Nỗi lo an toàn trường học

Câu chuyện thương tâm về một sinh viên Trường Đại học Hutech (TPHCM) trong lúc đứng chờ thang máy bị mảng bê tông rơi trúng đầu dẫn đến tử vong chưa lắng xuống thì mới đây, nhiều sinh viên đang theo học ở trường này cho biết sàn một số phòng học có dấu hiệu bong tróc, rung lắc, khiến các em hoảng sợ tháo chạy khỏi tầng lầu. 
Tiếp theo đó, thông tin hơn 1.500 học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) đang hàng ngày vừa học vừa nơm nớp lo sợ tường đổ sập bất cứ lúc nào, vì ngôi trường gần 60 năm tuổi đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí ban giám hiệu còn thành lập hẳn “đội xung kích” chuyên đi chọc những mảng tường rạn nứt, tránh việc rơi bất ngờ gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên.
Trước đó, vào những ngày đầu tiên của năm học, một mảng vữa và chiếc đèn chiếu sáng nặng hơn 10kg đã rơi sập xuống khu vực bàn giáo viên một lớp học. Rất may lúc đó là giờ thể dục, phòng học vắng nên không có thương vong về người. Trước tình trạng đó, có giáo viên đã đề xuất trong khi các lớp học chờ được cải tạo, tu sửa, học sinh có thể đội nón bảo hiểm khi ngồi trong lớp hoặc khi sinh hoạt tại những khu vực thiếu an toàn, để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của các em. Chuyện xảy ra thật mà cứ tưởng như đùa!
Hai câu chuyện nói trên khiến nhiều người liên tưởng đến vụ sập sàn phòng học của một trường học ở thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) diễn ra vào tháng trước khiến 11 học sinh nhập viện.
Nỗi lo an toàn trường học ảnh 1 Sập phòng học tại một trường học ở TP Đà Lạt
Trong đó, có trường hợp do người đứng đầu đơn vị chủ quan, thiếu quan tâm, sâu sát tình hình cơ sở vật chất của nhà trường, cũng có trường hợp ban giám hiệu đã nhiều lần “cầu cứu” cơ quan chức năng nhưng chưa được duyệt kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc phải chờ kinh phí phân bổ theo đúng quy trình. Trước thực tế đó, học sinh và phụ huynh phải tiếp tục lo lắng, thấp thỏm mỗi khi đến trường, bởi ai sẽ đảm bảo tính mạng, sự an toàn cho các em? Bởi một khi tai nạn đã xảy ra, mọi sự rút kinh nghiệm, bù đắp hay xin lỗi đều trở nên vô nghĩa. Đặc biệt là một khi niềm tin của người dân dành cho ngành giáo dục suy giảm sẽ khiến mọi nỗ lực cải cách, đổi mới, nâng cao chất lượng trở thành hòn đá rơi vào khoảng không thinh lặng. Thiệt thòi trước mắt có thể thuộc về người học, nhưng về lâu dài, xã hội sẽ chịu tổn thất không nhỏ về khủng hoảng niềm tin và chất lượng nguồn nhân lực. 
Năm học 2017-2018 đã qua được 2 tháng, nhưng nỗi lo về cơ sở vật chất - chuyện trước đây là nhiệm vụ xử lý của 3 tháng hè - vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Không biết đến bao giờ trường học mới thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn của “quy trình” và “trách nhiệm”, để những người thầy toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, để các em học sinh, sinh viên được tận hưởng niềm vui, sự gắn bó trọn vẹn dưới mái trường?  

Tin cùng chuyên mục