“Nóng” hay “lạnh”?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18-8 đã thông báo hoãn các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Thông tin này không gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vậy tương lai nào cho quan hệ Mỹ - Trung?
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thành phố Yuma, bang Arizona hôm 18-8
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại thành phố Yuma, bang Arizona hôm 18-8

Hai quốc gia sẽ bước vào “chiến tranh nóng” hay vẫn giữ ở “chiến tranh lạnh”? Để dự báo các hành động tiếp theo của các bên, chúng ta phải bắt đầu từ chính sách về Trung Quốc của Mỹ.

Ngày 20-5-2020, Nhà Trắng đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Cách tiếp cận chiến lược của Mỹ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Đây là một bản tóm tắt sơ lược những chiến lược đối phó với Trung Quốc của chính quyền Mỹ trong những năm qua, và cũng là lời tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về chính sách đối với Trung Quốc trong nỗ lực tái đắc cử. Báo cáo này đã nêu rõ những lý do khiến Mỹ thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc, đồng thời cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đang sử dụng những khả năng mà họ đã nỗ lực phát triển suốt 40 năm qua để đe dọa nền kinh tế, các giá trị và an ninh quốc gia của Mỹ và phương Tây. Do đó, Mỹ phải thực hiện cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Như vậy, giai đoạn “trăng mật” của quan hệ Trung - Mỹ đã chính thức kết thúc. Với mối quan hệ song phương bị xáo trộn, khả năng quan hệ Trung - Mỹ quay trở lại bình thường như trước là rất khó, sau những gì hai bên đã làm với nhau.

Trong giai đoạn chính trị hiện nay, sức ép trong nước tác động tới cả Bắc Kinh lẫn Washington đang khiến cho việc quản lý khủng hoảng trở nên càng khó khăn hơn. Tại Trung Quốc, nơi nền kinh tế vốn đã chậm lại, tác động tiếp diễn của cuộc chiến thương mại và giờ đây là cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gây hậu quả nặng nề. 

Chính trị trong nước cũng đang thúc đẩy chính sách của Mỹ. Với việc tranh cử sẽ đến trong 3 tháng nữa, Trung Quốc chưa bao giờ có vai trò trung tâm đến vậy trong cuộc đua này. Yếu tố Trung Quốc hiện đang định hình các hoạt động chính trị liên quan đến bầu cử tổng thống trên khắp các vấn đề tranh cử chủ chốt, trong đó có nguồn gốc của Covid-19 và phản ứng của Mỹ. Tính đến nay đã có gần 170.000 người Mỹ tử vong do Covid-19; một cuộc khủng hoảng kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp 14,7%, số vụ phá sản tăng 43% và mức nợ công khổng lồ; chưa kể ảnh hưởng tới tương lai vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu.

Các bất đồng sẽ còn tiếp tục trở nên trầm trọng trong vài tháng sắp tới. Khả năng Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép toàn diện và nhắm mục tiêu cụ thể vào các ngành công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt là các công nghệ lưỡng dụng, và sự tách rời trong lĩnh vực thương mại và đầu tư sẽ gia tăng. Chặng đường phía trước sẽ đầy bất trắc với những tranh cãi thường xuyên về sự quản trị trong nước của Trung Quốc, những vướng mắc về chính trị liên quan đến Hồng Công, Đài Loan và cả Biển Đông.

Ngoài ra, sự đối đầu Trung - Mỹ trên vũ đài quốc tế sẽ ngày càng dữ dội, với việc cả hai quốc gia tích cực tìm kiếm sự ủng hộ từ các đồng minh của mình.

Mỹ sẽ kết hợp với những đồng minh lâu đời của họ, như châu Âu, Australia và Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc. Họ cũng sẽ lợi dụng đại dịch Covid-19 để giành được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển có thái độ tương đối trung lập như Ấn Độ và Brazil, và một phần trong các liên minh lâu đời của Trung Quốc với các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Dưới danh nghĩa xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh, Trung Quốc sẽ tăng cường thương mại và đề nghị giúp đỡ từ các quốc gia tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” nhằm chống lại hoạt động gây sức ép, kiềm chế của Mỹ và các đồng minh. Cả Washington và Bắc Kinh thực chất đều không muốn một cuộc xung đột quân sự, vì cả hai bên hiểu rằng chiến tranh sẽ biến thành thảm họa. Tuy nhiên, hai quốc gia cũng có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột nếu tình hình vượt mức kiểm soát.

Tin cùng chuyên mục