Nỗi lo ngộ độc hàng rong cổng trường

Nắm bắt tâm lý thích ăn quà vặt của học sinh, những chiếc xe lưu động với đủ loại thực phẩm mập mờ nguồn gốc, chế biến sơ sài, không đảm bảo vệ sinh luôn tập trung trước nhiều cổng trường tại TPHCM.
Các xe đẩy bán hàng rong chiếm dụng lòng đường trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp)
Các xe đẩy bán hàng rong chiếm dụng lòng đường trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp)

Hàng rong bao vây

Giờ tan trường buổi sáng, trước cổng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) tập trung nhiều xe hàng rong xếp hàng dài trên vỉa hè. Nào là bánh tráng trộn, cá viên chiên, khô bò, cho đến các loại nước giải khát xanh đỏ tím vàng, bánh kẹo nhiều hình thù được treo rất bắt mắt, thu hút khá đông học sinh đến mua.

Tương tự, vào mỗi buổi tan trường, trước cổng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cũng có hàng chục xe bán hàng rong chờ sẵn trước cổng trường, gây nên tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông.

Còn trước Trường THPT Trường Chinh (quận 12), trước giờ vào lớp, giờ tan học, có rất đông học sinh vây quanh những hàng quán, gánh hàng rong bên lề đường.

Theo quan sát, các loại cá viên không bao bì, không nhãn mác, được thả thẳng vào những chảo dầu chuyển màu đục vì được sử dụng nhiều lần. Kế bên là các quầy hàng bánh tráng trộn, xoài lắc, nước giải khát như trà sữa, siro, trà đào được pha chế sẵn đựng trong các chai nhựa... 

Qua ghi nhận, phần lớn những xe đẩy bán hàng rong lưu động đều chế biến thực phẩm ngay trên vỉa hè, lòng đường đầy khói bụi, không được người bán che chắn cẩn thận. Hầu hết các món chế biến bằng thủ công nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Anh Phạm Chí Dũng (40 tuổi, ngụ quận 12) lo lắng: “Tôi cũng biết đồ ăn trước cổng trường thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình chế biến đôi khi cũng không đảm bảo vệ sinh, nhưng hầu như trẻ con nào cũng rất thích ăn. Tôi cũng thường dặn cháu không nên ăn vặt ở trước cổng trường, tuy nhiên bản thân các bậc phụ huynh cũng không thể giám sát, quản lý được”. 

Cần chung tay kiểm soát

Theo chuyên gia dinh dưỡng Đỗ Thị Ngọc Diệp, các thực phẩm chế biến sẵn hay vừa chế biến vừa bán trước cổng trường luôn không đảm bảo thành phần dinh dưỡng, chứa đựng nhiều vi khuẩn có hại do chế biến không đảm bảo, nguyên liệu “bẩn” và môi trường khói bụi.

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng, trước khi các cơ quan chức năng có trách nhiệm giám sát, nhà trường phải tuyên truyền cho học sinh biết rõ, đồng thời cải tạo, nâng cấp căn tin của trường học đảm bảo an toàn thực phẩm, phong phú mặt hàng. Và trên hết là phụ huynh học sinh phải cứng rắn với sở thích của con cái, hạn chế cho tiền ăn quà vặt.

Mới đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM ký kết phối hợp với Sở GD-ĐT về đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học giai đoạn 2020-2022. Bên cạnh yêu cầu 100% bếp ăn tập thể thuê nấu, căn tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm; 100% bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, vận hành hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm theo 3 cấp trong khối giáo dục..., là đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm trong trường học, tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm, nâng cao trách nhiệm của ban giám hiệu, các nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm trong bếp ăn trường học, các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, cũng như vai trò của phụ huynh trong việc giám sát an toàn thực phẩm trong trường học. 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường mà còn cần đảm bảo an toàn hàng rong, quán cóc trước cổng trường. Các ngành chức năng cần có sự phối hợp kiểm soát, trong đó có vai trò của chính quyền phường xã, quận huyện. Tại một số địa bàn, chính quyền đã có nhiều đợt ra quân dẹp các xe đẩy bán hàng rong trước cổng trường và xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, nhưng vẫn theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì tình hình lại tái diễn. Do vậy, để dẹp bỏ triệt để tình trạng trên, rất cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, nhà trường và ý thức của các bậc phụ huynh.

“Đừng để hiểm họa xảy ra từ những bữa ăn trong trường hay gánh hàng rong trước cổng trường trong năm học mới”, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cảnh báo sau khi nơi đây tiếp nhận nhiều học sinh bị ngộ độc vừa qua.

Tin cùng chuyên mục