Nơi phục vụ tốt, nơi để dân chờ trong ngày làm việc đầu năm

Ngày 11-2, công sở bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, không khí làm việc tại nhiều công sở ở TPHCM đã vào nền nếp. Tuy nhiên ở một số nơi, cán bộ còn khởi động khá muộn, để dân phải chờ đợi, phiền lòng.

Nơi khẩn trương

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày làm việc đầu tiên, số lượng người dân đến các cơ quan hành chính làm thủ tục chưa nhiều. 8 giờ 40 phút ngày 11-2, UBND quận 1 có 12 cán bộ tại các quầy làm việc, ngoài ra còn một số cán bộ ở khu vực lấy số thứ tự và sảnh chờ để sẵn sàng hỗ trợ người dân. Khu vực sảnh chờ thời điểm này khá vắng vẻ, chỉ có 5 người dân tới sử dụng dịch vụ như sao y chứng thực, đăng ký kinh doanh. Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cho biết, tính đến 11 giờ 30 ngày 11-2, UBND quận 1 tiếp 121 công dân tới làm thủ tục, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sao y chứng thực và dịch thuật. So với ngày thường, ngày đầu năm mới công việc khá nhẹ nhàng.

Chị Nguyễn Hoàng Cẩm Ly (ngụ phường Tân Thới Nhất) được cán bộ, công chức Tổ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ UBND  quận 12 ân cần hướng dẫn từng thủ tục. Ảnh: QUANG HUY

Khoảng 9 giờ 20 sáng, tại UBND quận 3, tất cả các quầy làm việc đều có cán bộ túc trực, song người dân tới làm thủ tục hành chính khá vắng, chỉ có 4 người. Anh Dương Thành Huy (ngụ đường Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3) tới hỏi thủ tục xin giấy phép xây dựng, cho biết: “Tôi không có nhiều thời gian nên tranh thủ đi sớm để kịp được tư vấn, giải thích trong sáng nay. Không ngờ UBND quận ít người tới làm thủ tục nên tôi được hướng dẫn nhiệt tình, nhanh gọn, chỉ 10 phút là xong”. Trong khi đó, không khí làm việc tại UBND phường 5, quận 3 cũng rất sôi nổi. 7 giờ 45 phút, 4 cán bộ tiếp dân đã có mặt, tư vấn, thực hiện thủ tục hành chính cho người dân. Nét mặt của người dân ở đây khá vui vẻ vì vắng người, không phải chờ đợi nên các thủ tục được giải quyết khá nhanh gọn.

Tương tự, từ 7 giờ 15 đến khi hết giờ làm việc buổi sáng, UBND phường 2 (quận Tân Bình) có rất ít người dân đến làm thủ tục hành chính. Chị Dương Cẩm Thúy (Công ty TNHH Hà Đô) cho biết, do yêu cầu của công ty nên ngay ngày làm việc đầu năm chị đã mang hồ sơ sao y, dịch thuật đến phường. Bước vào khu vực tiếp nhận, trả kết quả của UBND phường, chị Thúy khá ngạc nhiên và hài lòng khi thấy các quầy đều có người túc trực, chờ nhận hồ sơ của người dân. Chị Thúy đã cho điểm tối đa khi đánh giá sự hài lòng đối với cán bộ. Ông Nguyễn Minh Việt, Chủ tịch UBND phường 2, quận Tân Bình, chia sẻ: “Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, bộ phận một cửa đã tiếp nhận 12 hồ sơ và giải quyết nhanh chóng, trả luôn kết quả cho người dân trong ngày”.

Tại UBND quận 12, số lượng nhân viên làm việc nghiêm túc, đảm bảo 100% cán bộ, công chức. Tuy vậy, tính đến 15 giờ cùng ngày, chỉ có 35 lượt người dân đến giao dịch, chủ yếu làm các thủ tục như: quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, kinh tế, tư pháp… Chị Nguyễn Hoàng Cẩm Ly (ngụ phường Tân Thới Nhất, quận 12), phấn khởi cho hay: “Tranh thủ ngày đầu năm, tôi đến quận xin đăng ký giấy phép kinh doanh cơ sở thời trang. Chỉ 15 phút, các nhân viên đã giải quyết xong các thủ tục của tôi”.

Tại UBND phường Tân Quý, quận Tân Phú, từ 7 giờ 30 sáng, sau khi chào cờ đầu tuần và chúc tết lẫn nhau, các cán bộ, công chức đã ngồi vào vị trí làm việc để kịp thời giải quyết nhu cầu của người dân; nhưng đến gần 8 giờ sáng mới có người dân “xông đất”. Tính đến 9 giờ 30 sáng chỉ có 8 trường hợp đến làm thủ tục hành chính. Cầm trên tay những giấy tờ vừa được sao y, chị Trần Thị Kim Lài (ngụ đường Võ Công Tồn, phường Tân Quý) hài lòng nói: “Tôi cứ nghĩ ngày đầu năm đến cơ quan Nhà nước sẽ phải chờ đợi lâu một chút vì không khí tết vẫn còn, vậy mà tôi vừa nộp hồ sơ là được giải quyết ngay”. Tại UBND xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, lúc 9 giờ 45 phút sáng 11-2, chỉ có 3 người dân tới liên hệ làm thủ tục hành chính và các yêu cầu của người dân đều được cán bộ hướng dẫn với tinh thần chu đáo, niềm nở, nhanh gọn.

Tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, 9 giờ sáng, hơn 20 nhân viên đã ổn định tại các quầy làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tuy thời điểm đó chỉ có 5 người dân tới làm thủ tục đăng ký kinh doanh nhưng không khí làm việc vẫn rất nghiêm túc.

Nơi còn đủng đỉnh, dân phải chờ

Bên cạnh những đơn vị chỉn chu làm việc ngày đầu năm thì cũng còn nhiều đơn vị khởi động khá trễ, nhất là các UBND phường. Tại UBND phường Bến Thành, quận 1, 4 người dân đã có mặt từ đầu giờ làm việc buổi sáng nhưng tới 8 giờ, các quầy tiếp dân vẫn chưa có cán bộ nào có mặt. Anh Nguyễn Khánh An (ngụ hẻm 150 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1) đã 2 lần ra phường để đóng tiền bảo hiểm y tế nhưng đều không gặp cán bộ. Anh An than thở: “Nghĩ đầu năm nhiều người có nhu cầu làm thủ tục hành chính nên sẵn nhà gần phường, tôi tranh thủ ra sớm đóng tiền bảo hiểm để khỏi phải đợi chờ, vậy mà sáng giờ tôi ra 2 lần vẫn không gặp cán bộ. Tôi nghĩ làm gì thì làm, cũng phải cử người ở lại trực chứ để “vườn không nhà trống” như vậy sao được”. Đến 8 giờ 10 phút mới có một cán bộ bước từ khu vực nội bộ ra và trực ở quầy xử lý vi phạm hành chính.

Tương tự, sáng 11-2, tại UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 cũng có 6 người dân tới làm thủ tục hành chính nhưng tới 8 giờ 25 phút vẫn không có cán bộ túc trực. Quan sát tại khu vực tiếp dân, nhiều người thấp thỏm đứng lên, ngồi xuống chờ đợi. Vài phút sau, thấy có người ở ngoài vào và tới máy lấy số thứ tự, một người dân đang đợi lên tiếng với giọng khá bức xúc: “Máy đã khởi động đâu mà lấy số. Phường gì làm ăn kỳ cục!”. Mọi người có mặt tại đây cũng tỏ thái độ không hài lòng với việc phường Nguyễn Thái Bình chậm khởi động ngày làm việc đầu năm, một số không chờ đợi được đành bỏ về.

Nơi phục vụ tốt, nơi để dân chờ trong ngày làm việc đầu năm ảnh 2 8 giờ 25 phút ngày 11-2 nhưng UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) không có cán bộ túc trực, tiếp dân.   Ảnh: THU HƯỜNG

Việc người dân phải chờ đợi cũng diễn ra tại UBND phường Tân Thuận Đông, quận 7 vào sáng 11-2. Đến 8 giờ 45, cả khu vực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính chỉ có  1 cán bộ trực ở quầy chứng thực sao y. Các quầy tư pháp, hộ tịch, xã hội, chứng thực chữ ký… đều không có cán bộ, công chức trực làm việc. Người dân tới nộp hồ sơ, nhìn thấy chỗ làm việc trống nên đành ngồi đợi. Một số người dân chờ lâu đã đến quầy thủ tục lấy lại hồ sơ ra về, hoặc sang UBND phường Bình Thuận gần đó để làm. Tại UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, ghi nhận từ 10 giờ đến 10 giờ 30 sáng 11-2 vẫn không có cán bộ làm việc ở 2 bàn thuộc Tổ thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong khi người dân phải ngồi đợi.

                                   Hơn 90% công nhân trở lại làm việc

Chiều 11-2, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, tính đến 16 giờ chiều cùng ngày, đã có khoảng 2 triệu công nhân, người lao động trở lại TPHCM làm việc, đạt tỷ lệ hơn 90%. Một bộ phận công nhân ở xa, kết hợp nghỉ phép và nghỉ Tết Nguyên đán 2019 nên sẽ trở lại TPHCM muộn hơn vài ngày. Dự kiến, trong tuần này công nhân ở các tỉnh, thành tiếp tục trở lại TPHCM làm việc và tỷ lệ quay lại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh làm việc sau Tết Kỷ Hợi 2019 ước đạt 98%.

Tại Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TPHCM), đơn vị có đông công nhân làm việc nhất TPHCM, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn công ty, cho hay, đã có hơn 61.000 công nhân trong tổng số 67.500 công nhân trở lại làm việc. Hơn 6.500 công nhân còn lại đang nghỉ phép và dự kiến sẽ trở lại công ty vào ngày 14-2.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận xét, những chính sách chăm lo tết về lương, thưởng, phúc lợi và tổ chức tốt cho công nhân lao động về quê dịp tết đã góp phần tích cực ổn định thị trường lao động ở TPHCM sau Tết Nguyên đán 2019. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch tuyển dụng nhân lực thường xuyên và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực. Thị trường lao động chất lượng cao không có biến động nhiều, biến động chủ yếu ở phân khúc lao động phổ thông. Sự thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán 2019 dự kiến trung bình ở mức khoảng 2% - 3%; đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt may, giày da, chế biến thực phẩm thì mức thiếu hụt lao động sau tết khoảng 4% - 5%. Đây là một tỷ lệ biến động thấp, “đẹp” hơn so với cùng kỳ các năm trước.

                                                              MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục