Nông nghiệp hữu cơ hút hàng

Sản xuất nông sản hữu cơ là giải pháp phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ sở vững chắc để tạo nguồn thu cao, ổn định cho người nông dân. Trên thực tế, mô hình sản xuất sạch này đã được áp dụng thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tại xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. 
Cánh đồng lúa tại xã Mỹ Lộc đang được người dân canh tác theo phương thức hữu cơ
Cánh đồng lúa tại xã Mỹ Lộc đang được người dân canh tác theo phương thức hữu cơ

Tăng lợi nhuận nhờ sản phẩm hữu cơ

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết, Mỹ Lộc là xã nông thôn có diện tích tự nhiên 2.006ha với 8.000 dân. Toàn xã có 1.202ha ruộng, 338ha vườn, với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, tập trung sản xuất lúa là chính. Năm 2016, dưới sự hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện Tam Bình, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện và hệ thống phân phối Saigon Co.op, nhiều gia đình tại đây đã liên kết, thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến.

Theo đó, Ban vận động Dự án Lúa gạo sạch xã Mỹ Lộc được thành lập, bước đầu thực hiện sản xuất gạo hữu cơ trên 31ha và sau đó nhân rộng lên 45ha. Đại diện thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến cho biết, khó có thể kể hết những khó khăn khi mới triển khai chương trình. Đơn cử như nông dân có trình độ hạn chế nên khó tiếp thu kỹ thuật. Nhiều hộ không tuân thủ quy định ghi chép sổ tay. Nhiều nông dân quen sử dụng phân hóa học độc hại nên từ chối áp dụng quy trình sản xuất gạo hữu cơ. Kênh rạch nhỏ, khó vận chuyển thành phẩm. Đặc biệt, giá lúa thu mua không ổn định nên xảy ra tình trạng nông dân tranh giành hợp đồng tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, lúa gạo Thái Lan đang xâm nhập mạnh vào thị trường nội địa gây khó cho đầu ra sản phẩm của xã…

Tuy nhiên, không nản lòng, ban chỉ đạo chương trình đã nỗ lực đến từng gia đình thuyết phục, động viên kết hợp hướng dẫn tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ. Mặt khác, làm việc với hệ thống Saigon Co.op để đảm bảo ổn định giá thành và đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, sau 3 năm triển khai và duy trì mô hình hợp tác xã sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc, đã mang lại nhiều kết quả tích cực (từ hiệu quả kinh tế đến hiệu quả xã hội và hiệu quả về môi trường thổ nhưỡng). Cụ thể, năng suất bình quân đạt từ gần 4 tấn/ha trong vụ hè thu 2016 tăng lên hơn 6 tấn/ha vụ đông xuân 2017 và 2018. Thu nhập của các hộ nông dân cũng được cải thiện. Năm 2017, lợi nhuận ước tính hơn 40 triệu đồng/ha/năm/2 vụ (so với năm 2016 chỉ đạt hơn 20 triệu đồng/ha/năm/vụ). 

Nhân rộng sản xuất sạch, ổn định đầu ra 

Tại cuộc họp tổng kết 3 năm mô hình hợp tác xã sản xuất lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Mỹ Lộc, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, tác động tích cực nhất của chương trình chính là đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và tập quán canh tác từ sản xuất sử dụng phân hóa học sang sử dụng phân sinh học có lợi cho môi trường. Các cánh đồng sản xuất lúa gạo sạch đã xuất hiện tôm, cua, cá sinh sôi; sức khỏe của người nông dân cũng được cải thiện sau khi không còn dùng thuốc trừ sâu hóa học. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để có được kết quả tích cực như vậy, bên cạnh việc nỗ lực cải tiến cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững của tỉnh Vĩnh Long và tâm huyết của các xã viên, còn có vai trò rất quan trọng của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM trong việc sớm chủ động tham gia cố vấn tiêu chuẩn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong diện tích lúa sạch của chương trình.

Không chỉ vậy, tại cuộc họp, về phía đại diện Saigon Co.op cũng cam kết điều chỉnh thu mua theo hướng có lợi nhất để đảm bảo lợi nhuận, cũng như chia sẻ lợi nhuận để người trồng yên tâm sản xuất. Hiện ước tính giá thu mua lúa tươi sạch theo hướng hữu cơ của Saigon Co.op luôn đảm bảo cao hơn thị trường 40%. Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, Co.op Food đã tham gia tiêu thụ 2 dòng sản phẩm của dự án sản xuất lúa gạo sạch là gạo Jasmine từ tháng 9-2016 và dòng gạo Hương Xuân từ tháng 8-2018 với bao bì quy cách đóng gói đẹp 2kg, có sức tiêu thụ trung bình gần 20 tấn lúa gạo sạch hướng hữu cơ của dự án mỗi tháng.

Có thể thấy, việc hướng đến nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững và loại bỏ bớt các khâu trung gian sẽ tạo cơ sở bền vững để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Mặt khác, tạo nguồn cung ứng sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất.

Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, để có thể phát huy và nhân rộng mô hình hiệu quả này trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và Sở NN-PTNT của tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh với hệ thống Saigon Co.op. Song song đó, hệ thống Saigon Co.op đã ký thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao khả năng quản trị và vai trò điều hành của hợp tác xã, tuyên truyền vận động các hợp tác xã kiên định duy trì và mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ; tăng cường cơ giới hóa và xây dựng nhiều dịch vụ như sản xuất nấm rơm, thanh long, thủy sản… để tăng thu nhập cho xã viên.

Tin cùng chuyên mục