Nông dân thông minh

Những gì mắt thấy, tai nghe khiến mấy chị phụ nữ cứ nằng nặc xin vô cho bằng được.

Quan niệm nông dân Việt Nam bao đời nay không bước qua được lời nguyền “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “dãi nắng dầm sương”; nhưng rồi bữa nọ xuống thăm mô hình canh tác lúa lý tưởng trên cánh đồng Mỹ Đông, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), chúng tôi đã chứng kiến một sự thay đổi của những nông dân chất phác.

Có thể nói đó là mô hình theo hướng nông nghiệp thông minh đầu tiên của quê hương có sự dẫn dắt của nhà đầu tư, cũng là nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nhìn cánh đồng lúa mới được cấy theo phương pháp “3 trong 1” - vừa cấy, vừa vùi phân, vừa điều tiết nước tự động bằng chiếc điện thoại thông minh thật thú vị. Hôm đó, nhà đầu tư đang ở Singapore nhưng vẫn điều khiển bơm tưới tự động cho cánh đồng ở Đồng Tháp, Việt Nam, khiến bà con rất phấn khích, trầm trồ: “Mần ruộng mấy chục năm rồi nhưng đây là vụ mùa nhàn rỗi nhất, vì nhiều khâu trong quy trình sản xuất đều được tự động hóa bằng công nghệ thông minh!”. Những gì mắt thấy, tai nghe khiến mấy chị phụ nữ ở ngoài mô hình cứ nằng nặc xin vô cho bằng được.

Có lần nhà đầu tư tâm sự: Cần làm sao để chứng minh cho bà con mình thấy được, bằng cách áp dụng công nghệ thông minh thì nghề nông sẽ bớt đi vất vả mà vẫn làm giàu. Khi ấy, nông dân sẽ có thời gian nhàn rỗi để làm thêm ngành nghề khác, đi thăm thú nơi này nơi kia để nắm bắt thông tin, hoặc đọc thêm một quyển sách, coi thêm vài đoạn phim. Nông dân sẽ thấy mình thông minh hơn, giàu kiến thức hơn. Trong nhiều trường hợp, kiến thức đã biến thành của cải vật chất. Làm nông mà ngày đêm chỉ quanh quẩn ruộng đồng, không khéo lại mụ mẫm, tự trói mình trong cách nghĩ, cách làm cũ kỹ.

Một anh nông dân, người chủ lực tham gia mô hình, trầm ngâm: “Cách làm này hiệu quả rồi đó, nhưng giờ làm sao để mở rộng cho nhiều bà con thấy được lợi ích để tham gia. Khi đó mới có lượng hàng hóa đủ lớn để liên kết với doanh nghiệp, để tham gia thị trường. Chứ cứ mỗi người một mảnh ruộng nhỏ, phải bán qua thương lái thôi, mà mỗi tầng nấc trung gian là lợi nhuận bị giảm xuống”. Anh đề nghị làm sao nơi đây có một hội quán để tập hợp bà con lại, rồi “nói cho nhau nghe và nghe nhau nói”, để cùng nhau phân tích coi nên làm theo cách người ta gọi là “nông nghiệp thông minh” như vầy, hay vẫn “tay lấm, chân bùn”? Khi ấy chắc chắn bà con sẽ thay đổi!

Suy nghĩ vẩn vơ, hay đặt tên là “Thuận tâm hội quán” - hội quán của những nông dân thông minh cho nền nông nghiệp thông minh. Thôi, hội quán của bà con thì cứ để bà con quyết định cái tên tâm đắc nhất, nhưng dù là tên gì thì cũng đã thấy thấp thoáng bóng dáng của những nông dân thông minh trên cánh đồng thông minh. “Thông minh” là biết và dám từ bỏ cách nghĩ cũ, cách làm bao đời; là biết sản xuất quy mô lớn thì có lợi hơn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; là biết hợp tác cùng nhau trên con đường làm giàu; là không thể quan niệm “lấy cần cù, bù thông minh” trong thời buổi khoa học công nghệ mới là yếu tố quyết định sự giàu có!

Đi thăm cánh đồng, đứng trên con đường do một lão nông tự nguyện hiến 2 công đất, lòng dạt dào cảm xúc. Cốt cách của nông dân mình bao đời nay là vậy, thấy việc đúng là làm, việc nghĩa là làm, không so đo thiệt hơn. Trong kháng chiến, bà con còn hiến cả sức người, cả nhà cửa, vườn tược để nuôi quân, có vậy mới có độc lập ngày hôm nay. Và hôm nay, bà con lại tiếp tục cống hiến cho cuộc kháng chiến mới - cuộc chiến không phải giành lấy độc lập nữa, mà giành lấy sự giàu có, thịnh vượng! 

Tất nhiên, đây mới chỉ là mô hình nhỏ thôi, chỉ mới vài bước đi đầu tiên tiến vào nền nông nghiệp thông minh thôi. Nhưng có bắt đầu đi thì mới có lúc đến đích. Cái đích đó xa hay gần là do mình. Mình ở đây là những “nông dân thông minh” và cả một “hệ thống thông minh” nữa.

Tin cùng chuyên mục