Nông dân thờ ơ với thanh long VietGAP

Với diện tích trên 33.700ha, sản lượng hàng năm trên 700.000 tấn, tỉnh Bình Thuận được xem là thủ phủ thanh long của Việt Nam. Năm 2009, với mục đích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, chương trình sản xuất thanh long theo hướng VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được triển khai tại địa phương.
Sản xuất thanh long VietGAP tại Bình Thuận
Sản xuất thanh long VietGAP tại Bình Thuận

Sau hơn 10 năm nỗ lực triển khai, do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết nên hiện tại, đa số nông dân địa phương chưa muốn chuyển sang sản xuất loại trái cây này theo phương thức trên.

Nhiều nông dân từng tham gia làm thanh long VietGAP ở tỉnh Bình Thuận cho rằng, để được tham gia mô hình VietGAP, nông dân phải trải qua các đợt tập huấn do cơ quan chức năng tổ chức. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải ghi chép nhật ký cẩn thận từng công đoạn; việc sử dụng phân, phun thuốc phải tuân thủ theo đúng quy trình. Tốn công, tốn sức để làm ra trái thanh long sạch, nhưng đến khi thu hoạch thì không có doanh nghiệp nào thu mua, giá bán thì không khác gì thanh long thường, quy trình thực hiện cấp chứng nhận chưa thật chặt chẽ đang khiến nhiều hộ dân thờ ơ, không còn mặn mà với hình thức sản xuất này.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cũng thừa nhận, hiện nay chỉ một số ít diện tích thanh long VietGAP của một số doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận đã có sẵn đầu ra, còn lại hầu hết thanh long theo hướng an toàn của người dân vẫn đang phụ thuộc vào thương lái. 

Trong lúc vấn đề mấu chốt khiến người dân không còn mặn mà với thanh long VietGAP là giá cả và đầu ra vẫn chưa có hướng giải quyết, thì diện tích cấp mới và tái cấp theo mô hình này vẫn không ngừng tăng lên. Theo kế hoạch, năm 2020 địa phương sẽ cấp mới 300ha diện tích thanh long VietGAP cho người dân, nhưng đến cuối năm đã vượt lên đến hơn 500ha; diện tích tái cấp cũng đạt hơn 1.800ha. Một số chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và công thương cho rằng, việc phát triển thanh long VietGAP tại tỉnh Bình Thuận dường như đang quá đặt nặng về chỉ tiêu, mang tính hình thức là chính. Để chương trình sản xuất thanh long VietGAP thực sự mang lại hiệu quả, địa phương cần có giải pháp cụ thể, đặc biệt là vấn đề giá và đầu ra cho sản phẩm để tạo sự khác biệt, không đánh đồng với sản phẩm thanh long thường. Một khi thấy được hiệu quả, lợi ích kinh tế thì người dân sẽ tin tưởng và tâm huyết tham gia, chứ không phải làm cho có như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục