Nỗi lo từ tái thúc đẩy

Ngày 5-3, tờ Washington Post đưa tin, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc tranh luận về dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD. Động thái này sẽ mở đường để dự luật trên được thông qua tại Thượng viện, trước khi gửi lại Hạ viện phê duyệt và sau đó được Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: TTXVN
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: TTXVN

Chính phủ Mỹ đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch tái thúc đẩy nền kinh tế với gói cứu trợ trên. Theo đó, kế hoạch gồm tài trợ cho các địa phương; trợ cấp các gia đình dưới dạng một tấm séc 1.400 USD/người và lương tối thiểu 15 USD/giờ. Về mặt kinh tế, kế hoạch nhằm giúp quay trở lại thời kỳ tốt đẹp về việc làm, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5% vào cuối 2019 (nay đã tăng lên 6,3%). Về chính trị, gói cứu trợ nhằm làm giảm khoảng cách xã hội - điều giúp cựu Tổng thống Donald Trump tạo dấu ấn cho bản thân.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại lo ngại rằng kế hoạch trên sẽ “giết chết” việc tái thúc đẩy nền kinh tế. Kế hoạch của ông Joe Biden (cộng thêm 900 tỷ USD mà ông Donald Trump huy động được vào tháng 12-2020) chiếm đến 14% GDP, một mức độ chưa có tiền lệ trong thời bình tại Mỹ. Do đó, nền kinh tế có thể trở nên quá nóng, nhất là khi các biện pháp y tế được dỡ bỏ. Tiền được ưu tiên cho các gia đình chi tiêu, chứ không phải cho những đầu tư cần thiết để tái lập hệ thống sản xuất như giáo dục, cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sinh thái. Như vậy sẽ không có cải cách mang tính căn cơ. Chưa kể tính hiệu quả của trợ cấp trực tiếp cho các gia đình không cao, khi biết rằng chỉ có 30% trong tấm séc 1.200 USD do chính phủ tiền nhiệm cấp được người Mỹ dùng để mua hàng hóa. Số còn lại được họ để dành, trả nợ thậm chí để đầu cơ. Kế hoạch tái thúc đẩy khi đó có thể làm tăng thêm bất bình đẳng và tạo ra những bong bóng, như thị trường địa ốc tăng 10% và chứng khoán đạt những kỷ lục. 

Và cuối cùng, lạm phát có thể quay lại. Lượng tiền tại các nước phát triển tăng 75% trong năm 2020, trong khi sản xuất giảm trên 5%, giá nguyên liệu, năng lượng và nông sản tăng vọt (ngũ cốc tăng 25%, dầu thực vật tăng đến 90% trong vòng 6 tháng). Việc mở lại các nền kinh tế có thể dẫn đến hiện tượng bùng nổ, khởi đầu đồ thị lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất với cái giá phải trả là vỡ nợ hàng loạt. Rốt cuộc, kế hoạch tái thúc đẩy với tầm vóc khổng lồ lại có nguy cơ tạo ra suy thoái trầm trọng. Một sự thất bại của kế hoạch tái thiết sẽ không chỉ gây bất ổn về kinh tế và chính trị cho Mỹ mà còn có thể tác động tiêu cực đến toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục