Nỗi lo trẻ suy dinh dưỡng thấp còi

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay nước ta đang đối mặt với thách thức về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi (cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng), chiều cao trung bình ở nam và nữ không chỉ thấp hơn nhiều nước phát triển mà còn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. 

Nhiều chuyên gia lo ngại suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân chính dẫn đến chiều cao thấp ở thanh niên nước ta.

Nỗi lo trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ảnh 1 Phụ huynh đưa trẻ bổ sung vitamin A tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM
Nuôi dưỡng chưa đúng cách

Là cháu cưng của dòng họ và thuộc điều kiện kinh tế khá giả, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, quận Thủ Đức, TPHCM) hàng ngày phải đau đầu suy nghĩ hôm nay “bồi bổ” cho cậu con trai món gì.

“Tôi nhờ bạn bè khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí cả nước ngoài đi đâu có gì tốt cho trẻ là nhờ mua giùm, mỗi buổi sáng tôi phải “ép” cháu uống một ly sữa ngoại, ngũ cốc mua từ Mỹ, cứ khoảng 2 - 3 giờ lại uống thêm một ly, trưa tối với đầy đủ các món thịt, cá... Thế nhưng, không hiểu sao dù đã 5 tuổi nhưng cháu chỉ nặng chưa đầy 14kg, thấp bé hơn các bạn cùng lớp”, chị Thu Trang lo lắng.

Còn chị Trần Kim Dung (ở quận 9) quan niệm rằng, không ép ăn hay cho uống những thứ con không thích. "Chiều cao là do di truyền, vì vậy vợ chồng tôi không quá coi trọng chuyện chiều cao hay cân nặng mà để con phát triển tự nhiên", chị Kim Dung cho hay.

Bác sĩ Phan Thị Hiền Thu, Trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi là do khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu về các vitamin và khoáng chất cần thiết trong 5 năm đầu đời của trẻ.

Theo thống kê của ngành y tế, khẩu phần của trẻ em Việt Nam chỉ đáp ứng được 60,3% nhu cầu canxi và 10,6% nhu cầu vitamin D theo khuyến nghị. Ngoài ra, trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi còn chịu ảnh hưởng từ hệ tiêu hóa và khả năng hấp thu kém, nhiễm ký sinh trùng, dị tật bẩm sinh và phổ biến nhất là do cha mẹ chưa được trang bị đủ kiến thức nuôi con nhỏ.

“Chế độ ăn uống nghèo nàn và thiếu chất là nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Cụ thể, nếu khẩu phần ăn của trẻ bị thiếu hụt protein năng lượng và các vi chất dinh dưỡng, không những gây suy dinh dưỡng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, nhất là ở những trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ và ăn bổ sung không hợp lý”, bác sĩ Hiền Thu cho biết.

Còn theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gen mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố như dinh dưỡng, môi trường, tâm lý, vận động. Nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cho thấy, di truyền chỉ chiếm 23%, còn 25% là do tâm lý và môi trường sống, 20% liên quan tới chế độ rèn luyện thể lực và quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng quyết định 32% sự phát triển chiều cao, thể chất của trẻ. Dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời, là nền tảng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. 

Nỗ lực cải thiện tầm vóc

Theo GS-TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các gia đình cần quan tâm chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, việc cân bằng dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng (đầu đời), tức từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi, đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ dự trữ đủ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này. Mặt khác, bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh cũng rất cần thiết để phòng chống thiếu máu cho cả mẹ và con... 

Thống kê của Trung tâm dinh dưỡng (Sở Y tế TPHCM), tỷ lệ suy dinh dưỡng của người dân vẫn duy trì ở mức thấp nhất cả nước (tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi là 4,4% so với toàn quốc là 14,1% và suy dinh dưỡng thấp còi là 6,8% so với toàn quốc 24,6%; suy dinh dưỡng ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 10,7%), không có trường hợp thiếu vitamin A, thiếu i-ốt có biểu hiện lâm sàng nào được ghi nhận. Giám sát chiều cao trung bình trẻ em tiếp tục cải thiện.

Đặc biệt, bữa ăn hàng ngày của người dân cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Các gia đình nên sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.

“Gia đình cần cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, môi trường để phòng nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn...”, GS-TS Lê Danh Tuyên khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục