Nỗi lo bơ, sầu riêng Đắk Lắk, Đắk Nông

Trong khoảng 5 năm gần đây, địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông phát triển nóng diện tích bơ và sầu riêng. Sản lượng tăng, nhưng đầu ra của 2 loại cây ăn trái này không ổn định, khiến nhiều người lo lắng sẽ đi vào “vết xe đổ” của hồ tiêu. 
Người dân lo ngại về thị trường tiêu thụ sầu riêng
Người dân lo ngại về thị trường tiêu thụ sầu riêng

Trước tình trạng cây công nghiệp mất giá, người dân đổ xô chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Trong đó, sầu riêng và bơ là 2 loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, được người dân lựa chọn để trồng thay thế cây công nghiệp. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, giá sầu riêng và bơ liên tục biến động, khiến người dân lo lắng.

Ông Mai Ân (58 tuổi, thị trấn Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, gia đình ông có 200 cây sầu riêng trồng từ năm 2010, trung bình mỗi năm ông thu hoạch từ 30-40 tấn quả, thu về từ 2-3 tỷ đồng. Thấy sầu riêng có lợi nhuận cao, mới đây gia đình ông mua thêm 1ha đất trồng 300 cây sầu riêng.

“Những năm trước, sầu riêng có giá trung bình từ 80.000 - 100.000 đồng/kg thì năm nay giảm xuống còn khoảng từ 50.000 - 75.000 đồng/kg. Mọi năm, thương lái đến vườn nhà tôi tranh nhau mua, nhưng năm nay sản lượng sầu riêng từ người dân tăng nên các thương lái õng ẹo, chê sầu riêng xấu, không đảm bảo, ép giá đủ kiểu. Sợ sầu riêng chín không bán được, gia đình tôi phải chấp nhận bán giá thấp”, ông Ân chia sẻ. 

Không chỉ sầu riêng, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng tăng nhanh khiến thị trường tiêu thụ loại trái cây này cũng gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, cho thấy từ năm 2014 - 2018, diện tích cây bơ tăng đột biến từ 390ha lên đến 2.583ha. Còn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cũng từ năm 2014 - 2018, diện tích sầu riêng tăng từ 1.651 - 6.089ha (tăng 4.438ha so với năm 2014); diện tích bơ tăng từ 97ha lên đến 5.606ha (tăng 5.509ha so với năm 2014).

Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 5.000ha, diện tích bơ là 4.000ha nhưng đến nay, 2 loại cây ăn quả này đã vượt quy hoạch hơn 1.000ha. 

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Lâm nghiệp và cây ăn quả - Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, cho biết: “Hiện nay ngành nông nghiệp đang xây dựng chương trình, đề án các vùng chuyên canh, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất sản phẩm sạch để làm thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường; kêu gọi các tập đoàn kinh tế đầu tư chế biến sâu vào các mặt hàng này nhằm có đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, ngành chức năng cũng tăng cường quan hệ ngoại giao để đàm phán, xây dựng thị trường xuất khẩu chính ngạch, ổn định và lâu dài cho cây bơ, sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông Hồ Gấm cho rằng, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh tăng vượt trội, kéo theo sản lượng tăng. Thời gian gần đây, người nông dân bắt đầu gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, bị thương lái ép giá. Nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định, diện tích tiếp tục phát triển không theo quy hoạch, e ngại nguồn cung sẽ vượt cầu, ảnh hưởng đến kinh tế của bà con.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Thành, nguyên nhân khiến giá sầu riêng, bơ biến động do thị trường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu là trong nước, chưa xuất khẩu được ra nước ngoài.

“Chúng ta chưa tìm được thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sầu riêng, bơ. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước còn hạn chế và sản lượng ngày càng tăng khiến cho thị trường không ổn định”, ông Thành nhận định. 

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh đang xây dựng chương trình, đề án cho năm 2020 - 2025, nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản, gắn với đơn vị tiêu thụ; tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nông sản sạch áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để giảm chi phí đầu tư; không chạy theo sản lượng mà chú trọng về chất lượng. Đối với doanh nghiệp thì tăng cường công tác tuyền truyền, tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm thị trường tiêu thụ.

“Ngành chức năng của tỉnh cũng đang tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh, tăng cường sản xuất, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu cho cây ăn quả để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, bà Tình cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục