Nỗi lo từ phía láng giềng

Trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và lực lượng Taliban lần đầu tiên chiếm giữ một thủ phủ cấp tỉnh kể từ khi đẩy mạnh chiến dịch tấn công, thách thức lực lượng Chính phủ Afghanistan, các nước Trung Á và một số quốc gia có lợi ích liên quan thực sự lo ngại về một vòng xoáy bất ổn ở quốc gia Tây Nam Á này.
Quân chính phủ Afghanistan tại khu Guzara (tỉnh Herat). Ảnh: TheStar
Quân chính phủ Afghanistan tại khu Guzara (tỉnh Herat). Ảnh: TheStar

Tại hội nghị thượng đỉnh tại Turkmenistan hôm 6-8, lãnh đạo 5 nước Trung Á (Turkmenistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan), Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov khẳng định việc lực lượng Taliban nhiều tuần giành thắng lợi ở các vùng nông thôn, bao gồm các tỉnh giáp biên giới 3 quốc gia thuộc Liên Xô cũ (Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) là vấn đề đáng lo ngại đối với cả 3 nước. Đặc biệt đáng ngại là nhiều nhóm khủng bố thánh chiến đang gia tăng hoạt động chống phá và ảnh hưởng tại khu vực. 

Trước tình hình căng thẳng trên, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev kêu gọi một lệnh ngừng bắn toàn diện và các bên tại Afghanistan tiến hành hòa đàm hướng tới các thỏa hiệp cùng chấp nhận được.

Trong khi đó, Tajikistan đã gửi yêu cầu giúp đỡ tới Nga để đảm bảo an ninh cho vùng biên giới của mình. Mosow đã đáp lại với cuộc tập trận chung cùng lực lượng Tajikistan và Uzbekistan từ ngày 5 đến 10-8, với nội dung đảm bảo quyền kiểm soát biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan. Nga không thể bỏ qua yêu cầu giúp đỡ của Tajikistan bởi nếu khủng bố xâm nhập vào các nước thuộc Liên Xô cũ giáp ranh với Afghanistan, Moscow sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn những phần tử này xâm nhập vào lãnh thổ Nga.

Việc hàng ngàn binh sĩ Chính phủ Afghanistan phải chạy nạn sang Tajikistan sau các cuộc tấn công của Taliban thực sự là hồi chuông cảnh báo với Moscow. Theo giới quan sát, Nga hiện đang đàm phán với lực lượng Taliban. 

Cùng một mối lo như Nga, Trung Quốc, nước có đường biên giới chung dài 76km với Afghanistan, cũng đã đàm phán với Taliban.

Cuối tháng 7 vừa qua, tại Thiên Tân (Trung Quốc), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp giáo sĩ Abdul Ghani Baradar, nhân vật số 2 của Taliban. Một số chuyên gia cho hay trước khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ yêu cầu Taliban hứa không để Afghanistan là nơi trú ngụ của bất kỳ lực lượng Hồi giáo cực đoan nào có thể gây hại đến lợi ích của Mỹ. Giờ đây Bắc Kinh cũng muốn có được cam kết như vậy.

Ngoài ra, về lâu dài, Trung Quốc cũng muốn Afghanistan trở thành đối tác trong chiến lược phát triển mạng lưới con đường tơ lụa của mình. Trong khi đó, Taliban rất cần tiền một khi giành được chính quyền ở Afghanistan.

Tin cùng chuyên mục