Nỗi lo an ninh vũ trụ

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) vừa ra thông báo dừng các vụ phóng tên lửa Soyuz từ sân bay vũ trụ Kourou ở Guiana, một tỉnh hải ngoại thuộc Pháp. Quyết định này đã gây hậu quả trực tiếp đến nhiều dự án không gian vũ trụ của châu Âu.
Tên lửa Soyuz của Nga
Tên lửa Soyuz của Nga

Ảnh hưởng lớn

Theo thông báo nói trên, kế hoạch phóng 2 vệ tinh Galileo, được coi là GPS của châu Âu, dự kiến diễn ra vào ngày 6-4 tới, chắc chắn sẽ bị hoãn lại do được phóng bằng tên lửa Soyuz của Nga. Roscosmos đã đình chỉ hợp tác với các đối tác châu Âu và rút toàn bộ nhân sự khỏi Guiana.

Theo nguồn tin từ phía Pháp, nếu không còn các nhân sự chuyên môn của Nga, không một tên lửa Soyuz nào có thể cất cánh từ Guiana. Kể từ năm 2011, Nga đã giúp đối tác Pháp phóng nhiều vệ tinh vào không gian.

Xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây là một tin xấu cho Arianespace, bởi trước đó công ty này đã lên kế hoạch phóng tổng cộng 3 tên lửa Soyuz từ Kourou trong năm nay. Đây chính là chủ đề quan trọng được nêu trong cuộc họp về khủng hoảng của Cơ quan Vũ trụ châu Âu vào cuối tháng 2 vừa qua. 

Tiếp theo là dự án sinh học vũ trụ Exomars. Theo kế hoạch, một robot tự hành của châu Âu có tên là Rosalind Franklin sẽ được phóng lên từ sân bay Baikonur ở Kazakhstan vào tháng 10 tới bằng tên lửa Proton của Nga. Robot này sẽ được thả lên sao Hỏa và sử dụng modul hạ cánh cũng là của Nga. Dự kiến, robot Rosalind Franklin phải được vận chuyển đến Nga vào mùa xuân này trên một chiếc máy bay vận tải chuyên dụng đặc biệt của Nga.

Ngoài ra, Nga đang đóng vai trò là trung tâm của dự án Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) nhờ nắm giữ các modul cần thiết cho việc duy trì hoạt động bình thường của trạm vũ trụ, thực hiện vận chuyển hàng hóa và tham gia các thay đổi của phi hành đoàn. Nga cũng chịu trách nhiệm duy trì trạm quốc tế trên quỹ đạo. Hàng năm, Nga đều thực hiện các điều chỉnh độ cao bằng động cơ của các tàu tự động Tiến bộ. Nếu không có những thao tác này, ISS có thể tan rã trong không gian hoặc rơi trở lại Trái đất thành từng mảnh.

Không chỉ có hợp tác

Theo nhận định của Tổng biên tập Tạp chí Aerospatium (Pháp) Stefan Barensky, dù xung đột tác động mạnh đến lĩnh vực không gian vũ trụ, song Nga sẽ không thể rút khỏi ISS ngay lập tức bởi có sự phụ thuộc lớn giữa các phần của Nga và phần của Mỹ - Nhật Bản - châu Âu. Các bộ phận đều có sự gắn kết chặt chẽ và không thể hoạt động tách rời. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vũ trụ Nga cũng cần có nguồn thu ngoại tệ từ những dự án hợp tác này.

Trong khi đó, trang mạng The Conversation đăng tải bài viết nhận định, những diễn biến quanh cuộc xung đột ở Ukraine còn ảnh hưởng đến hợp tác an ninh vũ trụ khi mà công nghệ tên lửa của nhiều quốc gia hiện đã rất phát triển. Hợp tác vũ trụ là một dấu ấn phát triển lâu dài về cách các quốc gia xích lại gần nhau bất chấp những khác biệt, bất đồng về chính trị. Ngay cả ở đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã nhất trí về Hiệp ước cấm thử nghiệm từng phần năm 1963 - cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không gian vũ trụ và Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 đưa ra nguyên tắc cơ bản cho việc thăm dò và sử dụng không gian, ràng buộc các quốc gia sử dụng vũ trụ cho mục đích hòa bình.

The Conversation cảnh báo, căng thẳng tại Ukraine rất có thể sẽ kéo dài và có những tác động lớn đối với những gì xảy ra ngoài không gian. Sự tàn phá cũng như tác động của một cuộc chiến trong không gian, nếu xảy ra, đối với cuộc sống và xã hội là không thể tưởng tượng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo, tiến trình đàm phán giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine, trước đó được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Belarus, đã tiếp diễn theo hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định ông sẵn sàng đàm phán với Nga. Bộ Ngoại giao Mỹ thì cho biết nước này sẵn sàng đàm phán ngoại giao với Nga nhằm thúc đẩy tiến hình hòa bình tại Ukraine nếu như Kiev xem điều này là hữu ích…

Tin cùng chuyên mục