Nỗi lo an toàn hồ thủy điện ở Quảng Nam

Liên tiếp trong 2 ngày (26 và 28-7), 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My (Quảng Nam) xảy ra 6 vụ động đất. Đặc biệt, chỉ riêng ngày 26-7, chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã xuất hiện 4 trận động đất có cường độ từ 2,7 - 3,7 độ richter. 
Các thủy điện ở Quảng Nam cần xây dựng những giải pháp xử lý khẩn cấp khi có sự cố xảy ra (trong ảnh: Thủy điện A Vương) Ảnh: NGỌC PHÚC
Các thủy điện ở Quảng Nam cần xây dựng những giải pháp xử lý khẩn cấp khi có sự cố xảy ra (trong ảnh: Thủy điện A Vương) Ảnh: NGỌC PHÚC

Vấn đề ứng phó với thảm họa thiên tai, nhất là sự an toàn của hồ thủy điện Sông Tranh 2 (khu vực xảy ra động đất) và các thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam một lần nữa đặt ra nhiều thách thức cho các nhà chuyên môn cũng như chính quyền địa phương.

 Gia tăng tần suất

Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), trận động đất xảy ra vào lúc 5 giờ 24 phút ngày 26-7 tại huyện Nam Trà My có cường độ 3,5 độ richter, vị trí tọa độ 15,167 vĩ độ Bắc, 108,032 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 4,7km. Chỉ vài chục phút sau đó, trên địa bàn huyện Bắc Trà My đã xảy ra 3 trận động đất khác với cường độ từ 2,7 - 3,2 độ richter. Sang ngày 28-7, trên khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc huyện Bắc Trà My), động đất lại xuất hiện với cường độ mạnh 3,7 độ richter. Khoảng 2 phút sau, cũng tại khu vực này lại xảy ra một trận động đất mạnh 3 độ richter. 

Theo người dân địa phương, chưa khi nào cường độ động đất lại diễn ra với mật độ dày như vậy ở Quảng Nam, đặc biệt đã xuất hiện tiếng nổ kèm theo rung lắc lớn từ lòng đất. Sự an toàn của hồ thủy điện Sông Tranh 2 (dung tích hơn 733 triệu m3), nơi nằm trong khu vực động đất càng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hơn bao giờ hết. Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia nghiên cứu động đất, cho  biết những trận động đất liên tiếp xảy ra ở 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My chính là “động đất kích thích” liên quan đến hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. “Quá trình khảo sát cho thấy khu vực này có 2 đới đứt gãy địa chất đang hoạt động là Rào Quán - A Lưới và Trà My - Trà Bồng, liên thông với vùng lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2”, GS Cao Đình Triều nói.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, việc liên tiếp xảy ra động đất trong thời gian ngắn đã phản ánh những dấu hiệu bất thường về kết cấu địa tầng khu vực. Hiện hệ thống thiết bị quan trắc động đất của viện lắp đặt tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 thường xuyên theo dõi ghi nhận các chuyển động này và truyền dữ liệu về viện kịp thời có giải pháp ứng phó. 

Nâng cao năng lực dự báo

Với người dân sống trong khu vực, dù động đất đã dần trở nên quen thuộc nhưng nỗi lo thì chưa bao giờ cũ. Những ngày này ở 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về động đất, thủy điện. Với họ, nghe đất nổ, tận mắt thấy nhà cửa, đồ vật rung lắc đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Tại huyện Bắc Trà My đã từng xảy ra sự cố hoảng loạn khi người dân bỏ chạy lên núi vì tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 do động đất gây ra hồi tháng 6-2017. Nỗi sợ hãi bây giờ còn hiện hữu hơn khi sự cố vỡ đập thủy điện vừa xảy ra ở Lào vẫn còn chưa khắc phục xong hậu quả.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho biết vừa qua sở đã yêu cầu ban ngành, địa phương tiến hành kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy điện, sẵn sàng có phương án xử lý và ứng phó khi phát hiện những dấu hiệu bất thường. “Nếu vỡ đập thì bên cạnh các nguyên nhân như chất lượng xây dựng kém, quản lý vận hành cẩu thả, không đảm bảo quy trình còn có nguyên nhân khách quan từ thiên nhiên, bao gồm động đất, sạt lở, mưa lớn gây lũ vượt quá tần suất thiết kế công trình. Do đó, công tác kiểm tra rất quan trọng. Với hàng loạt vụ động đất vừa xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 thì việc kiểm tra, rà soát càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết ”, ông Thử nói.

Theo phân tích của các chuyên gia, những sự cố và diễn biến gần đây như vỡ đập thuộc dự án thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy (Lào) hay động đất liên tiếp tại 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My là tiếng chuông cảnh báo về an toàn hồ chứa thủy điện. Vì vậy, công tác vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi cần có những giải pháp cấp bách. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực dự báo, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an toàn đập; công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa… 

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng về cơ sở khoa học, các hiện tượng động đất đã có Viện Khoa học vật lý địa cầu theo dõi thường xuyên, nên mọi diễn biến, tình hình động đất tại khu vực Sông Tranh 2 sẽ có khuyến cáo khi có những dấu hiệu nguy hiểm. Ngoài ra, địa phương cũng tổ chức phương án diễn tập sơ tán dân khi có động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2. “Địa phương đã có những phương án chuẩn bị trong trường hợp xảy ra sự cố nguy hiểm. Người dân sẽ được thông tin kịp thời, được sơ tán cũng như chính quyền áp dựng các phương án xử lý”, ông Thanh nói.

Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 450,76 MW. Trong đó, có 11 công trình đã phát điện với công suất thiết kế 140,46 MW, 6 công trình đang xây dựng. Ngoài ra, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 dự án thủy điện bậc thang, tổng công suất 1.156 MW đã được Bộ Công thương phê duyệt. Đến nay, 7 công trình đã phát điện, 2 công trình đang xây dựng gồm Sông Bung 2 (100 MW) và Đăk Mi 2 (98 MW). 

Tin cùng chuyên mục