Nóng bỏng vi phạm đất đai ở Sóc Sơn -Bài 3: Villa, khu sinh thái nằm ngay rừng phòng hộ Minh Phú

Rõ ràng việc 18 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, vi phạm trật tự xây dựng, ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm qua ở xã Minh Phú là thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền và dư luận xã hội, khi mà chủ của nhiều công trình trên lại là những cá nhân có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng”. 
Khu sinh thái, nghỉ dưỡng xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, Sóc Sơn
Khu sinh thái, nghỉ dưỡng xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, Sóc Sơn

Nếu như ở xã Minh Trí một số công trình vi phạm nằm trong khu vực chồng lấn giữa rừng phòng hộ với đất ở, vườn ao chuồng của người dân khai hoang, gây khó khăn trong việc xác định và xử lý thì tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, 18 công trình vi phạm, trong đó có nhiều villa, biệt phủ, khu sinh thái lại nằm ngay trong khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn Lâm Trường. Thậm chí, nhiều công trình nằm sát Ban quản lý Rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội. Trước những sai phạm tồn tại nhiều năm nay, chính quyền huyện Sóc Sơn và xã Minh Phú đang tập trung để xử lý dứt điểm những công trình vi phạm trong tháng 11 này.

Ngang nhiên tồn tại nhiều năm

Rời khu vực hồ Đồng Đò, chúng tôi quay ngược trở ra đường 35 để sang xã Minh Phú. Vượt qua cổng chào của Ban quản lý Rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội hơn 2km là vào địa phận của thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Gọi là thôn cho dân dã, chứ thực ra gần như toàn bộ khu vực này là những ngôi nhà vườn, homestay, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, bể bơi, vui chơi giải trí rộng hàng ngàn mét vuông, nằm dưới những tán rừng xanh mướt. 

Chia sẻ với phóng viên, bà Lành - một người dân địa phương ở thôn Lâm Trường cho biết, trước đây khu vực này chỉ toàn là rừng, nhưng nhiều năm qua, không ít đại gia, người có “máu mặt” ở Hà Nội lên đây mua lại đất vườn, đất rừng sản xuất của bà con, hoạt động mua bán chủ yếu là “tay bo” với nhau nhưng cũng có xác nhận của xã. Lúc đầu, mua được đất của bà con, họ chỉ làm cái nhà nho nhỏ, hay trang trại, vườn cây để cuối tuần về nghỉ ngơi, nhưng vài năm gần đây, họ đã bạt núi, xẻ rừng để xây các khu nghỉ dưỡng sinh thái, nhà vườn, villa, biệt thự...

Theo những tấm biển chỉ dẫn trên những con đường bê tông, hay trải nhựa phẳng lì ngang dọc khắp thôn Lâm Trường, chúng tôi không khó để bắt gặp các homestay, khu nghỉ dưỡng mang nhiều phong cách khác nhau như: Thiên Phú Lâm - Sóc Sơn, The Choai Villa Sóc Sơn, The Homie Sóc Sơn, The Moonlight, Nhà bên rừng U-LESA, Trà hoa viên Sóc Sơn... cùng với đó là nhiều nhà vườn, nhà hàng sang trọng được xây dựng nằm ngay rừng phòng hộ. Đáng lưu ý, nếu như nhiều công trình vi phạm đất rừng ở thôn Minh Tân và khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) đều đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thì trái lại, hầu hết công trình vi phạm về đất rừng tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú đều đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động, kinh doanh lâu nay, như: Thiên Phú Lâm, The Choai Villa Sóc Sơn, Bách Niên Thiên Đức hay khu nhà vườn biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh trên khu đất rộng hơn 12.000m2. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, bên trong các khu sinh thái là những công trình nhà nghỉ, bể bơi, sân tenis, nhà hàng... phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí với lượng khách không hề ít vào mỗi dịp cuối tuần. “Gọi là thôn Lâm Trường, rừng phòng hộ thôi, chứ bây giờ ở đây chẳng khác một khu dịch vụ, ăn chơi chẳng thiếu thứ gì, cứ có tiền là “xõa” thoải mái...”, một người dân ở thôn Lâm Trường cho biết.

Xử lý trong tháng 11?

Hàng ngàn hécta rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn nói chung và ở xã Minh Phú nói riêng được ví như lá phổi xanh của thủ đô, nhưng giờ đây lá phổi ấy đang bị tổn thương nghiêm trọng bởi những hoạt động tàn phá, xâm lấn, xây dựng trái phép của nhiều người. Đáng buồn và phẫn nộ hơn khi mà hầu hết công trình vi phạm rừng phòng hộ, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã Minh Phú đã tồn tại nhiều năm qua và cơ quan chức năng từ Trung ương tới thành phố Hà Nội cũng chỉ rõ nhưng vẫn không được chính quyền huyện Sóc Sơn và xã Minh Phú xử lý kiên quyết, triệt để mà còn để tái diễn với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp. 

Trước những sai phạm trên, mới đây UBND huyện Sóc Sơn đã quyết định tạm đình chỉ chức vụ trong vòng 1 tháng (kể từ ngày 1-11) đối với ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú, để ông Hân tập trung vào công việc xử lý những công trình vi phạm trên địa bàn xã Minh Phú, nhất là tại thôn Lâm Trường. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú, người được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của xã thay ông Hân trong thời gian bị đình chỉ, cho biết, xã Minh Phú có hơn 600ha rừng phòng hộ lâm nghiệp, trong đó hơn 300ha xã được giao khoán quản lý bảo vệ hàng năm. 18 công trình trên địa bàn xã đều có sai phạm và hiện nay xã đang tập trung giải quyết, xử lý theo chỉ đạo của huyện Sóc Sơn. Ông Tâm cũng cho biết, những sai phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã có liên quan tới nhiều người và trải qua một số đời lãnh đạo nên khi có kết luận của thanh tra thành phố sẽ làm rõ và xử lý trách nhiệm những người có liên quan. 

Trước việc rất nhiều khu sinh thái nghỉ dưỡng, homestay ở xã Minh Phú nằm ngay gần trụ sở của Ban quản lý Rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, thậm chí ngay dưới tấm biển của ban quản lý rừng là tấm biển của khu nghỉ dưỡng Bách Khang Niên, phóng viên Báo SGGP đã nhiều lần liên hệ làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, song bà Hằng không bắt máy. Thậm chí, ngay cả khi phóng viên tới trụ sở của ban quản lý rừng cũng không nhận được sự hợp tác từ phía bà Hằng. 

Trong khi đó, trong cuộc trao đổi ngắn với phóng viên, ông Lê Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội, cho biết, khu vực thôn Lâm Trường có diện tích rừng phòng hộ hơn 100ha, các khu sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch, hay các hoạt động trong đó đều chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép mà là tự phát, vì đây là rừng phòng hộ, không thể xây dựng nhiều công trình trên đó được. 

Rõ ràng việc 18 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, vi phạm trật tự xây dựng, ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm qua ở xã Minh Phú là thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền và dư luận xã hội, khi mà chủ của nhiều công trình trên lại là những cá nhân có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng”. Trước thực tế này, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết đã ký văn bản chỉ đạo UBND xã Minh Phú phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm các công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng trong tháng 11-2018. 

Ông Tuấn cũng cho biết, trong số 18 công trình vi phạm, có 3 công trình của chủ đầu tư là các ông, bà: Phạm Đức Thắng, Đỗ Việt Anh, Trần Thị Kim đồng ý tự tháo dỡ. Đối với 15 trường hợp vi phạm còn lại, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. UBND huyện Sóc Sơn và xã Minh Phú cũng đã xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án cưỡng chế công trình vi phạm trong trường hợp các hộ không chấp hành quy định. Đồng thời, các đơn vị chức năng của huyện Sóc Sơn cũng đang tích cực phối hợp Thanh tra TP Hà Nội để thực hiện các nội dung thanh tra nhằm làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị có liên quan tới những sai phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Đối với 27 công trình vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, ông Đỗ Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, bên cạnh tiếp tục tạm đình chỉ thi công các công trình, địa phương đang tích cực phối hợp với Thanh tra TP Hà Nội tiến hành rà soát lại việc chuyển nhượng, cấp giấy phép xây dựng cho các công trình này. Đây là vụ việc rất phức tạp vì có liên quan tới nguồn gốc rừng, đất rừng từ hơn 30 năm về trước. Vì vậy, chỉ sau khi có kết luận thanh tra, địa phương mới có thể tiến hành xử lý trách nhiệm cán bộ có liên quan và cưỡng chế các công trình vi phạm.

Tin cùng chuyên mục