Chung Kim Hoàng (61 tuổi, dân tộc Khmer, ấp Đại Ân, xã Đại Tâm) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới khép kín, kết hợp tưới tiêu tự động. Nhờ đó, ông có thể giảm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu hơn 30%, tăng năng suất trên 20%. “Trừ đi các chi phí, bình quân mỗi năm gia đình thu về khoảng 100 triệu đồng, hơn trước đây nhiều lần”, ông Hoàng phấn khởi.

Việc chủ động áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, an toàn không còn xa lạ với bà con nông dân Sóc Trăng. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau màu sạch bằng hệ thống nhà lưới tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên bước đầu cho những kết quả tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân.

Ngoài ra, hiện nay Sóc Trăng có 125 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, với 8.191 thành viên, hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX. Đồng thời triển khai thí điểm 15 mô hình HTX kiểu mới, chú trọng đưa cán bộ trẻ về làm việc có thời hạn tại đây. Nhờ đó, nhiều HTX hoạt động ổn định, phát huy tính liên kết của mô hình, giúp tăng thu nhập cho các thành viên.

Chị Lư Tú Linh, dân tộc Hoa, thành viên HTX Bò sữa Đại Tâm (Mỹ Xuyên), cho biết, gia đình chị có 14 con bò sữa, mỗi ngày lượng sữa thu được trung bình 35kg. Với giá HTX bao tiêu bình quân khoảng 14.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình chị lãi hơn 10 triệu đồng/tháng.

 Năm 2018, Sóc Trăng đầu tư từ ngân sách nhà nước vào Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới hơn 142,8 tỷ đồng, đã thực hiện hoàn thành 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 32/80 xã.

Cũng trong năm 2018, có 11.440 hộ thoát nghèo, giảm số hộ nghèo trong toàn tỉnh xuống chỉ còn 8,4%. Trong đó, hộ dân tộc Khmer nghèo giảm 4,79%, hộ dân tộc Hoa nghèo giảm 2,5% so với năm 2017, tổng số hộ cận nghèo giảm xuống còn 38.401 hộ (chiếm 11,87%).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương trong năm 2018 đạt 7,2%, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt 37,5 triệu đồng (tăng 3,2 triệu đồng, đạt 109,33% chỉ tiêu). Sản xuất nông nghiệp có nhiều bước phát triển, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến theo hướng an toàn sinh học được áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sóc Trăng cũng xây dựng thành công nhiều nhãn hiệu nông sản mang tính đặc thù, tiêu biểu như “Gạo ST24” lọt vào tốp 3 gạo ngon nhất thế giới...

Nâng cấp cơ sở hạ tầng

Hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng được đầu tư và cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có 108/109 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm, hơn 59% các tuyến đường ấp và liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn.

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 3 năm qua, Sóc Trăng huy động vốn từ nhân dân trên 417 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng nông thôn. Tiêu biểu như mô hình “Nhịp cầu yêu thương” được triển khai rộng khắp tỉnh, với gần 300 cây cầu bê tông (rộng 2m - 3m) được xây dựng, trị giá hàng trăm tỷ đồng đều do mạnh thường quân, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp.

Đến nay Sóc Trăng có 109/109 xã, phường, thị trấn có trạm y tế (trong đó có 100/109 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 97/109 trạm y tế có bác sĩ). Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,73%, người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%. Công tác phát triển giáo dục được quan tâm, với tổng số học sinh huy động ra lớp năm học 2018-2019 là 269.108 em, đạt 99,43%. Đến nay toàn tỉnh có 267/523 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm hơn 51%.

Sóc Trăng còn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Đại đức Kim Hoàng Hưng, trụ trì Chùa Sà-Lôn (còn gọi là Chùa Chén Kiểu), cho biết, với sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, đời sống vật chất và tinh thần của bà con Phật tử tại các vùng nông thôn đã khá hơn rất nhiều, đường sá được mở rộng, chùa chiền được sửa sang sạch đẹp, con em được đi học đầy đủ.

Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết, thành công trong công tác xây dựng Nông thôn mới là nhờ sự nỗ lực, đồng lòng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà. Trong đó, xác định nhận thức đúng là tiền đề, vai trò của người nông dân là chủ thể, cán bộ tâm huyết là quyết định, gắn với quá trình xây dựng lâu dài, liên tục để đạt đến mục đích nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh Sóc Trăng đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Trong đó, nguồn ngân sách gần 450 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình dự án trên 2.000 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 2.532 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp trên 505 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân đạt trên 417 tỷ đồng. Tính đến năm 2018, Sóc Trăng có 32/80 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm tỷ lệ 40%), có 18 xã đạt 15 - 18 tiêu chí (chiếm 22,5%, đạt 90% tiêu chí) và xã đạt thấp nhất là 9 tiêu chí.

Tin cùng chuyên mục