Nông dân lại khổ vì chanh dây ít quả

Nhiều nông dân tại Gia Lai, Kon Tum bị thiệt hại nặng do chanh dây (chanh leo) trồng lên rất ít quả, thậm chí mua giống này, trồng lên thì cây cho quả màu khác.

Nhiều người dân Kon Tum, Gia Lai phản ánh mua giống chanh dây kém chất lượng khiến họ thua lỗ. Vườn chanh dây 1.000 gốc (tương đương 1ha) của gia đình chị Vũ Thị Nhung (thôn Kon Gung, xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) được trồng từ tháng 7-2019, hiện đã cho thu hoạch. Nhìn bên ngoài, vườn chanh dây xanh tốt nhưng quả thì lưa thưa.
Vườn chanh dây của chị Nhung

Chị Nhung buồn rầu kể, vào tháng 7-2019, gia đình chị mua 1.000 giống chanh dây với giá mỗi cây là 32.000 đồng. Ban đầu, người bán giới thiệu giống này rất tốt, cây giống được trồng tại Việt Nam, còn mắt ghép được nhập từ Đài Loan. Lúc mới mang ra ươm, cây bị bệnh, vàng lá và chết thì người bán đến kiểm tra rồi bán thuốc phun.

Sau đó, thấy cây có hiện tượng xoắn ngọn, chị gọi cho nhân viên bán giống thì không thấy đến nữa. Đến khi cây cho quả thì quả chỉ ra lèo tèo và nhỏ, không đạt yêu cầu. Chị cố gắng thu hái nhiều đợt chỉ bán được 30 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư vườn này là 200 triệu đồng.

Theo chị Nhung, ngoài vườn chanh dây 1ha tại thôn Kon Gung nói trên, gia đình chị cũng vừa nhổ bỏ 8 sào trồng 800 gốc cây chanh dây khác vì không có quả. Chị nhung cho rằng gia đình tuân thủ kỹ thuật trồng nên việc chanh dây ít quả là do giống không đảm bảo.

Chung tình cảnh, một số hộ dân ở Gia Lai cũng mua phải giống chanh dây không đảm bảo, thậm chí mua giống này nhưng ra quả lại là giống màu khác.

Anh Lê Văn Hùng (thôn Dư Keo, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) cho biết, anh và một người thân mua 6 thùng với 612 cây chanh dây, giá mỗi cây 30.000 đồng. Người bán nói đây là giống chanh dây quả tím, giống thực sinh (cây trồng bằng hạt), phát triển rất mạnh. Đến mùa thu hoạch mới phát hiện giống chanh dây mình đang trồng không phải chanh dây tím mà là chanh dây vàng. Loại quả này rất khó bán, bán không ai mua, hoặc may mắn chỉ mua bằng nửa giá chanh dây tím. Sợ chăm tốn công, lỗ vốn nên anh nhổ bỏ hết vườn cây.

Theo anh Hùng, chi phí anh đầu tư vào vườn cây mất khoảng 50 triệu đồng, chưa tính công cán. Lúc mới phát hiện cây có vấn đề, anh có liên lạc người bán thì nhận được lời hứa sẽ vào kiểm tra nhưng mãi không thấy người đâu.

Tình trạng dân phản ánh mua phải giống chanh dây giả  từng diễn ra trước đây. Báo SGGP Online có nhiều bài viết phản ánh nông dân mua phải giống chanh dây kém chất lượng, dẫn đến quả ít, thua lỗ nặng nề.

Được biết, vào ngày 28-2, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT 5 tỉnh Tây Nguyên về việc “quản lý sản xuất, kinh doanh giống chanh leo”. Theo đó, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn theo các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả lâu năm, nhằm góp phần phát triển cây chanh leo bền vững hơn.

Liên quan đến đề nghị của Cục Trồng trọt, tại Gia Lai, ngày 23-3, Sở NN-PTNT Gia Lai có văn bản gửi Cục Trồng trọt nêu rõ, diện tích trồng chanh dây tại Gia Lai là 2.390ha, hiện chỉ có 7 đơn vị tham gia nhập khẩu giống chanh dây và 2 đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong số 2 đơn vị có Công ty CP Nafood.

“Thời vụ gieo trồng chính cây chanh dây bắt đầu vào khoảng đầu tháng 4 và tháng 5. Khi vào vụ, Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiến hành thanh kiểm tra theo đúng quy định, kết quả báo cụ thể”, văn bản của Sở NN-PTNT nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục