Nông dân ĐBSCL phá bỏ hàng ngàn héc-ta ruộng mía

Những ngày này dù đang vào vụ xuống giống mía mới năm 2020 - 2021, nhưng nhiều nông dân ĐBSCL đã bỏ hàng ngàn héc-ta ruộng mía do sản xuất không hiệu quả, thua lỗ kéo dài để chuyển sang trồng cây con khác. 

Chiều 9-4, Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh) cho biết, do ảnh hưởng hạn mặn kéo dài gây bất lợi cho cây trồng, cộng với giá cả thời gian qua không cao nên nhiều nông dân không còn mặn mà với cây mía.

Nếu như niên vụ năm 2019 - 2020, toàn huyện sản xuất hơn 2.478ha mía thì kế hoạch vụ mới 2020 - 2021 chỉ còn khoảng 1.800ha, giảm hơn 678ha. Dù diện tích mía giảm mạnh, nhưng đến nay, nông dân xuống giống lèo tèo chỉ vài trăm héc-ta, rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Nông dân ĐBSCL phá bỏ hàng ngàn héc-ta ruộng mía ảnh 1 Nông dân ĐBSCL giảm tới hàng ngàn héc-ta ruộng mía chuyển sang trồng cây khác

Tại huyện Cù Lao Dung, vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân cũng đồng loạt chia tay với cây mía do canh tác mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, thậm chí thua lỗ liên miên. Theo UBND huyện Cù Lao Dung, lúc cao điểm toàn huyện có hơn 8.500ha mía, nhưng đến năm 2020 nông dân bỏ mía ào ạt chỉ còn lại khoảng 3.900ha. Vụ mía mới 2020 - 2021, nhiều cánh đồng mía ở xứ cù lao sẽ tiếp tục thu hẹp nhường cho các loại cây trồng khác.

Nông dân ĐBSCL phá bỏ hàng ngàn héc-ta ruộng mía ảnh 2 Hàng loạt nông dân ĐBSCL phá bỏ ruộng mía
Ở Hậu Giang, nơi xuống giống mía sớm nhất khu vực ĐBSCL thì đến nay chỉ đạt khoảng 5.900ha mía; trong đó TP Ngã Bảy giảm 390ha mía so vụ trước, TP Vị Thanh giảm tới 590ha, đặc biệt là nông dân huyện Phụng Hiệp đã giảm hơn 1.260ha mía để chuyển sang trồng sầu riêng, bưởi, chanh không hạt… 

Tin cùng chuyên mục