Nỗi lo đồng tiền ở châu Á mất giá

Cùng với cuộc chiến thương mại đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, Cục Dự trự liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhiều lần trong thời gian qua đã tạo nên áp lực lạm phát với nhiều nền kinh tế châu Á. 
Áp lực lạm phát gia tăng với đồng rupiah Indonesia do FED tăng lãi suất
Áp lực lạm phát gia tăng với đồng rupiah Indonesia do FED tăng lãi suất

Nhiều nước đã siết chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm nguy cơ mất giá tiền tệ, có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và đầu tư toàn cầu.

Gánh nặng nợ USD

Đa số các loại tiền tệ châu Á đều mất giá mạnh từ đầu năm 2018 đến nay do FED tăng lãi suất.

Theo Nikkei Asian Review, tại Ấn Độ đồng rupee là loại tiền tệ châu Á bị mất giá nhiều nhất trong năm nay (13,9%) so với đồng USD. Tuần qua, rupee đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay khi 74,48 rupee đổi được 1 USD. Áp lực đồng rupee tiếp tục trượt giá đã đè nặng lên các ngành như hàng không (có chi phí nhiên liệu bằng USD, nhưng doanh thu bằng rupee).

Dữ liệu của Công ty tư vấn tài chính toàn cầu Crisil cho thấy các khoản vay thương mại của các công ty Ấn Độ hiện ở mức 196,9 tỷ USD vào tháng 3-2018, tăng gần 14% so với một năm trước đó. Các công ty trong lĩnh vực dầu khí và điện có nhiều rủi ro nhất đối với các khoản vay ngoại tệ. Hai lĩnh vực này chiếm khoảng 61% của tất cả các khoản vay ngoại tệ, tiếp theo là các lĩnh vực viễn thông, hàng không, dược phẩm, ô tô và nhôm.

Tại Indonesia, vòng xoáy lao dốc của rupiah đã ảnh hưởng rõ ràng đến các công ty bất động sản. Mặc dù lãi suất của Ngân hàng Indonesia cũng tăng và các biện pháp của chính phủ để giảm bớt áp lực giảm giá, rupiah trong năm nay đã giảm tới 11% so với USD.

Hôm 11-10, rupiah xuống tới mức 15.265 rupiah đổi được 1 USD, gần mức yếu nhất trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Giá cổ phiếu của các công ty bất động sản giảm nhiều. Chỉ số Jakarta Composite đã giảm 9,4%.

Tại Philippines, đồng peso năm nay đã giảm tới 8% so với đồng USD. Tập đoàn San Miguel đã đa dạng hóa sản phẩm từ thực phẩm và đồ uống đến điện và cơ sở hạ tầng, trong tháng 5 đã phải phát hành 20 tỷ peso giá trị cổ phiếu để có thêm nguồn vốn bằng USD.

Biến động chứng khoán

FED tăng lãi suất cũng khiến các khoản đầu tư, trong đó có đầu tư chứng khoán trở nên kém hấp dẫn hơn, dẫn đến hàng loạt cuộc bán tháo gây rớt giá chứng khoán toàn cầu.

Tuần qua, biến động trên thị trường tài chính toàn cầu đã bùng nổ trong việc bán tống bán tháo cổ phiếu gây ra tổn thất nặng nề ở phố Wall và nhiều nơi khác. Theo báo Guardian, ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mô tả lãi suất của Mỹ tăng lên là “điên rồ”.

Thông tin về việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng lên và người ta phải rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán.

Ông Donald Trump đã phàn nàn việc FED đã tăng lãi suất quá nhanh và điều đó có nguy cơ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong thương mại sẽ dẫn đến sự suy giảm nhu cầu toàn cầu. Nền kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu suy yếu và thuế quan của Mỹ cao có thể đe dọa các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ (NDT) đã suy yếu khoảng 10% so với USD từ khi Mỹ áp thuế trừng phạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ lo ngại đồng NDT giảm mạnh trong năm nay so với USD có thể là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấy lại lợi thế thương mại cho hàng xuất khẩu của nước này hoặc bù đắp cho những thiệt hại do tác động của việc Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc.

Tuy nhiên,  theo hãng tin Reuters, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (Trung ương) Trung Quốc Dịch Cương cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập tỷ giá hối đoái của đồng NDT.

Tin cùng chuyên mục