Nỗi lo trẻ em tự tử ở Nhật Bản

Theo đài NHK, năm ngoái Nhật Bản ghi nhận số lượng kỷ lục trẻ em tiểu học, THCS và THPT tự tử. Dù không thể chắc chắn là những vụ tự tử này có liên quan đến đại dịch Covid-19 hay không, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại rằng, gián đoạn trong cuộc sống bình thường đã khiến nhiều trẻ em gặp khó khăn để thích ứng.
Trang web Mex giúp đỡ các thanh thiếu niên gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm lý
Trang web Mex giúp đỡ các thanh thiếu niên gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm lý

Tỷ lệ tự tử của Nhật Bản đã giảm trong những năm gần đây, nhưng số vụ tự tử ở lứa tuổi vị thành niên đang có xu hướng ngược lại. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, con số này đã tăng lên hàng năm kể từ năm 2016 và tăng đột biến vào năm 2020 với 499 vụ (tăng hơn 25% so với năm 2019). Dù bộ trên cho biết các lý do ít nhiều vẫn giống như mọi khi là kết quả học tập kém, không chắc chắn về nghề nghiệp và các vấn đề gia đình, nhưng một số chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 là yếu tố đáng kể góp phần dẫn tới tình trạng này.

Tiến sĩ Tanaka Kyoko thuộc Trung tâm quốc gia về sức khỏe và phát triển trẻ em, cho biết: “Đại dịch đã làm gia tăng sự lo lắng và căng thẳng ở trẻ em, có thể đã đẩy những đứa trẻ vốn ngấp nghé bờ vực, tìm đến cái chết”. Trung tâm đã thực hiện một loạt khảo sát trực tuyến để đánh giá tác động về thể chất và tinh thần của đại dịch đối với thanh thiếu niên ở Nhật Bản. Cuộc khảo sát đối với 715 em được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12-2020 cho thấy, các triệu chứng trầm cảm từ mức vừa đến mức nặng xuất hiện ở 15% học sinh từ lớp 4 đến lớp 6 của bậc tiểu học, 24% học sinh THCS và 30% học sinh THPT. Nghiên cứu cũng cho thấy, 24% em từng có ý định tự tử, trong khi 1/6 số em cho biết đã tự gây tổn hại cho bản thân như tự đánh hoặc bứt tóc mình.

Việc đóng cửa trường học trong những tháng đầu của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em, tạo cảm giác bị cô lập xã hội. Moriyama Takae, người đồng sáng lập Tổ chức phi lợi nhuận 3Keys có trụ sở ở Tokyo, điều hành trang web Mex dành cho những thanh thiếu niên đối mặt với các vấn đề tâm lý, cho biết, khoảng tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, khi các trường học đóng cửa, có nhiều bài đăng nói về rắc rối gia đình, bao gồm cả ngược đãi. “Có một số trẻ em phải chịu đựng cả về thể chất và tinh thần trong những ngôi nhà không phải là nơi an toàn cho chính các em”, Moriyama nói. 3Keys cho rằng, cần tạo ra một nơi mang lại cho các em cảm giác an toàn. Tháng 5 vừa qua, tổ chức của cô đã làm được điều đó. Cơ sở ở quận Shinjuku tại Tokyo cung cấp nơi tắm giặt có vòi sen và máy giặt miễn phí, nơi để chợp mắt và quan trọng nhất là một nơi an toàn.

Nhưng theo các nhà khoa học, phát hiện sớm là một chiến lược quan trọng trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên tự tử. Vì học sinh dành thời gian đáng kể ở trường nên giáo viên có thể là người dễ nhận ra tâm trạng của các em. Tuy nhiên, giáo viên không dễ dàng hỏi thẳng các em về ý định tự tử. Để góp phần thay đổi động lực đó, một nhóm chuyên gia đã phát triển một công cụ sàng lọc tự tử dựa trên máy tính bảng có tên RAMPS, tạm dịch “Đánh giá nguy cơ trạng thái tinh thần và thể chất”. RAMPS có 11 câu hỏi về sức khỏe tâm thần, phù hợp với giới trẻ, và mất khoảng 3 phút để kiểm tra. Dựa trên câu trả lời, RAMPS đề xuất các câu hỏi tiếp theo hoặc khuyến nghị tìm trợ giúp chuyên môn. Gần 70 trường THCS và THPT trên khắp Nhật Bản hiện đang sử dụng hệ thống này, chủ yếu là tại các phòng y tế trường và khi kiểm tra sức khỏe hàng năm.

Tin cùng chuyên mục