Nơm nớp nỗi lo cây xanh gãy đổ

Công ty quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trận mưa giông lớn chiều 12-4 đã làm nhiều cây xanh ở TPHCM gãy đổ, đè lên xe máy, ô tô khiến một số người bị thương. Đó không phải là những tai nạn hiếm hoi. Trước đó, nhiều vụ tương tự đã xảy ra, thậm chí gây tử vong người đi đường, học sinh trong trường học. Những bất an về an toàn cây xanh lại hiển hiện khi mùa mưa tới. 

Hiện trường cây xanh bật gốc đè 2 người đi xe máy bị thương trong cơn giông chiều 12-4 trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1, TPHCM). Ảnh: Chí Thạch
Hiểm họa chực chờ

Vào chiều 12-4, cơn mưa lớn kèm gió mạnh khiến một cây xanh bất ngờ bật gốc đè lên nóc xe ô tô trên đường Trần Văn Trà, khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), may mắn tài xế được người dân cứu thoát nạn. Cùng thời điểm, trên đường Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), một cây xanh bật gốc đè trúng 2 người chở nhau trên xe máy khiến cả 2 bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu. Chị Tống Thị Như Tiết (43 tuổi, cư dân sống trên đường Nguyễn Công Trứ), người chứng kiến vụ tai nạn, chưa hết bàng hoàng: “Tôi đứng phía trong nhà thì nghe thấy tiếng động lớn, rồi tiếng la thất thanh nên chạy ra thì thấy cây ngã đổ, 2 người nằm kêu cứu trên đường”. Qua hiện trường các vụ tai nạn cho thấy, cây xanh đều có đường kính lớn, cao và phần gốc không có rễ lớn, có dấu hiệu mục.

Để phần nào hình dung tình trạng cây xanh đô thị TPHCM trước mùa mưa bão, sáng 13-4, phóng viên chạy xe dọc các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Cống Quỳnh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Công Trứ, Pasteur (quận 1), Ba Tháng Hai (quận 10), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3)… và nhận thấy nhiều cây xanh chưa được cắt tỉa, bồn cây hư hỏng, nghiêng ngả, cành lá um tùm sà tới mặt đường. Các loại cây chủ yếu là phượng, me tây, xà cừ, lim sét…, là những loại rất dễ gãy nhánh, nhất là khi có mưa gió lớn. Trên đường Nguyễn Thái Học (quận 1), nhiều bồn cây vỡ nát, gạch đá, vữa xi măng nằm ngổn ngang trên vỉa hè, thậm chí nhiều cây không còn bồn, rễ trồi lên mặt đất, nguy cơ bật gốc không biết lúc nào. Còn trên đường Pasteur (quận 1), cây xanh hai bên đường cành lá xum xuê, nặng tán, nhưng chưa được cắt tỉa. Dọc đường Ba Tháng Hai (quận 10), 2 dãy cây cổ thụ cao chọc trời chưa được cắt tỉa, nhiều bồn cây cũng sụt lún, nứt vỡ, rễ cây ăn lan ra ngoài đường. Ông Trần Bảo Lâm (56 tuổi, ngụ đường Ba Tháng Hai, quận 10) lo lắng: “Cứ đến mùa mưa bão lại xảy ra nhiều vụ việc thương tâm do cây xanh. Chính quyền cần thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện những cây xanh có dấu hiệu nghiêng ngả phải có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho người dân”.

Trưa 13-4, phóng viên ghi nhận thêm tại một số tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM như Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo…, hầu hết các hàng cây xanh đều là cây cổ thụ, tán lá rộng cả chục mét, nhiều cây vẫn chưa được đơn vị chủ quản cắt tỉa. Bà Lan (bán tạp hóa trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cho biết: “Cứ tới đợt mưa bão là cây tét nhánh trúng người đi đường, ngồi bán hàng dưới gốc cây mà nơm nớp sợ”. 

Chủ động bảo vệ an toàn cho người dân

Đã có không ít vụ tai nạn đau lòng do cây xanh ngã đổ thời gian gần đây tại TPHCM, nhất là vào mùa mưa bão. Và sau mỗi vụ việc, “điệp khúc” mà đại diện đơn vị quản lý cây xanh trần tình là: sự cố bất ngờ, không ai mong muốn!

Thế nhưng, theo luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), tại Điều 604, Bộ Luật dân sự 2015 quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Ở TPHCM, hầu hết cây xanh khu vực trung tâm thành phố đã được đánh số quản lý, vì thế đơn vị quản lý trực tiếp cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 584, Bộ Luật dân sự 2015 quy định, đối tượng bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi người thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Như vậy, trong trường hợp cụ thể như các vụ gãy đổ cây xanh thường xảy ra, đơn vị quản lý cây xanh nếu không tự nguyện bồi thường thiệt hại thì cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân để xác định lỗi mới biết có việc bồi thường hay không. 

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 64/2010/NĐ về quản lý cây xanh đô thị. Điều 11 của nghị định quy định, cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Theo quy định này, các đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm kiểm tra, xử lý thường xuyên cây xanh do đơn vị quản lý; nếu không làm tròn chức năng, khi xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại do cây gãy, đổ gây ra.

Cây xanh được ví như lá phổi xanh góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo bóng mát, điều hòa khí hậu, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Tuy nhiên đang bước vào mùa mưa bão, những ẩn họa gãy đổ từ hệ thống cây xanh ven đường gây thiệt hại tài sản cũng như tính mạng người tham gia giao thông vẫn luôn thường trực. Vì vậy, để chủ động bảo vệ an toàn cho người dân, các ngành chức năng cần có biện pháp kịp thời như kiểm tra, đốn hạ các cây xanh có nguy cơ gãy đổ, sâu bệnh, tỉa nhánh điều chỉnh độ cao, độ nặng tán. Về lâu dài, cần nghiên cứu loài cây phù hợp với đô thị vừa đảm bảo cảnh quan, môi trường vừa an toàn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục