Nỗi khổ đòi nhà cho thuê

Hàng loạt vụ cho thuê nhà xong không lấy lại được nhà là vì quy định của Luật Tố tụng Dân sự 2015, buộc tòa án phải thụ lý mọi yêu cầu của người dân, mà thủ tục xử một vụ án đôi khi kéo dài nhiều năm, nên kẻ có ý đồ gian sẽ lợi dụng để trục lợi.

Có một vụ cho thuê nhà ở quận 1, hợp đồng ghi rõ thời hạn thuê 5 năm (khấu hao tài sản mỗi năm 20%), có nghĩa sau 5 năm bên thuê xách gói ra đi. Thế nhưng hết hạn, bên thuê không muốn trả nhà đã chơi chiêu kiện ra tòa, lấy lý do bên cho thuê không phải là chủ, mà là người thuê rồi đem cho thuê lại nên không đúng thẩm quyền, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng vô hiệu, dù các bên đã thực hiện xong hợp đồng. 

Ở Bình Tân, hợp đồng cho thuê đất giá 1USD/m2/tháng với thời hạn 20 năm. Trong hợp đồng ghi rõ “hết thời hạn, nếu các bên có nhu cầu có thể thỏa thuận thuê tiếp, với giá tăng không quá 30%”. Thế nhưng, sau 20 năm, giá thuê trên thị trường đã tăng lên 20USD/m2/tháng, nên chủ đất không muốn cho thuê tiếp. Bên thuê cũng không muốn trả, nên kiện. Dù quy định rõ ràng, có kiện cũng thua, cũng phải trả mặt bằng, nhưng bên thuê vẫn kiện nhằm kéo dài thời gian với giá thuê thấp - chỉ 1,3USD/m2/tháng. 

Vụ cho thuê nhà ở quận 5 cũng thế, bên cho thuê muốn lấy lại nhà trước hạn - tức đơn phương chấm dứt hợp đồng - nên đồng ý bồi thường. Thế nhưng bên thuê không trả. Chủ nhà phải nhờ thừa phát lại đến lập vi bằng xác định hiện trạng và lấy lại mặt bằng. Bên thuê gọi công an, vì cho rằng bên kia “hủy hoại tài sản” của mình.

Tương tự, ở Tân Bình, có một mặt bằng được cho thuê làm nhà hàng, hết hạn, bên thuê không trả. Bên cho thuê đã cho người xuống rào để lấy lại mặt bằng, thế là bị công an “mời” hết về phường. Trong khi đó, ở quận 7 cũng có một vụ cho thuê mặt bằng, hết hạn, bên thuê chưa kịp dọn bàn giao mặt bằng thì chủ nhà thuê người đến hốt đồ ra ngoài. Bên thuê gọi công an yêu cầu bảo vệ thì công an… đứng ngoài cuộc, cho đó là dân sự! 

Nguyên nhân của hàng loạt vụ cho thuê nhà xong không lấy lại được nhà là vì quy định của Luật Tố tụng Dân sự 2015, buộc tòa án phải thụ lý mọi yêu cầu của người dân. Mà thủ tục xử một vụ án đôi khi kéo dài nhiều năm, nên kẻ có ý đồ gian sẽ lợi dụng để trục lợi. Ngoài ra, việc xác định thế nào là hình sự, thế nào là dân sự đối với việc lấy lại mặt bằng khi hết hạn không được quy định rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, không thống nhất.

Có nơi xác định đó là hình sự, có nơi xác định là dân sự, khiến người tuân thủ pháp luật không được bảo vệ. Do vậy, đã đến lúc cần sửa các quy định pháp luật, bổ sung quy định bảo vệ quyền lấy lại nhà sau khi hết hợp đồng thuê, đồng thời thống nhất trong Bộ luật Hình sự về việc khởi tố đối với trường hợp này, tránh tùy tiện, tiêu cực, mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu.

Tuy nhiên, hơn ai hết, trước khi chờ luật sửa, người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách quy định rõ trong hợp đồng về trách nhiệm bồi thường, phạt nếu chậm hoàn trả mặt bằng sau khi hết thời hạn thuê.

Tin cùng chuyên mục