Nội lực của thể thao

Một quốc gia có nền thể thao phát triển thì chắc chắn nền tảng thể chất của người dân và cả khía cạnh kinh tế, đời sống cũng sẽ ở mức cao. Thế nhưng, có một điều tương đối mâu thuẫn là dù thành tích thể thao đỉnh cao của Việt Nam ngày càng tiến bộ, thì nội lực của thể thao lại có vấn đề.

Mới đây, dù bóng đá Việt Nam rất muốn được đăng cai các trận đấu cuối cùng theo hình thức tập trung của bảng G vòng loại thứ 2 khu vực châu Á World Cup 2022 nhưng Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) không đồng ý. Bên cạnh các quy định cách ly phòng dịch Covid-19 khắt khe, nguyên nhân chính là điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng một số tiêu chuẩn, chẳng hạn phải có 2 sân vận động quốc tế đi kèm 5 sân tập và 5 khách sạn 5 sao trong một khu vực nhất định.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) hiện đang tu sửa phục vụ cho SEA Games, trong khi sân Thống Nhất (TPHCM) lại quá cũ. Thực tế là từ SEA Games 2003 đến nay, Việt Nam chỉ mới có sân Mỹ Đình được xây mới và đạt tiêu chuẩn tổ chức các trận đấu FIFA. Sân bóng ở Hòa Xuân (Đà Nẵng) mới xây dựng nhưng chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, còn các sân bóng khác chủ yếu là sửa chữa, nâng cấp. Như vậy, một quốc gia có mức độ hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt với dân số gần 100 triệu người nhưng sân bóng đá có sức chứa lớn nhất lại chỉ vỏn vẹn… 40.000 chỗ.

Không riêng bóng đá, xét tổng thể ngành thể thao thì cho đến lúc này cũng không có một cơ sở vật chất nào mang tính biểu tượng về quy mô lẫn kiến trúc. Những gì tốt nhất, lớn nhất đã thuộc về gần 20 năm trước ở SEA Games 2003. Từ đó đến nay, thành tích của thể thao Việt Nam đạt bước nhảy vọt ở cả toàn cục lẫn khía cạnh cá nhân. Chúng ta có HCV Olympic và Asiad ở những môn thi cơ bản, nhưng lại không có một biểu tượng nào đánh dấu sự phát triển đó về cơ sở vật chất lẫn công tác tổ chức sự kiện.

Khi Chính phủ Singapore công bố ngân sách để tổ chức SEA Games 2015, họ cam kết các cơ sở vật chất hiện đại, tốn kém được đầu tư sẽ giúp người dân có thể đến những điểm tập luyện thể thao trong bán kính 80 - 120m. Khác với các công trình mang tính đặc thù ở một số lĩnh vực khác, những công trình thể thao đều mang tính đa năng, có thể sử dụng cho nhiều mục đích ngoài thể thao, thậm chí mang điểm nhấn trong quy hoạch đô thị. Vì thế, những quốc gia phát triển luôn có xu hướng xây thêm sân vận động, nhà thi đấu mới có quy mô cực lớn. Đó cũng là cách họ khẳng định sự thịnh vượng và các giá trị văn hóa quốc gia.

Đặt trong bối cảnh của thể thao Việt Nam, cho dù chúng ta không chạy đua mang tính hình thức để xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng, nhưng công bằng mà nói, sự thiếu vắng các công trình thể thao mang tính biểu tượng cũng cần phải xem như là một món nợ của những người làm thể thao. Bởi điều đó cho thấy, thể thao Việt Nam vẫn chưa hội tụ đủ các yếu tố tạo ra một nền thể thao chuyên nghiệp, chưa chuyển hóa được các giá trị về thành tích hiện tại thành tham vọng lâu dài về một cường quốc thể thao châu lục.

Tin cùng chuyên mục